Theo tính toán của Bloomberg vào hôm 11/8, cổ phiếu của Apple đã tăng gần gấp đôi so với mức thấp nhất vào tháng Ba. Điều này cũng đã giúp tài sản ròng của CEO Tim Cook tăng lên mức 1 tỷ USD, đưa ông gia nhập vào hàng ngũ tỷ phủ USD của Mỹ.
Cụ thể, giá trị thị trường của Nhà Táo đã đạt ngưỡng 1,87 nghìn tỷ USD, vượt Amazon và Microsoft (cả hai đều đạt mức 1,54 nghìn tỷ USD) và Alphabet – công ty mẹ của Google (1 nghìn tỷ USD).
Nếu cán mốc 2.000 tỷ USD, Apple sẽ trở thành công ty duy nhất ngoài Saudi Aramco đạt được cột mốc này.
Ngay cả khi các công ty công nghệ lớn khác cũng gặt hái được nhiều thành công nhờ nhu cầu mạnh mẽ trong thời gian ngừng hoạt độn, Apple vẫn vượt qua các đối thủ thông qua doanh số bán hàng mạnh mẽ của các thiết bị đeo và máy tính bảng kết hợp với các ứng dụng và dịch vụ mới. Tất cả đã tạo cho Apple một chỗ đứng vững chắc trong bối cảnh cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu.
Thực tế thì trong quý thứ 2/2020, Apple đã báo cáo lợi nhuận tăng 8% lên 11,2 tỷ USD và doanh thu tăng 11% lên 59,7 tỷ USD.
Kiếm được nhiều hơn trong bối cảnh mọi người phải làm việc tại nhà
Đại dịch Covid-19 đang giúp nhiều "ông lớn" công nghệ giàu lên, bao gồm cả Apple. (Ảnh: Head Topics)
|
Kết quả trong quý vừa qua cho thấy mặc dù doanh số iPhone tăng khiêm tốn nhưng doanh số iPad và máy tính Mac của hãng lại tăng mạnh do nhu cầu về giáo dục từ xa và nhiều người phải ở nhà chống dịch.
Các dịch vụ cũng chiếm hơn 1/5 doanh thu của Apple khi hãng đẩy mạnh các dịch vụ âm nhạc, thanh toán kỹ thuật số, truyền hình trực tuyến và tăng thu nhập từ App Store. Bên cạnh đó, thị trường đồng hồ thông minh cũng bị Nhà Táo thâu tóm trong bối cảnh mọi người quan tâm nhiều hơn đến các ứng dụng sức khỏe và thể dục.
“Apple đã khai thác triệt để đại dịch, các sản phẩm của công ty thậm chí còn trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta ngày nay khi chúng ta phải làm việc và giải trí ở nhà” - Gene Munster của Loup Ventures cho biết.
“Người lái đò” thầm lặng
CEO Tim Cook của Apple. (Ảnh: Itzone)
|
Một nhân tố không thể thiếu khi nhắc đến thành công của Apple là sự lãnh đạo của CEO Tim Cook, người thay thế vị trí lãnh đạo công ty sau khi nhà sáng lập Steve Jobs qua đời vào năm 2011.
“Ông ấy không phát minh ra bất cứ thứ gì. Những gì ông ấy làm là giữ vững tay lái, chèo lái con thuyền và giữ gìn bản sắc riêng của Apple” - Nhà phân tích Laura Martin tại Needham & Company nói.
“Nhiều công ty được thành lập bởi những cá nhân đơn lẻ đã bị thụt lùi sau khi người sáng lập rời đi hoặc qua đời. Tuy nhiên, điều này đã không chính xác với Apple. Ông Cook đã dựa trên nền tảng mà Steve Jobs gây dựng, không ngừng phát triển và mở rộng nó mà không làm mất đi bản sắc riêng của Apple” - bà Laura nhấn mạnh.
Trung Quốc và tương lai của Apple
Ảnh: Nikkei Asian Review
|
Dù liên tiếp gặt hái được những thành công đáng nể nhưng những rủi ro tiềm ẩn đối với Táo khuyết vẫn chưa hẳn đã kết thúc.
Apple đang phải đối mặt với rủi ro từ mối quan hệ căng thẳng không ngừng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, không chỉ bởi iPhone và các sản phẩm khác được sản xuất tại Trung Quốc mà còn vì phần lớn doanh số của Táo khuyết được tạo ra từ thị trường này. Do đó, rủi ro lớn nhất của Apple chính là tập trung quá nhiều ở Trung Quốc.
Các chuyên gia cho biết việc chính phủ Trump đe dọa cấm TikTok và WeChat có thể khiến Apple phải đối mặt khó khăn tại Trung Quốc.
“Nếu Apple không thể cung cấp WeChat trên iPhone, sẽ rất khó để hãng có thể bán iPhone ở Trung Quốc, vì đây là một ứng dụng không thể thiếu của người dùng Trung Quốc” – ông Greengart, nhà phân tích của công ty tư vấn Techsponential cho biết.
Ông Greengart cũng lưu ý rằng bất kỳ sự trả đũa nào đối với Washington của Bắc Kinh có thể gây rắc rồi cho nhà sản xuất iPhone.
Mặc khác, vì có hoạt động rộng khắp ở Trung Quốc nên công ty Mỹ cũng tạo cho Trung Quốc hàng trăm nghìn việc làm, chủ yếu thông qua các nhà thầu phụ. Do đó, sẽ rất khó để Trung Quốc loại bỏ Apple mà không ra tình trạng thất nghiệp lớn. Đây sẽ là điều mà Bắc Kinh cân nhắc kỹ lưỡng trước khi có hành động trả đũa Washington vì đã cấm TikTok và WeChat.
Theo Business Times