Amazon chỉ quan tâm đến người bán, sẽ không vào Việt Nam
Phát biểu tại Diễn đàn Thương mại Điện tử Việt Nam 2018 do VECOM tổ chức, ông Gijae Seong đã nhấn mạnh đến tiềm lực của Amazon, vốn được biết đến là một người khổng lồ trong lĩnh vực thương mại điện tử. Amazon có tổng cộng 13 thị trường bán lẻ bao gồm 3 ở Bắc Mỹ, 5 tại châu Âu, 3 tại châu Á và hai thị trường mới nhất là Brasil và Australia. Amazon có 300 triệu khách hàng đến từ 180 quốc gia và người bán đến từ 172 nước, trong đó có Việt Nam. Amazon cung cấp các công cụ hỗ trợ người bán xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới một cách dễ dàng nhất.
Kế hoạch của Amazon đối với thị trường Việt đã được ông Gijae Seong nói rõ: “Chúng tôi đang xây dựng đội ngũ nhân viên ở Đông Nam Á để giúp đỡ người bán, chủ thương hiệu và nhà sản xuất, giúp họ tận dụng kênh phân phối trực tuyến toàn cầu, giúp họ tiếp cận khách hàng qua các trang thương mại điện tử toàn cầu của Amazon”.
Như vậy, có thể hiểu là Amazon sẽ không vào Việt Nam theo cách thức là cung cấp một trang TMĐT Việt hóa, mà Amazon (thông qua VECOM) sẽ giúp đào tạo người bán, các chủ thương hiệu để họ nắm được quy trình bán hàng trên Amazon, cũng như giúp họ hoàn tất các thủ tục để có thể kinh doanh qua môi trường trung gian là Amazon.
Chiến lược của Amazon là: “mong muốn thúc đẩy doanh nghiệp Việt bán hàng trên Amazon”.
Doanh nghiệp Việt sẽ thành công khi bán hàng trên Amazon?
Theo thống kê của Amazon thì hiện nay có khoảng 200 doanh nghiệp Việt đang bán hàng trên nền tảng TMĐT của hãng. Đã nhiều doanh nghiệp thành công khi sử dụng nền tảng của Amazon. Công ty MaryCraft là một ví dụ. Đây là một công ty chuyên sản xuất trang phục và phụ kiện cho nữ giới, có trụ sở tại Singapore và xưởng sản xuất tại Việt Nam.
Chị Mary Nguyễn, người sáng lập MaryCraft cho biết có rất nhiều thách thức đối với một doanh nghiệp nếu muốn xuất khẩu hàng ra nước ngoài, thứ nhất đó là phải nắm bắt được thị hiếu của khách hàng, thứ hai là việc chuyển đổi tiền tệ giữa các nước, thứ ba là khâu vận chuyển và thứ tư là dịch vụ khách hàng.
MaryCraft đã bắt đầu bán hàng trên Amazon từ năm 2015 và doanh số đã tăng 150%/năm. Đó là do MaryCraft đã tiếp cận được với “khu chợ” khổng lồ của Amazon, và đặc biệt là công ty đã được Amazon cung cấp dịch vụ “Fulfillment by Amazon” (FBA) – có thể hiểu là Dịch vụ hỗ trợ hoàn thiện đơn hàng.
Với FBA, người bán sẽ gửi sản phẩm đến cho Amazon. Tập đoàn này sẽ thực hiện các phần còn lại bao gồm lưu kho, đóng gói và vận chuyển cho khách hàng. Amazon cũng sẽ thay mặt người bán thực hiện đổi trả sản phẩm cho khách hàng toàn cầu. Người bán, các chủ thương hiệu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được Amazon hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trực tuyến và hoàn thiện đơn hàng giúp họ tiết kiệm được chi phí vận chuyển.
Chia sẻ thêm về câu chuyện kinh doanh của MaryCraft, chị Mary Nguyễn nói rằng khi công ty của mình lớn mạnh hơn, chị sẽ tận dụng thêm các kênh bán hàng Amazon UK, Amazon Canada và Amazon Australia.
Ông Gijae Seong nói rằng những thương nhân khác của Việt Nam có thể có được những thành công tương tự khi sử dụng dịch vụ của Amazon. Họ có thể học cách kinh doanh trên Amazon qua website trực tuyến của hãng, hoặc qua khóa đào tạo do Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) tổ chức.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch VECOM cho biết khóa đào tạo đầu tiên do VECOM phối hợp với Amazon tổ chức sẽ bắt đầu vào tháng Tư, và sẽ miễn phí cho người học. Tuy nhiên, người học sẽ phải ký quỹ 2 triệu đồng và sẽ được hoàn tiền sau khi kết thúc khóa học.
Ông Dũng nói rằng khóa học này chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, những người vốn gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm ra thế giới, đặc biệt là các thị trường tiềm năng như Mỹ và châu Âu.
Thị trường bán lẻ đang chuyển dịch mạnh mẽ sang TMĐT, và các doanh nghiệp Việt không thể đứng ngoài cuộc
Thị trường bán lẻ toàn cầu đang có xu hướng chuyển dịch sang TMĐT. Theo eMarketer, TMĐT toàn cầu đã đạt 2000 tỷ USD vào năm 2016 và sẽ tăng trưởng 100% trong 4 năm sắp tới. Đây là một sự thay đổi lớn đối với ngành bán lẻ nói chung, khi mà sự tăng trưởng của cả ngành mới chỉ đạt mức 26%.
Trong TMĐT, bán hàng xuyên biên giới sẽ tăng trưởng nhanh chóng với tỷ lệ 20-30% trong vài năm tới.
Đối với Việt Nam, theo nghiên cứu của công ty Nielsen, người Việt đã dần được làm quen với phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, các công ty Fintech, các nhà bán lẻ đang tham gia ngày một nhiều hơn vào thanh toán điện tử. 33% người tiêu dùng Việt Nam đã thực hiện thanh toán trực tuyến, trong đó có 36% sử dụng thẻ tín dụng.
Theo bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu người tiêu dùng, Nielsen miền Bắc, thì 55% người Việt sẵn sàng sử dụng, sẵn sàng mua sắm qua Internet. Gần 80% số người sống tại nông thôn đã có điện thoại thông minh. 38,5 triệu người đã kết nối mạng xã hội. Người Việt sử dụng 25 giờ mỗi tuần để vào Internet. Đến năm 2025, dự kiến sẽ có 49% dân số sống tại các đô thị. Đây sẽ là tiền đề rất tốt cho một nền kinh tế mà thanh toán điện tử trở nên phổ biến.
Cũng theo số liệu của Nielsen thì vào năm 2025, doanh thu nền kinh tế chia sẻ toàn cầu sẽ đạt mức 35 tỷ USD.