Ám ảnh với tiêu chuẩn sắc đẹp, phụ nữ trẻ Trung Quốc mắc rối loạn ăn uống nghiêm trọng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ở Trung Quốc, gầy không chỉ gắn liền với sắc đẹp mà còn liên quan đến thành công và thậm chí là đẳng cấp xã hội. Điều này dẫn đến một nguy cơ tiềm ẩn: rối loạn ăn uống ở phụ nữ trẻ. 
Rối loạn ăn uống đang là một đại dịch tiềm ẩn đối với phụ nữ trẻ Trung Quốc. Ảnh: Sixthtone
Rối loạn ăn uống đang là một đại dịch tiềm ẩn đối với phụ nữ trẻ Trung Quốc. Ảnh: Sixthtone

Ở lối vào của một phòng trưng bày chật kín là một bức tượng cô gái mặc một chiếc váy trắng xinh xắn. Cơ thể của cô ấy bị bao phủ bởi những thông điệp nguệch ngoạc bằng mực đỏ và đen như: "Bạn thật xấu xí", "Vòng eo của bạn quá lớn", "Bạn trông giống như một con lợn".

Tác phẩm nghệ thuật này là một phần của cuộc triển lãm mang tính bước ngoặt ở Trung Quốc với tựa đề "Anti Body-Shaming" (tạm dịch: ngừng miệt thị ngoại hình), khai mạc tại Thượng Hải vào ngày 14/5.

Đây là sự kiện đầu tiên thu hút sự chú ý của công chúng Trung Quốc về một cuộc khủng hoảng sức khỏe thường bị bỏ qua: số lượng trẻ em gái và phụ nữ trẻ mắc chứng rối loạn ăn uống gia tăng đáng báo động.

Gầy không chỉ liên quan đến sắc đẹp mà còn ảnh hưởng đến thành công và vị thế xã hội

Phụ nữ trẻ Trung Quốc luôn cố gắng để gầy.

Phụ nữ trẻ Trung Quốc luôn cố gắng để gầy.

Các trường hợp biếng ăn, ăn vô độ và rối loạn ăn uống đã tăng vọt trong những năm gần đây. Các chuyên gia y tế cho rằng cho sự lan tràn của tiêu chuẩn sắc đẹp độc hại như khuyến khích giảm cân cực đoan chính là thủ phạm gây ra những vấn đề này.

Chỉ vài thập kỷ trước, chứng rối loạn ăn uống là cực kỳ hiếm ở Trung Quốc. Theo Chen Jue, bác sĩ và giám đốc Trung tâm Rối loạn Ăn uống tại Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Thượng Hải, hầu hết mọi người đều làm việc với mức lương thấp và lương thực luôn là thứ đáng quý.

Nhưng ngày nay, giới trẻ Trung Quốc phải đối mặt với những áp lực khác nhau. Nhiều người khao khát lối sống của tầng lớp trung lưu, tuy nhiên, sự cạnh tranh cho những công việc được trả lương cao rất khốc liệt. Để có được một công việc tốt, phụ nữ thường cảm thấy họ cần phải có tất cả mọi thứ - không chỉ điểm số tối đa mà còn cả vóc dáng hoàn hảo.

Theo bác sĩ tâm thần Chen Yue, "Ngày nay, gầy không chỉ gắn liền với sắc đẹp mà còn liên quan đến kỷ luật bản thân, thành công và thậm chí là đẳng cấp xã hội."

Trong khi đó, sự gia tăng của phương tiện truyền thông xã hội đã bình thường hóa chế độ ăn kiêng khắc nghiệt và con số hình thể phi thực tế. Những người có ảnh hưởng của Trung Quốc thường xuyên tham gia các "thử thách sắc đẹp" như khoe vòng eo bằng chiều rộng của tờ giấy A4, cổ tay dày dưới 4 cm hoặc xương quai xanh sâu có khả năng chứa cá.

Bác sĩ Chen thường xuyên tiếp xúc với những thanh thiếu niên mắc chứng biếng ăn, họ nói rằng họ bắt đầu muốn giảm cân vì mọi người xung quanh không ngừng nói về việc ăn kiêng. Một số sinh viên nữ bỏ bữa trưa và chỉ ăn dưa chuột vào buổi tối.

"Ăn kiêng không trực tiếp gây ra rối loạn tâm thần. Nhưng môi trường văn hóa - tâm lý giảm cân và niềm tin rằng gầy là đẹp - đã tạo ra cơ hội cho chứng rối loạn ăn uống phát triển."

Mặc dù chứng rối loạn ăn uống vẫn chỉ ảnh hưởng đến chưa đến 0,1% dân số Trung Quốc, nhưng theo một cuộc khảo sát sức khỏe tâm thần quốc gia, số lượng nhập viện vì căn bệnh này liên tục tăng lên.

Năm 2002, Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Thượng Hải có không dưới 10 ca bệnh liên quan đến chứng rối loạn ăn uống. Đến năm 2019, con số đã tăng lên hơn 2.700 và đa số bệnh nhân là nữ.

Bản thân rối loạn ăn uống không gây tử vong, nhưng chúng có thể dẫn đến tử vong. Nguyên nhân thường gặp nhất là suy đa tạng do suy dinh dưỡng hoặc tự tử. Theo dữ liệu từ Trung tâm Tài nguyên Phòng chống Tự tử, gần một phần tư số người có tiền sử mắc chứng biếng ăn đã cố gắng tự sát.

"Có giọng nói trong tâm trí bảo tôi rằng đồ ăn là ma quỷ"

Trái: “Body Shame” của DBStone, một tác phẩm nghệ thuật được trưng bày tại triển lãm “Anti Body-Shaming”; phải: Zhang mặc váy cô dâu tại triển lãm.
Trái: “Body Shame” của DBStone, một tác phẩm nghệ thuật được trưng bày tại triển lãm “Anti Body-Shaming”; phải: Zhang mặc váy cô dâu tại triển lãm.

Zhang, người phụ trách chương trình "Anti Body-Shaming", chia sẻ với Sixthtone rằng cô biết rõ mức độ nguy hiểm của chứng rối loạn ăn uống. Cô gái 24 tuổi bắt đầu vật lộn với chứng rối loạn chuyển hóa ăn uống sau khi bắt đầu vào đại học.

Ở trường trung học, Zhang đã tập trung vào việc chuẩn bị cho kỳ thi gaokao, kỳ thi tuyển sinh đại học nổi tiếng khó nhằn của Trung Quốc. Nhưng khi trở thành sinh viên năm nhất vào năm 2015, cô thấy mình có nhiều thời gian rảnh hơn. Cô bắt đầu dành hàng giờ để đọc các bài viết về cách có được thân hình hoàn hảo trên mạng.

Ngay sau đó, Zhang quyết định cô cần phải ăn kiêng. Lúc đầu, cô ấy chỉ muốn làm cho đôi chân của mình thon hơn để có thể "tự tin bước đi". Zhang tải về một ứng dụng để theo dõi lượng calo mà cô ấy tiêu thụ.

Tuy nhiên, Zhang dần bị nghiện chế độ ăn kiêng. Chẳng bao lâu sau, cô chỉ ăn một miếng trái cây cho bữa sáng, một bát rau nhỏ cho bữa trưa và không ăn gì vào bữa tối.

Khi các bạn cùng lớp nói rằng cô ấy quá gầy để ăn kiêng, cô ấy đã bí mật giấu thức ăn vào trong tay áo và túi quần để trông như thể cô ấy vừa ăn xong. Đến năm thứ hai, cân nặng của Zhang đã giảm từ 50 kg xuống dưới 40 kg, và cô ấy không thể dừng lại.

"Dù nhận ra mình gầy nhưng tôi vẫn không dám ăn."

Tóc của Zhang bắt đầu rụng, da cô ấy bong tróc và cô ấy thậm chí còn mất kinh nguyệt. Trước tình hình đó, cha mẹ đã Zhang ép ăn bánh và sữa. Tuy nhiên, Zhang vẫn tiếp tục giảm cân.

"Ăn uống chỉ khiến tôi muốn chết đi. Có giọng nói trong tâm trí bảo tôi rằng đồ ăn là ma quỷ".

Năm 2018, chỉ còn nặng chưa đầy 29 kg, Zhang cuối cùng cũng được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt. Cô được thông báo bệnh nguy kịch, phải uống những chai sữa giàu chất béo có pha đường để tăng cân.

Chứng rối loạn ăn uống thường bị bỏ qua

Ảnh: Gilmore Health News

Ảnh: Gilmore Health News

Ở một số quốc gia, Zhang có thể đã được điều trị sớm hơn. Nhưng ở Trung Quốc, nhận thức của cộng đồng về chứng rối loạn ăn uống vẫn còn thấp, và hệ thống y tế vẫn đang vật lộn để bắt kịp những thay đổi nhanh chóng của xã hội. Cho đến năm 2016, Trung Quốc chỉ có hai trung tâm chuyên khoa điều trị chứng rối loạn ăn uống.

Trong khi đó, cha mẹ thường không hiểu rối loạn ăn uống là gì. Các chuyên gia y tế cho biết, họ thường coi con mình đang trong "thời kỳ phản nghịch" hoặc "không có kỷ luật" và thường chỉ ép con ăn uống.

Nếu làm vậy không hiệu quả, nhiều bậc cha mẹ tin rằng con có vấn đề thể chất chứ không phải chứng bệnh tâm thần.

Bác sĩ Chen cho biết bệnh nhân của cô thường dành nhiều năm để thăm khám tất cả các loại bác sĩ chuyên khoa - bao gồm bác sĩ tiêu hóa, bác sĩ phụ khoa, bác sĩ tim mạch và bác sĩ y học cổ truyền Trung Quốc - trước khi đến phòng khám của cô.

Trong một số trường hợp khác, phụ nữ trẻ nhận ra mình có vấn đề ăn uống nhưng không thể tiếp cận hỗ trợ do Trung Quốc thiếu nghiêm trọng các cố vấn được đào tạo. Các trường đại học Trung Quốc thường có trung tâm hỗ trợ tâm lý tại chỗ, nhưng sinh viên thường không muốn đến đây vì nhân viên không được đào tạo chuyên môn,

"Chúng tôi đã cười nhạo nó và nghĩ rằng nó vô ích," một cựu sinh viên từng mắc chứng rối loạn ăn uống nói với Sixth Tone.

Yêu bản thân và chấp nhận khuyết điểm của cơ thể

Tuy nhiên, những người Trung Quốc trẻ tuổi như Zhang vẫn quyết tâm thay đổi mọi thứ. Mặc dù chỉ có chính phủ mới có thể khắc phục tình trạng thiếu nguồn lực chăm sóc sức khỏe, nhưng ít nhất họ cũng có thể khiến xã hội nhận thức rõ hơn về sự nguy hiểm của chứng rối loạn ăn uống và khuyến khích những người đang gặp khó khăn tìm kiếm sự giúp đỡ.

Triển lãm "Anti Body-Shaming" là một phần của phong trào này. Đối với sự kiện này, Zhang đã làm việc với gần 30 nghệ sĩ, hầu hết trong số họ đã phải vật lộn với chứng rối loạn ăn uống trong quá khứ. Họ lấp đầy phòng trưng bày bằng những bức tranh và thơ ca thể hiện nỗi đau tâm lý từ rối loạn ăn uống.

Zhang nói: "Chúng tôi muốn cho công chúng thấy thế giới bên trong của cơ thể rối loạn ăn uống. Họ có thể trải nghiệm toàn bộ hành trình tâm lý của chúng tôi."

Sự kiện này không chỉ nhằm nâng cao nhận thức mà còn để chữa lành. Vào ngày khai mạc, Zhang và các cộng sự của cô đã diễu hành qua phòng trưng bày với mạng che mặt trắng và cầm hoa hồng đỏ.

Đứng giữa những tác phẩm nghệ thuật, nhắm mắt lại, những người phụ nữ thực hiện "nghi lễ kết hôn" - cam kết yêu thương và trân trọng bản thân mình trong suốt quãng đời còn lại. Một số "cô dâu" mỉm cười hạnh phúc, trong khi những người khác lặng lẽ khóc.

Một nhóm phụ nữ tham gia "nghi lễ tự kết hôn" trong triển lãm "Anti Body-Shaming".
Một nhóm phụ nữ tham gia "nghi lễ tự kết hôn" trong triển lãm "Anti Body-Shaming".

Zhang nói rằng cô muốn thông qua triển lãm gửi một thông điệp đến các cô gái trên khắp Trung Quốc: Chấp nhận bản thân là điều hoàn toàn có thể.

"Chúng tôi muốn kêu gọi mọi người dành cho chính bản thân mình một tình yêu dịu dàng nhất. Họ nên chấp nhận sự không hoàn hảo của mình."

Thông điệp này có tính cấp thiết đặc biệt ở Trung Quốc. Mặc dù phụ nữ đang bắt đầu lên tiêng chống lại tiêu chuẩn vẻ đẹp độc hại, phong trào "body positivement" (tạm dịch: tích cực với cơ thể) vẫn còn trong giai đoạn phôi thai.

Zhang nói việc chấp nhận sự không hoàn hảo còn hơn là chống lại cơ thể một cách tiêu cực của các cô gái. Nó cũng nhằm chống lại văn hóa cạnh tranh không ngừng của Trung Quốc khi ​​những đứa trẻ phải nhồi nhét cho các kỳ thi từ cấp tiểu học trở đi.

Cuộc chiến chống lại rối loạn ăn uống

Theo kinh nghiệm của bác sĩ Chen, những bệnh nhân mắc chứng rối loạn ăn uống có xu hướng mang những đặc điểm giống nhau. Họ thường nhạy cảm, có lòng tự trọng thấp và tự chỉ trích bản thân quá nhiều, ngay cả khi họ đã rất thành công.

Cửa vào triển lãm "Anti Body-Shaming"
Cửa vào triển lãm "Anti Body-Shaming"

Đối với chuyên gia sức khỏe He Yi, nỗi ám ảnh về sự thành công là một yếu tố chính dẫn đến chứng rối loạn ăn uống của cô. Cô chia sẻ với Sixth Tone rằng cô đã có chứng biếng ăn khi mới 17 tuổi, ngay sau khi bắt đầu học đại học.

Trong suốt thời thơ ấu, lòng tự trọng của He dựa trên thành tích ở trường, điểm tốt tương đương với thành công. Nhưng ở đại học, cô thấy có những trở ngại khác đối với việc đạt được mục tiêu.

"Quảng cáo, phim ảnh và tiểu thuyết đều nói với tôi rằng phụ nữ thành đạt nên kiểm soát cơ thể của mình. Tôi cảm thấy mình có thể thành công bằng cách gầy đi, vì vậy tôi đã chọn chế độ ăn kiêng khắc nghiệt".

7 năm tiếp theo, He liên tục ăn uống vô độ và thường xuyên móc họng để nôn ra. Đôi khi, chu kỳ đó lặp lại 3 - 4 lần một ngày.

Thời điểm đó, nhận thức của cộng đồng về chứng rối loạn ăn uống ở Trung Quốc còn thấp, He đã không nói với ai về tình trạng của mình trong nhiều năm. Cô tự coi bản thân là một con quái vật.

Sợ gặp bác sĩ, cô đọc sách và tìm được cách thoát khỏi chứng bệnh của mình. Giờ đây, He tham gia giúp đỡ những người khác đang gặp vấn đề tương tự.

Trái: “” của Wang Yujie, phải: “Unwarranted Guilt” của Jilroy, tác phẩm nghệ thuật từ triển lãm “Anti Body-Shaming".
Trái: “” của Wang Yujie, phải: “Unwarranted Guilt” của Jilroy, tác phẩm nghệ thuật từ triển lãm “Anti Body-Shaming".

Bác sĩ tâm lý Chen có một cái nhìn rộng hơn. Cô tin rằng để giúp trẻ bị rối loạn ăn uống, trước tiên các bác sĩ lâm sàng cần thay đổi thái độ của cha mẹ các em.

Các bậc cha mẹ Trung Quốc vẫn thường ưu tiên kết quả học tập của con cái hơn là sức khỏe tinh thần. Tại Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Thượng Hải, cô thấy các bậc cha mẹ vội vàng cho con xuất viện ngay khi chúng có dấu hiệu cải thiện một chút, vì lo lắng việc học hành ở trường bị ảnh hưởng.

"Cũng có những trẻ em đến bệnh viện với sách giáo khoa và làm bài tập về nhà trong quá trình điều trị. Hãy giáo dục và thay đổi suy nghĩ của cha mẹ. Có như vậy, những đứa trẻ mắc chứng rối loạn ăn uống sẽ dần có cảm giác an toàn và giúp họ hồi phục".

Theo Sixthtone