Sự việc Đài Loan chặn lô mì Omachi nhập khẩu từ Việt Nam vì chứa chất cấm và liên tiếp những vụ việc tương tự trước đó liên quan đến các sản phẩm mì ăn liền có xuất xứ Việt Nam lại dấy lên những băn khoăn về ảnh hưởng sản phẩm tiêu dùng đặc biệt phổ biến này cho sức khỏe người tiêu dùng.
VietTimes xin được lựa ra những câu hỏi phổ biến nhất về mì ăn liền. Các câu hỏi và câu trả lời này được CTCP Acecook Việt Nam (Vina Acecook) nêu công khai trên website chính thức của họ ở địa chỉ acecookvietnam.vn ở mục thắc mắc chung.
Vina Acecook hiện là công ty sản xuất mì gói có thị phần lớn nhất Việt Nam, chủ sở hữu của thương hiệu được mệnh danh là “mì gói quốc dân”: Mì Hảo Hảo.
Theo số liệu của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA), năm 2021, Việt Nam đã vượt qua Hàn Quốc để trở thành quốc gia có mức tiêu thụ mì ăn liền bình quân đầu người cao nhất thế giới. Trung bình, mỗi người Việt tiêu thụ 87 gói mì/năm.
Thị trường mì ăn liền Việt Nam hiện có sự tham gia của 50 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thị trường thực tế vẫn được “thống trị” bởi ba ông lớn. Theo đó, Vina Acecook đang cùng với Masan Consumer (chủ thương hiệu Mì Omachi, Kokomi) và Asia Food (chủ thương hiệu Mì Gấu đỏ) chia nhau khoảng 70% thị phần.
Về Vina Acecook, như VietTimes từng phân tích, doanh nghiệp này đăng ký kinh doanh, phát triển, kiếm tiền chủ yếu từ Việt Nam nhưng bản chất lại là một doanh nghiệp Nhật Bản – cũng chính là quê hương của mì ăn liền.
Báo chí trong nước từng viết rằng Vina Acecook đã trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sau khi Vifon triệt thoái vốn, nhiều người cũng tin rằng đại gia Nhật Bản Acecook Co., Ltd là chủ sở hữu tuyệt đối của Vina Acecook. Thực tế không hẳn vậy.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, tính đến cuối năm 2018, vốn điều lệ của Vina Acecook là 298,4 tỷ đồng. Trong đó, Acecook Co., Ltd sở hữu 56,64%, giữ vai trò là công ty mẹ.
Marubeni Foods Investment Asia Cooperatie F U.A (quốc tịch: Hà Lan), thành viên của Tập đoàn Marubeni (Marubeni Coporation) – đại gia trong lĩnh vực thực phẩm, giấy và công nghiệp nặng Nhật Bản - nắm giữ 18,296%. Phần cổ phần này, theo tìm hiểu của VietTimes, được Vina Acecook phát hành riêng lẻ cho Marubeni vào đầu năm 2010.
Ngoài bộ đôi cổ đông Nhật Bản, đáng chú ý, cơ cấu sở hữu Vina Acecook còn có sự xuất hiện của một cổ đông Việt Nam, là ông Hoàng Cao Trí (SN: 1962) – người nắm giữ 25,064% cổ phần còn lại.
Sự ăn nên làm ra một cách bền vững của Vina Acecook đã nâng tầm ông Hoàng Cao Trí thành một “đại cự phú”. Được biết, ngoài vai trò ở Vina Acecook, "đại cự phú" Hoàng Cao Trí còn đang kiến tạo một sự nghiệp lớn với Blue Sea Group.
Ba thương hiệu mì hàng đầu trên thị trường hiện nay: Mì Hảo Hảo, Mì Omachi, Mì Gấu đỏ. |
Trở lại với nội dung chính của bài viết này, dưới đây là những các câu hỏi phổ biến nhất về mì gói.
Mỗi ngày nên ăn tối đa bao nhiêu gói mì?
1 gói mì ăn liền thông dụng (75g) cung cấp cho cơ thể 300-350 kcal với hàm lượng các chất dinh dưỡng như sau:
+ Chất bột đường: 40 – 50g
+ Chất đạm: khoảng 6,9g
+ Chất béo: 10-13g
Người trưởng thành cần trung bình khoảng 2000 – 2500 kcal mỗi ngày tùy thuộc vào giới tính, tuổi, cân nặng, tình trạng cơ thể và mức độ hoạt động thể lực. Theo đó, mỗi gói mì ăn liền chỉ đáp ứng khoảng 15 – 17% nhu cầu năng lượng mỗi ngày nên người dùng sẽ sử dụng tùy theo nhu cầu của bản thân.
Ngoài ra, nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý là phải ăn đầy đủ 4 nhóm chất: chất bột đường, chất đạm, chất béo, khoáng chất và vitamin. Nếu chỉ ăn một loại thực phẩm thì sẽ gây mất cân bằng dinh dưỡng và dễ dẫn đến các vấn đề về sức khỏe. Do đó, bạn nên kết hợp nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn và có chế độ sinh hoạt hợp lý để có một cơ thể khỏe mạnh.
Mì ăn liền có gây ung thư?
Mì ăn liền ra đời tại Nhật Bản và cũng được coi là phát minh vĩ đại của thế kỷ 20, đã trải qua hơn 60 năm tồn tại và phát triển, trở thành một thực phẩm phổ biến với người dân trên toàn cầu. Qua thời gian, công nghệ sản xuất mì ăn liền được cải tiến ngày một hiện đại và kiểm soát chặt chẽ các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các thành phần chính và hàm lượng các chất phụ gia thực phẩm sử dụng trong mì ăn liền đều phải tuân thủ theo quy định và quản lý của của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trên thế giới chưa từng ghi nhận một kết quả nghiên cứu khoa học nào đủ tin cậy để khẳng định mì ăn liền gây ung thư hay có thể gây hại cho sức khỏe.
Mì ăn liền có gây ra sạn thận không?
Nhiều thông tin cho rằng mì ăn liền chứa axit oxalic gây sạn thận. Điều này không chính xác. Axit oxalic tự nhiên có sẵn trong các loại thực phẩm như bột lúa mì, ngò tây, cà rốt, trà… Nguyên liệu để làm mì ăn liền là bột lúa mì và rau củ, do đó trong mì ăn liền có một hàm lượng axit oxalic tự nhiên rất thấp và hoàn toàn không gây hại cho sức khỏe.
Mì ăn liền gây nóng trong người và nổi mụn?
Xét về mặt giá trị dinh dưỡng, trung bình, một gói mì ăn liền loại thông dụng (75g) chứa chủ yếu là chất bột đường (40g-50g); 10g -13g chất béo và thường không ít hơn 6,8g đạm, có thể cung cấp cho cơ thể 300-350Kcal (tương đương 15% -17% nhu cầu năng lượng mỗi ngày đối với người trưởng thành).
Thành phần và hàm lượng dinh dưỡng của mì ăn liền tương tự như một bát bánh canh thịt gà hoặc một bát phở nên có thể xem là những thực phẩm cơ bản trong bữa ăn hằng ngày.
Nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý là ăn đủ bốn nhóm chất: bột đường, chất đạm, chất béo và khoáng chất, vitamin. Mỗi người cung cấp vào cơ thể các chất dinh dưỡng vừa đủ và phù hợp với nhu cầu của từng người, giúp đảm bảo cho các hoạt động và chuyển hóa hàng ngày…
Không chỉ riêng mì ăn liền mà bất kỳ một loại thực phẩm riêng lẻ nào nếu sử dụng thường xuyên mà không kết hợp với các thực phẩm khác thì sẽ không đảm bảo tính đa dạng của bữa ăn, dễ dẫn đến thiếu hụt các chất dinh dưỡng làm cơ thể mệt mỏi, táo bón, thiếu nước gây cảm giác nóng trong người và nổi mụn.
Phụ gia thực phẩm sử dụng trong mì ăn liền có gây ảnh hưởng đến sức khỏe không?
Phụ gia thực phẩm sử dụng trong thực phẩm nói chung và sản phẩm mì ăn liền nói riêng được quản lý và quy định bởi Bộ Y Tế, theo Thông tư “Quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm” số 24/2019/TT-BYT.
Danh mục phụ gia thực phẩm sử dụng được xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm an toàn đối với sức khỏe con người, hài hòa với các tiêu chuẩn, quy định quốc tế về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm.
Gói dầu gia vị trong mì ăn liền có an toàn không?
Gói dầu gia vị được sản xuất bằng cách nấu dầu thực vật tinh luyện cùng các nguyên liệu tươi, tự nhiên như hành tím, tỏi, ớt, ngò om… Quá trình nấu dầu sẽ trích ly các tinh chất, mùi hương tự nhiên trong các nguyên liệu tươi để tạo nên hương vị thơm ngon, đặc trưng cho từng sản phẩm.
Các nguyên liệu đầu vào và quy trình sản xuất được kiểm soát và đáp ứng các tiêu chí về ATVSTP, đảm bảo chất lượng nên người dùng có thể an tâm khi sử dụng.
Ăn mì sống có an toàn không?
Mì đã được làm chín khi qua công đoạn hấp và được tiếp tục xử lý bằng nhiệt (chiên hoặc sấy) nhằm làm giảm độ ẩm trong vắt mì, giúp bảo quản trong thời gian 5 – 6 tháng.
Trên bao bì sản phẩm, nhà sản xuất thường ghi rõ cách chế biến và lượng nước, thời gian chế biến phù hợp. Đây là những thông số chuẩn, đã được nhà sản xuất thử nghiệm nhiều lần trước khi đưa ra, giúp người tiêu dùng có thể chế biến ra sản phẩm ngon nhất tại nhà.
Ngoài việc chế nước sôi hay nấu thì 1 số sản phẩm có kèm theo hướng dẫn sử dụng ăn sống như mì Doraemon – là mì dành cho trẻ em, có bổ sung thêm canxi.
Vì sao phải chế mì và chờ trong 3 phút?
Trên bao bì sản phẩm, nhà sản xuất thường ghi rõ cách chế biến và lượng nước, thời gian chế biến phù hợp. Đây là những thông số chuẩn, đã được nhà sản xuất thử nghiệm nhiều lần trước khi đưa ra, giúp người tiêu dùng có thể chế biến ra sản phẩm ngon nhất tại nhà.
Thời gian chờ là khoảng thời gian vàng để đảm bảo độ dai, ngon cho sợi mì. Thời gian chờ mì hoàn nguyên phổ biến nhất là 3 phút. Đối với các sản phẩm khác có sợi mì đặc trưng nên cũng sẽ có thời gian hoàn nguyên khác nữa. Ví dụ như mì Siukay hay mì Bistro thì cần nấu trên bếp 04 phút.
...
Xin lưu ý lại, toàn bộ các câu hỏi và câu trả lời liên quan đến mì ăn liền nêu trên được trích lại nguyên văn từ website chính thức của Acecook Việt Nam – doanh nghiệp chiếm thị phần số 1 trên thị trường mì ăn liền Việt Nam hàng chục năm qua và chủ sở hữu của thương hiệu “mì quốc dân”: mì Hảo Hảo./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu