Theo Bệnh viện Trung ương Huế, 12 bệnh nhân đang trong tình trạng nặng không chỉ mắc COVID-19, mà còn có nhiều bệnh nền: ung thư, rung nhĩ, suy tim, suy thận giai đoạn cuối đã chạy thân chu kỳ trong nhiều năm, sức đề kháng kém.
Nhằm hỗ trợ Bệnh viện Trung ương Huế điều trị bệnh nhân nặng, từ đầu mùa dịch Bộ Y tế đã cử 6 bác sĩ chuyên khoa giỏi với chuyên môn về hồi sức cấp cứu, tim mạch, truyền nhiễm, có nhiều kinh nghiệm trong điều trị COVID-19 ở Bệnh viện nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tăng cường cho Bệnh viện Trung ương Huế.
Trước diễn biến khó tiên lượng và trở nặng nhanh của một số bệnh nhân, vào chiều ngày 13/8, Bộ Y tế đã cử thêm GS.TS. Nguyễn Gia Bình - Tổ trưởng Tổ hội chẩn, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng; GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - và PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y tế Hà Nội, vào Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 - tiếp tục nâng cao năng lực cấp cứu điều trị bệnh nhân COVID-19, nhất là với những trường hợp tiên lượng bệnh nặng.
Ngay sau khi vào Huế, các chuyên gia đã thảo luận với Ban giám đốc bệnh viện và các bác sĩ trực tiếp theo dõi, điều trị cấp cứu bệnh nhân để nắm bắt tình hình sức khỏe của các bệnh nhân, nguồn nhân lực, kỹ năng chăm sóc, cấp cứu người bệnh. Cùng với đó, các chuyên gia cũng tiến hành thu thập thông tinh về tình hình trang thiết bị y tế, dụng cụ phòng hộ cá nhân, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm bệnh cho nhân viên y tế, cách bố trí buồng phòng, tình trạng sức khỏe và tâm lý của đội ngũ cán bộ y tế đã tham gia cấp cứu cho người bệnh trong gần 20 ngày liên tục mà chưa được về nhà.
12 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng đang được các bác sĩ nỗ lực điều trị, hội chẩn (Ảnh: Vũ Mạnh Cường)
|
Ngày 14/8, các chuyên gia đã cấp tốc đến Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 để họp bàn về tình hình của các bệnh nhân, quan sát kỹ hình ảnh, các thông số theo dõi chức năng sống của bênh nhân như nhịp tim, huyết áp, độ bão hòa oxy trong máu… được truyền trực tiếp từ buồng bệnh ra màn hình lớn.
Mặc dù các bác sĩ đã điều trị cho bệnh nhân đúng theo phác đồ của Bộ Y tế nhưng một số người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2 có diễn biến trở nặng nhanh, trong đó có trường hợp bệnh nhân tử vong do mắc nhiều bệnh nền trong thời gian dài khiến sức khỏe suy kiệt, sức đề kháng kém.
Để hạn chế tối đa nguy cơ tử vong cũng như điều trị có hiệu quả cho bệnh nhân mắc COVID-19, các chuyên gia đề nghị Bệnh viện Trung ương Huế cần nỗ lực tổ chức theo dõi sát bệnh nhân bởi chỉ cần mất cảnh giác là có thể gây ra hậu quả khó lường. Các bác sĩ trực tiếp điều trị cần tuân thủ đúng hướng dẫn của Bộ Y tế trong theo dõi, điều trị cấp cứu người bệnh. Ngoài ra, các bác sĩ phải đặc biệt quan tâm tới công tác chống nhiễm khuẩn, đảm bảo đủ dinh dưỡng cho người bệnh, mở thông thoáng các cửa, đặt quạt gió ở hành lang thồi gió theo một chiều.
Bên cạnh đó, các chuyên gia của Bộ Y tế cũng đề nghị Bệnh viện cần có chế độ chính sách khuyến khích, động viên kịp thời cho các nhân viên y tế. Ngoài chế độ theo quy định về phòng chống dịch của nhà nước, cần bổ sung thêm khẩu phần ăn, nước uống, sữa và quan tâm chăm lo về đời sống tinh thần cho cán bộ y tế, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.