7 điều cần biết về mạng xã hội “thuần Việt” Lotus ra mắt vào ngày 16/9 tới

VietTimes – Chia sẻ với phóng viên VietTimes, ông Nguyễn Thế Tân – Tổng Giám đốc VCCorp kiêm Tổng Giám đốc Lotus cho biết đây là một mạng xã hội xoay quanh nội dung. VCCorp muốn Lotus trở thành một nền tảng phân phối nội dung hấp dẫn từ các content creator đến người xem. Ngày 16/9 tới, người dùng có thể tải phiên bản Open Beta của ứng dụng Lotus để trải nghiệm.

Sau một năm ấp ủ, tuần tới, mạng xã hội Lotus do các kỹ sư công nghệ người Việt của VCCorp phát triển sẽ được chính thức ra mắt. Ban đầu, Lotus sẽ cung cấp bản dùng thử (Open Beta) trong vòng 3 - 6 tháng. Trong thời gian này, các kỹ sư của Lotus sẽ hiệu chỉnh trên cơ sở sử dụng thực tế cũng như những phản hồi của người dùng để mạng xã hội này trở nên tốt hơn, chất lượng hơn và đa dạng hơn.

Đây không phải là lần đầu tiên một mạng xã hội của Việt Nam xuất hiện, nhưng Lotus là một trường hợp đáng chú ý khi nó được phát triển bởi một công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam và một nhà đầu tư “sừng sỏ” đứng đằng sau. Trong thời buổi “nhà nhà dùng Facebook, người người dùng Facebook” thì sự xuất hiện của Lotus có thể mang đến điều gì đó mới mẻ, có thể kích thích niềm tự hào dân tộc của người Việt?

Dưới đây là những điểm đáng chú ý của mạng xã hội “thuần Việt” Lotus

1. Mạng xã hội xoay quanh nội dung, đặt nội dung lên hàng đầu

Trong cuộc gặp gỡ với báo giới trước lễ ra mắt chính thức mạng xã hội Lotus, ông Nguyễn Thế Tân – Tổng giám đốc VCCorp đã khẳng định rằng Lotus coi nội dung là Vua. Mục đích mà Lotus hướng đến là trở thành một nền tảng phân phối nội dung hấp dẫn từ các content creator (người sáng tạo nội dung) đến với người xem, người đọc.

Như vậy có thể thấy rõ triết lý của Lotus là sự coi trọng nội dung. Ông Tân nói rằng những người xây dựng Lotus muốn người dùng khi tìm đến Lotus là tìm đến với những nội dung hay, chất lượng và đa dạng chứ không chỉ đơn thuần là mở một cái app.

ông Nguyễn Thế Tân - Tổng Giám đốc VCCorp kiêm Tổng Giám đốc Lotus
ông Nguyễn Thế Tân - Tổng Giám đốc VCCorp kiêm Tổng Giám đốc Lotus

Thực tế thì việc “đánh” vào nội dung là một chiến lược đúng đắn. Có thể thấy rất nhiều trường hợp thành công trên thực tế. VSTV (truyền hình K+) là một ví dụ điển hình. Họ bỏ rất nhiều tiền để mua bản quyền giải ngoại hạng Anh – đây chính là nội dung hấp dẫn mà người dùng cần. Kết quả là họ đã thu hút được rất nhiều thuê bao, cả trực tiếp lẫn gián tiếp.

2. Hỗ trợ tối đa cho các content creator

Do coi nội dung là yếu tố quan trọng nhất nên đương nhiên Lotus phải đặt vị trí ưu tiên cho các content creator. Để có nội dung ban đầu tốt, hiện Lotus đang hợp tác với hơn 500 nhà sáng tạo nội dung trong 20 lĩnh vực khác nhau và sẽ còn mở rộng thêm nhiều lĩnh vực nữa. Mục đích của Lotus là trở thành một mạng xã hội cung cấp thông tin phổ quát từ các lĩnh vực chuyên sâu như y tế, giáo dục, sức khỏe, khoa học... đến các lĩnh vực đại chúng như phim ảnh, âm nhạc. Lotus cũng hợp tác với trên 30 nguồn chính luận như VTV, Tuổi trẻ, Lao động, Thanh niên, Dân trí...

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Giám đốc Marketing và Quản lý nhà sáng tạo nội dung, hiện tại trong 500 content creator mà Lotus tiếp cận, Lotus luôn lắng nghe họ để cùng bàn thảo nhằm giúp họ tạo ra những nội dung hay đồng thời có thu nhập tốt. Trong số này, khoảng 100 content creator hứa sẽ tạo ra những nội dung hoàn toàn khác biệt so với những nội dung mà họ đã làm.

bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Giám đốc Marketing và Quản lý nhà sáng tạo nội dung
bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Giám đốc Marketing và Quản lý nhà sáng tạo nội dung

Còn ông Nguyễn Thế Tân nói rằng Lotus có một phương châm là “giải phóng sức sáng tạo”. Nền tảng này đã tạo ra gần 50 format đa dạng như video giải trí, blog, hình ảnh, video nhanh, tạp chí, nhạc, sách... để giúp các content creator thuộc các lĩnh vực khác nhau có thể tạo nội dung một cách thuận tiện nhất. Chẳng hạn như nhiếp ảnh gia cần một format hỗ trợ up ảnh đẹp, nhà báo lại cần một format dạng chùm tin, các chuyên gia cần giao diện đơn giản, khoa học.

“Khi xác định nội dung là vua thì nhà sản xuất nội dung phải được tạo điều kiện tối đa. Trên Lotus, mọi người đều có thể trở thành content creator”, ông Tân khẳng định.

3. Khích lệ, tăng uy tín bằng Token

Khi nhắc đến Token thì đa phần mọi người hình dung đó là một dạng tiền điện tử (tiền mã hóa), có liên quan gì đó đến Bitcoin, Ethereum. Nhưng ở mạng xã hội Lotus, Token là một đơn vị phản ánh năng lượng nội dung, một yếu tố để khích lệ và tăng uy tín cho người sử dụng. Trong tương lai Token của Lotus sẽ còn được sử dụng cho nhiều mục đích khác nữa.  

Token được sinh ra theo mức tiêu thụ và tương tác với các nội dung của người dùng.

Cụ thể, người dùng xem càng nhiều nội dung trên Lotus, họ sẽ càng có nhiều Token. Khi người dùng tạo ra nội dung (đăng bài, up ảnh, video...) họ cũng sẽ nhận được Token. Khi người xem nội dung A nhận được 1 Token thì người tạo ra nội dung A sẽ nhận được số Token nhiều hơn từ 5 - 10 lần. Người chia sẻ nội dung cũng sẽ nhận được Token. Người dùng có thể khích lệ người khác bằng cách tặng Token.

Token giống như một tài sản của người dùng. Tài sản này có được không phải bằng cách bỏ tiền ra mua từ Lotus. Nhưng người dùng có quyền chủ động “tiêu xài” Token. Họ có thể tặng cho bạn bè. Các doanh nghiệp có thể đổi voucher hàng hóa lấy Token. Không loại trừ người dùng cũng có thể bán Token cho người khác và thu về tiền thật. Ở mạng xã hội Lotus, theo ông Nguyễn Thế Tân, Token cũng có thể sử dụng để có lượt view nhiều hơn.

4. 200 kỹ sư công nghệ vận hành mạng xã hội Lotus

Một yếu tố lôi kéo người dùng đến với một ứng dụng (Lotus) là nó phải mượt, không giật lag, load trang, load ảnh nhanh, dễ sử dụng, dễ tiếp cận. Điều này đòi hỏi VCCorp và Lotus phải giải một bài toán lớn về công nghệ. Ngoài phần mềm, cần phải có một hệ thống máy chủ phân tán mạnh mẽ.

ông Nguyễn Thế Tân chia sẻ với báo giới về Lotus

Theo ước tính của ông Nguyễn Thế Tân, máy chủ của Lotus sẽ phải lưu trữ đến 5 tỷ bản ghi mỗi ngày. Những bản ghi này ghi nhận toàn bộ số Token phát sinh mỗi khi người dùng tương tác với nội dung như đọc bài, Like, bình luận, trở thành fan, cuộn app, xem video, xem ảnh...

Máy chủ cũng sẽ phải xử lý một số lượng giao dịch lên đến 120 triệu ngày. Nó phải có khả năng ổn định cao, đồng thời phải được trang bị công nghệ phát hiện sớm, mã hóa và bảo mật chống hành vi gian lận.

Việc duy trì, vận hành máy chủ và mạng xã hội Lotus do 200 kỹ sư của VCCorp đảm nhiệm

5. “Ăn chia” với các content creator

Sản xuất ra một nội dung hay thường rất tốn kém nên các content creator cần có một nguồn thu nhập tốt đối với các nội dung mà mình sáng tạo ra. Đương nhiên Lotus sẽ không thể “xài chùa” các nội dung mà nhà sáng tạo đưa lên nền tảng của mình. Lotus sẽ giúp content creator tìm kiếm doanh thu thông qua quảng cáo.

Theo ông Nguyễn Thế Tân, VCCorp có công nghệ quảng cáo Admicro hoạt động khá hiệu quả. Trong 10 mili giây, máy chủ có thể lựa chọn được chính xác 1 trong 10 nghìn quảng cáo để đưa tới 1 trong 10 triệu người dùng phù hợp. Admicro cũng giúp người quảng cáo kiểm soát và tối ưu ngân sách, cũng như đẩy quảng cáo theo thời gian thực.

Ông Tân nói rằng Lotus cũng sẽ xây dựng thêm các mô hình kiếm tiền khác cho content creator như mô hình tài trợ nội dung, mô hình tương tác...

6. Hoạt động không giống mô hình Facebook, chưa có tham vọng “lật đổ” Facebook

Một trong những vấn đề mà người dùng quan tâm là Lotus là người đi sau thì liệu mạng xã hội này có sao chép Facebook?

Trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Thế Tân cho biết mô hình của Facebook là dựa trên các mối quan hệ bạn bè. Còn Lotus nghiêng về follower (người theo dõi, người xem) – nó giống mô hình của YouTube hơn.

Tất nhiên, là một mạng xã hội đi sau, giao diện của Lotus cũng có những điểm giống với Facebook như có nút Like, có tab Nội dung theo Trending, nội dung Mới nhất, có chức năng chia sẻ. Nhưng chức năng chia sẻ thì cũng không hoàn toàn giống Facebook bởi Lotus còn có tính năng Loan tin – một cách chia sẻ công khai vượt qua cả danh sách bạn bè.

Giao diện của Lotus
Giao diện của Lotus

Phóng viên VietTimes có đặt câu hỏi với ông Nguyễn Thế Tân rằng liệu Lotus có tham vọng đánh bại Facebook tại thị trường Việt. Ông Tân nói rằng chưa có tham vọng đó. Nhưng ông hy vọng Lotus tìm được chỗ đứng tại thị trường Việt.

7. Kế hoạch ra mắt và thu hút người dùng

Hiện Lotus đã nhận được khoản đầu tư 700 tỷ đồng và dự kiến kêu gọi thêm 500 tỷ đồng nữa.

Với tiềm lực tài chính và công nghệ đã có, mạng xã hội Lotus dự kiến chính thức ra mắt vào ngày 16/9 tới. Nhưng ngay từ 9/9, người dùng đã có thể tải thử app Lotus và đăng ký sử dụng. Đến ngày 16/9, VCCorp sẽ phát hành bản Open Beta của app Lotus trong 3 -6 tháng nhằm tinh chỉnh tốt hơn trước khi tung ra bản chính thức.

Lotus sẽ tạo nguồn thu cho các nhà sáng tạo nội dung trong vòng 1 tháng kể từ khi sản phẩm bắt đầu hoạt động ổn định.

Người dùng trải nghiệm phiên bản beta Lotus
Người dùng trải nghiệm phiên bản beta Lotus

Mục tiêu của Lotus, theo ông Tân, là giai đoạn đầu sẽ thu hút được 4 triệu người dùng thường xuyên. Giai đoạn sau đó sẽ nâng số người dùng lên 20 triệu người và giai đoạn 3 sẽ là 50 triệu người. Con số 50 triệu người này cũng tương đương với số người dùng Facebook tại Việt Nam hiện nay.

Hiện Lotus đã nhận được sự ủng hộ và đồng hành của một số người nổi tiếng như hoa hậu H'Hen Niê, diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc, Hoa hậu Hương Giang, ca sỹ Tóc Tiên, nhà thiết kế Châu Bùi, cầu thủ Lê Công Vinh...