4 tháng dịch COVID-19, Đà Nẵng thu hút đầu tư tăng gần 600%

VietTimes – Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng vừa cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2020, Đà Nẵng đã thu hút đầu tư được 13.097 tỷ đồng vốn đầu tư, trong đó đầu tư trong nước đạt 10.815 tỷ đồng, tăng 593% về vốn so với cùng kỳ 2019.
Một góc Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng)
Một góc Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng)

Theo đó, trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động mạnh đến kinh tế TP, UBND TP Đà Nẵng đã 
đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Tính đến hết thàng 4/2020, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt khoảng 2.100 tỷ đồng, đạt 17% kế hoạch giao. Trong đó, nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu đạt 75% kế hoạch (243 tỷ đồng/323 tỷ đồng). 

Tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 7.821 tỷ đồng, đạt 25,28% dự toán (thu nội địa đạt 6.745 tỷ đồng, bằng 25,13% dự toán).

Trong 4 tháng đầu năm 2020 (tính đến 15/4), Đà Nẵng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 1.187 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 6.265 tỷ đồng; giảm 38% về số doanh nghiệp và giảm 44,5% về số vốn so với cùng kỳ 2019. Tổng số hồ sơ liên quan đến đăng ký doanh nghiệp từ ngày 1/1 - 15/4 là 8.315 hồ sơ, trong đó có 5.829 hồ sơ trực tuyến (chiếm tỷ lệ 70,1%).

Đặc biệt, trong kỳ, Đà Nẵng đã thu hút được 13.097 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và ngoài nước. Trong đó đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 4 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là 10.815 tỷ đồng (tăng 593% về vốn so với cùng kỳ); cấp mới được 43 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 74,846 triệu USD.

Cũng theo Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng, thống kê của Cục Thống kê TP cho thấy có đến 89,9% số lượng doanh nghiệp được khảo sát trả lời có chịu tác động của dịch COVID-19. Các khó khăn chủ yếu mà doanh nghiệp trên địa bàn phải đối mặt gồm: không thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh (58,4%); nguồn thu không đủ để bù đắp cho các chi phí phát sinh (45,8%); thị trường tiêu thụ trong nước bị thu hẹp (44,3%); hàng hóa sản xuất không xuất khẩu được (39,7%); không có nguồn thu để bù đắp cho các chi phí phát sinh (38,5%); thiếu hụt nguồn vốn SXKD (37,4%); thiếu hụt nguồn nguyên liệu từ nhập khẩu (30,9%); không tuyển được hoặc phải cắt giảm lao động (27,2%)…