4 lý do cho thấy những mẫu MacBook đời mới của Apple là những sản phẩm tồi nhất mà họ từng làm

VietTimes – Những chiếc MacBook của Apple được nhiều người ưa chuộng bởi thiết kế mỏng nhẹ, thời thượng. Nhưng nhiều người cũng từng “ngậm quả đắng” vì sự tồi tệ mà nó đem lại.
(ảnh minh họa: PCMag)
(ảnh minh họa: PCMag)

Gần đây, blogger John Gruber – người chuyên làm video về các sản phẩm Apple – đã đổ lỗi cho nhà thiết kế Jony Ive của Apple về nhược điểm của bàn phím cánh bướm trên MacBook Pro. Anh Gruber nói rằng Jony Ive luôn bị ám ảnh bởi sự mỏng nhẹ nên đã thiết kế ra cái bàn phím cánh bướm cực tồi.

Trong bài đăng của mình, Gruber cũng cho biết: “MacBook ngày nay là một chiếc máy tính kém hơn nhưng thiết kế đẹp hơn”. Nhà báo Antonio Villas Boas của tờ Business Insider cũng đồng tình với nhận định đó – MacBook Pro 2016 của anh trông đẹp hơn hiệu năng mà nó đem lại.

Thật tốt khi máy tính xách tay của Apple mạnh mẽ, được thiết kế đẹp và macOS là một hệ điều hành tuyệt vời. Nhưng có 4 điều khiến MacBook rơi xuống cuối danh sách mong muốn của nhà báo Antonio Villas Boas. 3 trong số đó có nguyên nhân nằm ở thiết kế mỏng của những chiếc laptop đời mới của Apple.

Các mẫu máy tính xách tay gần đây, bắt đầu từ MacBook 2015, MacBook Pro 2016 và MacBook Air 2018 là những mẫu laptop tồi tệ nhất mà Apple từng sản xuất. Đây là lý do vì sao:

1. Bàn phím cánh bướm gây lỗi phím

(ảnh 9to5Mac)
(ảnh 9to5Mac)

Nhà báo Antonio Villas Boas nói rằng anh từng gặp lỗi không gõ được chữ G trên bàn phím cánh bướm của MacBook Pro 2016. Nó làm ảnh hưởng nhiều đến quá trình viết báo của anh. Antonio đã thất vọng đến nỗi anh đã viết một bài báo mà không sửa lỗi mất chữ G.

Công bằng mà nói, không phải mọi chủ sở hữu MacBook có bàn phím cánh bướm đều gặp phải sự cố. Đồng nghiệp của Antonio là nhà báo Ben Gilbert, người đã mua MacBook Air 2018 khi nó được phát hành vào tháng 11, nói rằng anh ấy đã không gặp phải bất kỳ vấn đề nào với bàn phím cánh bướm của mình.

Apple đã dành riêng một chương trình sửa chữa cho bàn phím cánh bướm bị lỗi. Thật thú vị khi ngay cả những chiếc máy tính xách tay mới nhất phát hành năm 2019 của Apple cũng sớm được đưa vào chương trình này trước khi người dùng có đủ thời gian để phát hiện ra bàn phím của họ có lỗi.

Nhưng ngay cả khi không gặp lỗi bàn phím thì nhà báo Antonio Villas Boas vẫn đánh giá MacBook đời mới không hề tốt hơn các phiên bản đời cũ.

2. Chi phí sửa chữa cực lớn cho những lỗi vặt vãnh

(ảnh Business Insider)
(ảnh Business Insider)

Khi Apple tạo ra các thiết bị mỏng nhẹ thì họ cũng khiến cho việc sửa chữa trở nên khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều.

Đôi khi, một vấn đề nhỏ nhất như thay thế một bộ phận rẻ tiền lại đòi hỏi phải thay thế cả một cụm linh kiện khiến cho chi phí đội lên. Có 2 ví dụ mà bạn có thể xem dưới đây:

Đầu tiên là bàn phím. Nếu không thể sửa một phím bị kẹt bằng khí nén hoặc các phương pháp khác thì bạn sẽ phải thay thế toàn bộ phần vỏ trên của MacBook. Phần vỏ trên là toàn bộ bề mặt đặt bàn phím, và pin của máy cũng được gắn vào phần vỏ trên. Hãy suy nghĩ về điều này: chỉ vì một phím bị lỗi duy nhất – một mảnh nhựa dưới 1 USD, mà bạn phải thay thế toàn bộ bề mặt bàn phím và pin.

Ví dụ thứ hai là lỗi “flexgate” – được gọi là lỗi “ánh đèn sân khấu”. Phần màn hình ở phía cạnh dưới xuất hiện các luồng sáng hắt lên nhìn khá khó chịu. Lỗi này do cáp màn hình quá ngắn và sau một thời gian người dùng đóng mở máy khiến hỏng cáp. Việc thay thế không hề rẻ tiền. Theo trang web iFixit, Apple đã thiết kế dây cáp dính liền với màn hình vì vậy không thể thay riêng cáp được. Điều này có nghĩa là nếu dây cáp bị hỏng, bạn sẽ phải thay toàn bộ màn hình. Một hoặc hai dây cáp giá 6 USD trở thành một thảm họa thay màn hình 600 USD.

3. MacBook chỉ có một cổng kết nối USB-C

(ảnh Geeky Gadgets)
(ảnh Geeky Gadgets)

USB-C là một chuẩn kết nối tuyệt vời, không có gì phải nghi ngờ về điều này. Tốc độ truyền tải nhanh hơn, mạnh hơn và kết nối được nhiều thiết bị hơn là những gì mà USB-C đem lại. Nhưng trên những chiếc MacBook đời mới, Apple chỉ trang bị đúng một cổng USB. Vì thế người dùng phải mua thêm một dock ngoài có chứa các cổng kết nối HDMI, USB 3.0, LAN… để kết nối với màn hình ngoài, bàn phím, đầu đọc thẻ hoặc dây mạng.

Không phải ai cũng chỉ cần đến 1 chiếc laptop trên bàn là đủ. Họ sẽ phải cắm thêm các thiết bị bên ngoài như điện thoại, đầu đọc thẻ v.v… và nếu không mua dock, điều này là bất khả thi.

Ngoài thị trường không phải thiết bị nào cũng dùng cổng USB-C. Ngay cả iPhone XS cũng không thể kết nối trực tiếp với MacBook mà bạn sẽ phải mua một bộ chuyển mà Apple bán với giá 19 USD. Thật là phiền phức.

Nó giống như bạn phải trả tiền cho Apple để lấy đi sự kết nối, tính linh hoạt và các chức năng kết nối cơ bản. Việc loại bỏ kết nối USB thường (USB-A) đã đem lại thêm tiền cho Apple khi người dùng phải móc hầu bao cho những bộ chuyển đổi và dock. Trước năm 2016, người dùng chưa bao giờ phải phí tiền cho những bộ dock như vậy.

4. Đối với những phiên bản MacBook cấu hình mạnh nhất, do thiết kế quá mỏng nên chúng không thể làm mát được máy khiến cho người dùng không bao giờ có được một hiệu suất hoạt động tối đa

(ảnh YouTube)
(ảnh YouTube)

Khi Apple giới thiệu MacBook Pro chạy chip Core i9 của Intel vào năm 2018, người ta đã phát hiện ra rằng chiếc máy này không có hệ thống làm mát phù hợp để giữ cho chip i9 luôn mát trong khi làm việc. Để chip hoạt động với hiệu suất tối đa, nó cần được làm mát tốt.

Apple đã giải quyết vấn đề máy nóng bằng bản cập nhật phần mềm và vấn đề đã được cải thiện. Nhưng khung máy MacBook Pro vẫn còn quá mỏng để làm mát một con chip khỏe như Core i9.

Về cơ bản, điều này có nghĩa là bất kỳ ai có MacBook Pro Core i9 đều không nhận được giá trị khoản tiền mà họ bỏ ra để sở hữu máy. Họ sẽ không có được hiệu suất tối đa từ máy tính xách tay của mình trong một khoảng thời gian dài.

Theo Business Insider