Một điểm mới của Thông tư 03 so với quy định cũ là nâng mức kinh phí phải lập đề cương và dự toán chi tiết từ 3 tỷ đồng lên mức 15 tỷ đồng (Ảnh minh họa: M.Quyết)
|
Thông tư 03 quy định về lập đề cương và dự toán chi tiết đối với hoạt động ứng dụng CNTT sử dụng kinh phí chi thường xuyên thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước và Thông tư 04 về lập, quản lý chi phí dự án đầu tư ứng dụng CNTT cùng được Bộ TT&TT ban hành ngày 24/2/2020 và đều chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 9/4/2020, thay thế cho các Thông tư 21 và 06 được lần lượt ban hành vào các năm 2010 và 2011.
Đây là hai trong các Thông tư được Bộ TT&TT xây dựng để hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện các quy định tại Nghị định 73 ngày 5/9/2019 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn nhà nước.
Theo đại diện Cục Tin học hóa, đơn vị chủ trì xây dựng các Thông tư hướng dẫn Nghị định 73 của Chính phủ, so với quy định cũ, Thông tư 03 hướng dẫn lập đề cương và dự toán chi tiết đối với hoạt động ứng dụng CNTT sử dụng kinh phí chi thường xuyên thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước có 2 điểm mới chính.
Cụ thể, Thông tư 03 quy định nâng mức kinh phí phải lập đề cương và dự toán chi tiết từ 3 tỷ đồng lên mức 15 tỷ đồng. Quy định mới này nhằm đồng bộ với mức kinh phí đã được Chính phủ quy định tại khoản 2 Điều 51 của Nghị định 73.
Cũng để phù hợp với Nghị định 73, đồng thời giúp nâng cao vai trò của Sở TT&TT trong quản lý nhà nước về ứng dụng CNTT tại các địa phương, tại các điểm b, c, d khoản 2 Điều 6, Thông tư 03 quy định các đơn vị chuyên môn về CNTT (với cấp Bộ là các đơn vị chuyên trách CNTT hoặc đơn vị chuyên môn về CNTT theo phân cấp quyết định, cấp tỉnh là các Sở TT&TT) có trách nhiệm thẩm định phương án, giải pháp kỹ thuật, công nghệ của đề cương và dự toán chi tiết.
Đối với Thông tư 04, hai điểm mới chính của Thông tư gồm: quy định nhiều phương pháp đơn giản hơn để xác định các chi phí trong tổng mức đầu tư; và bổ sung chi phí quản lý, thu nhập chịu thuế tính trước đối với một số loại chi phí.
Phân tích cụ thể về các điểm mới này, đại diện Phòng Quản lý đầu tư, Cục Tin học hóa cho biết, việc trước đây quy định các chi phí trong tổng mức đầu tư phải được tính toán chi tiết như khi lập dự toán là không cần thiết, không phù hợp vì giai đoạn này mới mang tính sơ bộ.
“Vì thế, Thông tư 04 đã quy định nhiều phương pháp đơn giản hơn như báo giá, chuyên gia, so sánh để lựa chọn trong việc tính toán các chi phí của tổng mức đầu tư, giúp rút ngắn thời gian lập dự án”, đại diện Phòng Quản lý đầu tư nêu.
Về lý do quy định bổ sung chi phí quản lý, thu nhập chịu thuế tính trước đối với một số loại chi phí, đại diện Phòng Quản lý đầu tư, Cục Tin học hóa cho hay, trước đây không được tính các chi phí này do chưa có quy định. Thực tế triển khai các đơn vị vận dụng theo các văn bản dẫn đến không chính thống, không thống nhất. Thông tư 04 ngày 24/2/2020 của Bộ TT&TT quy định chính thức để đảm bảo phù hợp thực tế và được áp dụng thống nhất.
Nghị định 73 quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được Chính phủ ban hành ngày 5/9/2019 và đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Nghị định này thay thế cho Nghị định 102 ngày 6/11/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và Quyết định 80 ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm về thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước.
Nghị định 73 có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vướng mắc cho hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT, thuê dịch vụ CNTT; đảm bảo phù hợp và đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan; đồng thời bãi bỏ, đơn giản hóa quy trình, thủ tục đầu tư ứng dụng CNTT, thuê dịch vụ CNTT, từ đó thúc đẩy hoạt động ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử.
Được biết, để hướng dẫn thực hiện các quy định tại Nghị định 73, hiện Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục Tin học hóa còn đang xây dựng các Thông tư hướng dẫn phương pháp tính chi phí thuê dịch vụ CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư ứng dụng CNTT; công tác triển khai, giám sát triển khai và nghiệm thu dự án đầu tư ứng dụng CNTT; và quy định các nội dung đặc thù của hợp đồng thuê dịch vụ CNTT.
Theo ICTNews