Theo dõi sát sao bệnh nhân mắc COVID-19 nặng
Tại buổi hội chẩn, các điểm cầu đã báo cáo về tình hình bệnh nhân mắc COVID-19 đang được cách ly, điều trị.
Từ đầu cầu Hà Nội, báo cáo tình hình đón bệnh nhân từ Guinea Xích đạo về nước, TS. Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cho biết, trong số các công dân về nước có 6 bệnh nhân mắc COVID-19 bị tổn thương phổi. Đáng chú ý, trong số này có tới 3 người bị nhiễm nhiễm sốt rét và ký sinh trùng cần theo dõi sát sao.
Công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo về nước (Ảnh: Minh Thúy)
|
Tại Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng đang điều trị 2 bệnh nhân mắc COVID-19 là bệnh nhân 420 và bệnh nhân 445. Hiện, bệnh nhân 420 không còn cảm giác khô miệng, vận động tay chân bình thường, thông khí phổi tốt.
TS. Lê Đức Nhân - Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng - cho biết, Bệnh viện đang điều trị cho 19 bệnh nhân, trong đó 2 bệnh nhân đang phải sử dụng tim phổi nhân tạo (ECMO), 2 bệnh nhân phải thở máy. Bệnh nhân 428 trong tình trạng suy thận nặng, phải thở máy, sau khi được cấp cứu, bệnh nhân đã ổn định. Hôm nay, Bệnh viện đã chuyển thêm 5 bệnh sang Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị. Một bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Hoàn Mỹ phải thở máy được đề nghị chuyển sang Bệnh viện Trung ương Huế.
Các chuyên gia hội chẩn bệnh nhân mắc COVID-19 (Ảnh: Lê Hảo)
|
Tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, GS. TS. Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - cho biết: Về cơ sở vật chất Bệnh viện có thể tiếp nhận bệnh nhân, nhưng nhân lực và trang thiết bị còn thiếu nhiều. Do đó, ông Tuấn đề nghị bổ sung nhân lực hồi sức tích cực cho Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam từ các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh.
Đến nay, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đã bố trí được 20 máy xét nghiệm COVID-19.
Tại Bệnh viện Trung ương Huế, GS. TS. Nguyễn Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện - cho biết, rút kinh nghiệm trong công tác vận chuyển, liên lạc và thông tin người bệnh từ buổi hội chẩn trước, Bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân 438 từ Bệnh viện Đà Nẵng. Hiện, bệnh nhân đã tiến triển tốt, không phải nằm hồi sức. Bệnh viện cũng đang chuẩn bị tiếp nhận thêm các ca bệnh từ Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, chuẩn bị khu tiếp nhận bệnh nhân nặng.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh đang điều trị cho 2 bệnh nhân mắc COVID-19. Trong số các bệnh nhân chỉ có bệnh nhân 449 mắc COVID-19 nặng do nhiễm trùng phổi, có tiền sử cao huyết áp, sử dụng Corticoid trong thời gian dài. Hiện, bệnh nhân đã hết sốt và ổn định.
Tăng cường trang thiết bị hiện đại điều trị COVID-19
Các bệnh viện cho rằng nhu cầu máy thở, ECMO, máy lọc thận, quả lọc, thuốc, vật tư tiêu hao,…, đặc biệt là nguồn nhân lực để điều trị và dự phòng cho công tác điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 cần được trang bị nhiều hơn nữa. Do đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh cử thêm bác sĩ chuyên khoa Hồi sức để hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Thứ trưởng Sơn cũng đề nghị Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh hỗ trợ, đào tạo, kiểm định cho các bệnh viện về công tác xét nghiệm.
Hội chẩn trực tuyến bệnh nhân mắc COVID-19 nặng (Ảnh: Lê Hảo)
|
PGS. TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - cho biết, điều quan trọng nhất trong điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 là các bác sĩ phải trực tiếp theo dõi bệnh nhân, nắm chắc tình hình người bệnh. Các bệnh viện phải báo cáo về Sở Y tế và khẩn trương đánh giá nhu cầu, gửi văn bản đề nghị hỗ trợ về trang thiết bị, máy móc, thuốc, vật tư tiêu hao, khẩu trang để Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nhanh chóng đáp ứng, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ. Cán bộ y tế ở các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Đà Nẵng tham gia vào công tác điều trị phải được đào tạo tập huấn để sẵn sàng hỗ trợ và chi viện cho các bệnh viện tại địa phương và các tỉnh lân cận.
Theo ông Khuê, việc phân luồng cách ly và phòng ngừa phải được thực hiện rất sớm, khi có yếu tố dịch tễ nghi ngờ, biểu hiện lâm sàng rõ phải thực hiện ngay xét nghiệm để sàng lọc.