2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ Chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị Tổng kết  năm 2021, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2022 của Bộ TT&TT.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Mic
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Mic

Ngày 22/12/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2022 và đề ra kế hoạch phát triển trung hạn giai đoạn 2022 – 2024, định hướng đến năm 2025.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá: “Năm 2021 đối với ngành Thông tin và Truyền thông là một năm rất đặc biệt. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số (CĐS) là động lực phát triển kinh tế; khát vọng phát triển, khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc sẽ tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên thành nước phát triển có thu nhập cao. Đôi cánh để Việt Nam bay lên là công nghệ và khát vọng phát triển. Ngành Thông tin và Truyền thông đã có một sứ mệnh mới”.

Người đứng đầu ngành TT&TT cũng thừa nhận COVID-19 là cú hích trăm năm cho CĐS. Năm 2021 đã đẩy toàn đất nước vào CĐS. Nhưng hạ tầng, cách làm vẫn là thời Công nghệ thông tin. Bởi vậy, các vấn đề của ngành đã bộc ra một cách rất rõ ràng. Nếu cuộc sống cứ bình thường như trước thì chắc chúng ta không nhìn thấy rõ. Nhưng COVID-19, nhất là biến chủng Delta và đợt bùng phát dịch lần thứ tư, đã đẩy chúng ta khỏi giấy tờ và đối mặt với cuộc sống, với nhu cầu của hàng trăm triệu người dân về CĐS, về truyền thông.

Đặc biệt khi nói về nhiệm vụ của Bộ TT&TT trong năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ CĐS ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện. Là năm đầu thực hiện các chiến lược mới: Hạ tầng số, Dữ liệu, Bưu chính, An toàn thông tin mạng, Công nghiệp công nghệ số, Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số, Chuyển đổi số báo chí. Năm 2022, việc thì nhiều hơn, yêu cầu thì cao hơn nhưng thu nhập lại chưa cao. Chúng ta phải thiết kế lại vận hành của tổ chức, bỏ đi những việc không tạo ra giá trị, phẳng hoá bộ máy, tự động hoá các báo cáo. Chúng ta phải đầu tư nhiều hơn vào công cụ làm việc, nhất là các công cụ dựa trên dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Khác biệt căn bản nhất của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư là máy móc thay lao động trí óc của con người. Ba cuộc Cách mạng công nghiệp trước đây thì là máy móc thay lao động chân tay. Các đầu tư của Bộ từ năm 2022 sẽ tập trung vào công nghệ số để giảm tải cho cán bộ công nhân viên. Việc thì nhiều hơn, yêu cầu thì cao hơn nhưng thời gian làm việc thì phải ít hơn”.

"Năm 2022 và những năm tiếp theo là thời cơ tận dụng để bứt phá vươn lên, để Việt Nam hùng cường thịnh vượng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.