Theo kết quả nghiên cứu vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) công bố, sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, các KCN ở Việt Nam đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nhưng việc xây dựng môi trường sống cho người lao động trong KCN chưa được quan tâm đúng mức.
Đáng lưu ý là, phần lớn nhà ở cho người lao động trong KCN chưa đạt tiêu chuẩn xây dựng, thiếu dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục, chưa đảm bảo an ninh xã hội và môi trường, ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động và chất lượng sống của công nhân Việt Nam.
Số liệu từ ông Trịnh Trường Sơn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện nay tại các KCN mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân lao động có nhà ở ổn định, số còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm, với giá 300 đến 400 ngàn đồng một người/tháng. Trong khi đó, mức lương được trả trung bình của các công nhân này là 4 triệu đồng/người/tháng, đáp ứng 78-83% nhu cầu chi tiêu cơ bản của người lao động.
Lương thấp nên đa phần công nhân phải thuê nhà ở tạm trong điều kiện chật hẹp, điều kiện sinh hoạt nghèo nàn. “Đây chính là trở ngại đối với các doanh nghiệp sản xuất tại các KCN trong việc giữ chân người lao động có tay nghề cao. Việc công nhân thường xuyên bỏ việc làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam với các quốc gia xung quanh trong vai trò là một thị trường đầu tư trực tiếp nước ngoài”, ông Kenichi Hashimoto, Trưởng đoàn nghiên cứu JICA công bố kết quả khảo sát.
Chứng minh thực tế này, ông Ngô Chí Hùng, Phó ban quản lý KCN, Khu chế xuất Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn Hà Nội có 140.000 công nhân, trong đó có 70% công nhân ngoại tỉnh và cần nhà ở. Nhu cầu nhà ở rất bức xúc, Thành phố cũng đã giao Ban quản lý tìm kiếm đất gần KCN để xây dựng nhà ở cho công nhân nhưng không đơn giản.
“Hiện Hà Nội có ba mô hình xây nhà ở cho công nhân gồm Nhà nước, nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN và doanh nghiệp đầu tư xây dựng. Tại KCN Thăng Long, nhà ở cho công nhân có thể đáp ứng cho 23.000 lao động nhưng mới chỉ 5.000 - 6.000 lao động vào ở do không thể trả đủ tiền thuê”, ông Hùng cho nói.
Thực tế là, dù Chính phủ chủ trương phát triển nhà ở xã hội cho công nhân KCN nhưng lại không nhiều nhà đầu tư bất động sản quan tâm. Nguyên nhân được ông Kenichi Hashimoto lý giải, phần lớn quy hoạch không gian và thiết kế công trình, lựa chọn vị trí xây dựng nhà ở cho công nhân không phù hợp. Khả năng hỗ trợ của địa phương không đồng đều, quy mô nhà ở vượt quá khả năng chi trả của công nhân. Một nguyên nhân quan trọng khác, đó là việc áp dụng cùng một định mức lợi nhuận mà không xem xét khả năng sinh lời của các dự án khác nhau…
Hiện tại, theo quy định về cách định giá nhà ở xã hội, tỷ lệ lợi nhuận không được vượt quá 10% chi phí đầu tư trong trường hợp xây nhà để bán, 15% trong trường hợp xây nhà để cho thuê, được cho là không phù hợp. Báo cáo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và JICA xây dựng cũng đã đề xuất việc bãi bỏ quy định này, nhằm thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư bất động sản vào các dự án nhà ở xã hội. Tương tự, cần điều chỉnh lãi suất cho vay phát triển các dự án nhà ở xã hội xuống thấp hơn nữa.
Đồng quan điểm, ông Đặng Ngọc Quỳnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đã đề nghị các bộ, ngành điều chỉnh mức khống chế lợi nhuận này sao cho phù hợp. “Bộ Xây dựng cũng xem xét tham mưu cho Chính phủ việc điều chỉnh tỷ lệ diện tích theo hướng tăng công trình xây dựng kinh doanh thương mại trong dự án xây dựng nhà ở xã hội”, ông Quỳnh nói.
Hưng Yên chính là địa phương được JICA nghiên cứu xây dựng một mô hình cơ bản nhà ở cho công nhân, đảm bảo được cả ba yếu tố: chất lượng, phù hợp khả năng chi trả và đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Phương án được đề xuất là sẽ xây dựng các dãy nhà hai tầng phục vụ cho các công nhân độc thân ở ghép, cùng với các tòa nhà chung cư thấp tầng với các căn hộ dành cho 4 người, tổng kinh phí dự án là 1.311 tỷ đồng. Điều quan trọng để dự án thành công, chính quyền địa phương phải đứng ra thu hồi đất cho nhà đầu tư và có sự hợp tác của doanh nghiệp sản xuất. Lãi suất cho vay phát triển dự án cũng phải được điều chỉnh. Nếu như lãi suất là 5% như hiện nay, thì doanh nghiệp sản xuất trợ cấp nhà ở với mức 500.000 đồng/người/tháng; nhưng nếu lãi suất chỉ là 1% - theo kiến nghị của JICA, thì mức trợ cấp chỉ còn 300.000 đồng/tháng.
Chỉ là một dự án giả định, nhưng nếu được triển khai, có thể sẽ là một mô hình chuẩn cho phát triển nhà ở cho công nhân trong các KCN. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 mới đây cũng rất sốt ruột trước việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở xã hội tại các KCN cho công nhân. “Không thể để công nhân làm việc tại các KCN thiếu thốn nhà ở, phải đi ở nhà thuê với giá đắt đỏ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Theo Đầu tư