Ảnh minh họa: WE |
Nhiều ông lớn công nghệ đã phải nếm trải năm 2018 biến động và đầy sóng gió. Mạng xã hội Facebook cấp quyền truy cập tài khoản 87 triệu người dùng cho Cambridge Analytica. Số dữ liệu này đã được công ty Anh phân tích và sử dụng thông qua quảng cáo nhắm tới cử tri mục tiêu, trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump năm 2016. Google thì bị tố đánh đổi hàng chục triệu USD để lấy sự im lặng của một Giám đốc cấp cao vì hành vi quấy rối tình dục.
Và dưới đây là 18 vụ bê bối lớn nhất của giới công nghệ theo dòng thời gian trong năm 2018, được thống kê bởi trang Business Insider thống kê:
Tháng 2: Waymo kiện Uber đánh cắp công nghệ xe tự hành
Cựu CEO Uber Travis Kalanick cho biết ông đã nhận thức được việc kỹ sư Anthony Levandowski đem công nghệ của Waymo tới Uber. Ảnh: Wired
|
Vào tháng 2, Uber đã phải hầu tòa vì cáo buộc từ phía hãng xe tự hành của Google, Waymo cho rằng Uber này đã đánh cắp công nghệ xe tự lái của họ.
Phía Google đã buộc tội kỹ sư cấp cao Anthony Levandowski lấy trộm dữ liệu trước khi nghỉ tại Google và gia nhập Uber. Vụ việc đã trở thành tâm điểm tranh cãi của giới công nghệ trong những tháng đầu năm 2018, bởi nó dính tới 2 công ty lớn nhất của Thung lũng Silicon, và thậm chí còn bao gồm cả lời khai thú nhận từ cựu CEO Uber Travis Kalanick.
Cuối cùng, Uber đã đồng ý thanh toán cho Waymo khoản phí bản quyền lên tới 245 triệu USD.
Tháng 3: Lộ diện Project Maven - dự án sử dụng AI trong chiến đấu của Bộ Quốc phòng Mỹ
Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp các cuộc tấn công bằng máy bay UAV và tên lửa tự hành của quân đội Mỹ trở nên nguy hiểm hơn. Ảnh: RT
|
Vào tháng 3, trang Gizmodo đã tiết lộ về một dự án ứng dụng AI của Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD) có sự tham gia của Gã khổng lồ tìm kiếm Google.
Theo nhận định của các chuyên gia công nghệ, công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ giúp tăng tốc quá trình phân tích hình ảnh video, tăng tính chính xác và mức độ sát thương cho các cuộc tấn công bằng máy bay UAV và tên lửa tự hành.
Do đó, hàng ngàn nhân viên của Google đã ký tên mình vào một bức thư ngỏ gửi tới CEO Google, Sundar Pichai để kêu gọi công ty chấm dứt hợp đồng này: “Chúng tôi tin rằng Google không nên tham gia vào chiến tranh".
Áp lực từ nội bộ cùng phản ứng gay gắt ngay từ trong nội bộ đã buộc Google phải cam kết ngừng gia hạn hiện với Lầu Năm Góc, khi hợp đồng hết hạn vào năm 2019.
Tháng 3: Xe tự hành của Uber đâm chết người
Vào tháng 3, một người phụ nữ tại thành phố Temple, thuộc tiểu bang Arizona đã thiệt mạng do va chạm với xe tự hành của Uber. Đây là lần đầu tiên, xe tự hành gây ra thương vong dân sự.
Nội bộ Uber đã dậy sóng vì tai nạn thương tâm nói trên. Nó khiến công ty phải ngừng quá trình thử nghiệm xe hơi không người lái, bất chấp đang cạnh tranh quyết liệt với GM và Waymo để đưa công nghệ này đi vào thực tiễn.
Theo nguồn tin của Business Insider, sự cố xảy ra do tranh cãi trong nhóm phát triển và rối loạn chức năng trên xe. Tới nay, Uber đang chuẩn bị tái khởi động dự án thử nghiệm xe tự hành.
Tháng 3: 87 triệu người dùng Facebook trở thành nạn nhân trong vụ Cambridge Analytica
Cambridge Analytica đã thực hiện hành vi thu thập dữ liệu quy mô lớn nhờ một ứng dụng tưởng chừng vô hại trên Facebook. Ảnh: Metro
|
Vào tháng 3, Facebook công bố về những vi phạm của Cambridge Analytica, từng hoạt động trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016 của ông Donald Trump. Công ty phân tích dữ liệu Anh quốc đã thu thập thông tin cá nhân của người dùng thông qua một ứng dụng nghiên cứu khoa học giả mạo, và dùng chúng để quảng cáo nhắm tới các cử tri mục tiêu.
Mặc dù báo cáo ban đầu của Facebook cho biết chỉ 50 triệu tài khoản bị ảnh hưởng, nhưng sau đó con số cuối cùng đã tăng lên 87 triệu người, bao gồm cả thông tin cá nhân của CEO Mark Zuckerberg. Vụ vi phạm quyền riêng tư lớn nhất lịch sử mạng xã hội đã tạo ra phong trào xóa Facebook “#DeleteFacebook” lan rộng trong cộng đồng.
Tháng 3: Facebook tiếp tục bị cáo buộc vì châm ngòi bạo lực tại Myanmar
Người Hồi giáo Rohingya tại Myanmar là nạn nhân của nạn fake news và ngôn từ thù địch trên Facebook. Ảnh: NY Times
|
Liên hợp Quốc và các tổ chức nhân đạo đã lên án Facebook vì không hoàn thành trách nhiệm trong việc kiểm soát sự lan truyền của tin giả và ngôn từ thù địch trên nền tảng. Thứ đã thúc đẩy bạo lực đối với người Hồi giáo Rohingya, một dân tộc thiểu số của Myanmar hồi tháng 3.
Ước tính có tới 700.000 người Hồi giáo Rohingya chạy trốn khỏi Myanmar bởi phong trào bạo lực bùng phát tại quốc gia Đông Nam Á này. Trong một bản báo cáo nhân quyền xuất bản hồi tháng 11, chính Facebook cũng khẳng định rằng công ty có thể làm tốt hơn, để ngăn chặn vụ việc xảy ra.
Tháng 4: CEO Facebook Mark Zuckerberg làm chứng trước Quốc hội Mỹ
Vụ bê bối Cambridge Analytica khiến CEO Facebook Mark Zuckerberg phải làm chứng ở phiên điều trần kéo dài 2 ngày của Quốc hội Mỹ. Ảnh: WP
|
Sau một loạt bê bối bao gồm vụ Cambridge Analytica sử dụng trái phép thông tin của 87 triệu người dùng Facebook và nghi vấn các tài khoản Nga phát tán fake news bên lề cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, CEO Facebook Mark Zuckerberg đã bị yêu cầu tới làm chứng trước Quốc hội Mỹ.
Để chuẩn bị cho phiên điều trần căng thẳng trong tháng 4, nhà sáng lập Facebook đã cùng nhóm của mình chuẩn bị các phương án trả lời trong nhiều tuần.
Tháng 7: Google lãnh án 5 tỷ USD vì độc quyền trên Android
Google bị Ủy ban Chống độc quyền của Liên minh Châu Âu cáo buộc ép các nhà sản xuất phải cài đặt sẵn bộ công cụ của Google trên thiết bị Android. Ảnh: Engadget
|
Vào tháng 7, Liên minh Châu Âu đưa ra phán quyết chống lại Google, vì cho rằng công ty đang sử dụng nền tảng hệ điều hành di động phổ biến Android để ép các nhà sản xuất thiết bị phải cài đặt sẵn bộ công cụ Google như: Google Tìm kiếm hay trình duyệt Google Chrome.
Phán quyết kèm theo khoản tiền phạt kỷ lục 5 tỷ USD là kết quả cuộc điều tra kéo dài 3 năm của nhóm theo dõi chống độc quyền Châu Âu.
Mặc dù tuyên bố sẽ tiếp tục nộp đơn kháng cáo, nhưng Google cho biết vẫn sẽ tuân thủ quyết định của Châu Âu. Công ty sẽ thay đổi một số chính sách, bao gồm mức phí 40 USD/thiết bị áp dụng với các nhà sản xuất muốn cài đặt trước gói ứng dụng Google.
Tháng 8: Google và dự án Dragonfly phát triển công cụ tìm kiếm bị Trung Quốc kiểm duyệt
Bộ công cụ tìm kiếm mới của Google tại Trung Quốc sẽ chặn kết quả và từ khóa mà Bắc Kinh cho là "không phù hợp". Ảnh: NY Times
|
Vào tháng 8, trang Intercept bật mí về kế hoạch khởi động công cụ tìm kiếm mới của Google tại Đại lục, cho phép chính phủ Trung Quốc kiểm duyệt. Dự án với mã hiệu “Dragonfly” đã làm gia tăng căng thẳng trong nội bộ Google, khiến CEO Sundar Pichai và nhà đồng sáng lập Serge Brin vấp phải làn sóng chỉ trích gay gắt trong một cuộc họp giải trình.
Nhân viên Google đã nói về dự án Dragonfly trong một bức thư phản hồi như sau: “Hiện tại, chúng tôi chưa đủ thông tin cần thiết để cho rằng công ty có vi phạm đạo đức kinh doanh hay không. Tuy nhiên, nhân viên cần phải được biết chúng tôi đang xây dựng những gì”.
Tới nay, phía Google vẫn chưa chính thức xác nhận về bộ công cụ tìm kiếm nói trên, hay kế hoạch quay trở lại Trung Quốc.
Tháng 8: “Trùm” thuyết âm mưu của Infowars, Alex Jones bị cấm cửa trên hàng loạt mạng xã hội
Twitter là nền tảng mạng xã hội cuối cùng cấm cửa "trùm" thuyết âm mưu Alex Jones. Ảnh: BI
|
Bắt đầu bằng việc bị Apple xóa sổ khỏi App Store, “trùm” thuyết âm mưu Alex Jones đã lần lượt bị các nền tảng mạng xã hội cấm cửa. Phần lớn nền tảng cho rằng các bài đăng, video và podcast (định dạng âm thanh có thể nghe hoặc tải xuống) của ông Jones chưa đầy những ngôn từ thù địch, đe dọa bạo lực nhắm tới người Hồi giáo, người chuyển giới và truyền thông chính thống.
Ông Alex Jones từ lâu đã nổi tiếng bởi thuyết âm mưu cực đoan. Ông cho rằng chính phủ Mỹ đã tiếp tay cho cuộc khủng bống kinh hoàng 11/9 và dàn dựng nên vụ thảm sát Sandy Hook năm 2012.
Tới nay, các nền tảng đã chặn Alex Jones bao gồm: Facebook, Spotify, YouTube, Vimeo, PayPal, Apple App Store và Podcasts, Twitter, Periscope, LinkedIn và Pinterest.
Theo Business Insider