Đến 2030, 100% cơ sở y tế sẽ sử dụng bệnh án điện tử

VietTimes -- Từ năm 2024-2028, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và đến 31/12/2030, đảm bảo 100% cơ sở y tế hoàn thành việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
PGS.TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục CNTT (Bộ Y tế)
PGS.TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục CNTT (Bộ Y tế)

Để cung cấp  thông tin đến bạn đọc xung quanh vấn đề này, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (CNTT), Bộ Y tế: 

Đi khám bệnh không cần cầm sổ

- Thưa ông, nguyên nhân nào để Bộ Y tế đưa ra Nghị quyết về thực hiện bệnh án điện tử tại các bệnh viện?

 PGS.TS Trần Quý Tường: Xuất phát từ yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng ứng dụng, phát triển CNTT y tế.

Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ trình cũng như ban hành một loạt các quyết định, thông tư về chủ trương này: Thiết lập hệ thống sổ sức khỏe điện tử đến từng người dân; cập nhật các thông tin, chỉ số sức khỏe khi đi khám, chữa bệnh; đẩy nhanh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT từ quản lý bệnh viện, giám định bảo hiểm y tế, bệnh án điện tử tới chẩn đoán, xét nghiệm, khám, chữa bệnh từ xa… Thông tư số 46 của Bộ trưởng Bộ Y tế về bệnh án điện tử là một trong những bước tiến nhằm hiện thực hóa chủ trương này.

Khi áp dụng bệnh án điện tử, người dân đi khám chữa bệnh sẽ không phải quan tâm đến hồ sơ mang theo
Khi áp dụng bệnh án điện tử, người dân đi khám chữa bệnh sẽ không phải quan tâm đến hồ sơ mang theo

- Việc thực hiện bệnh án điện tử sẽ đem lại những lợi ích gì, thưa ông?

 PGS.TS. Trần Quý Tường:  Lợi ích của việc thực hiện bệnh án điện tử đem lại lợi ích rất to lớn. Đối với người bệnh, bệnh án điện tử giúp không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ khi đi khám, chữa bệnh; không phải lo lắng nếu mất kết quả xét nghiệm, không phải hoang mang khi đọc chữ viết của bác sĩ. Người bệnh hoàn toàn dễ dàng so sánh từng chỉ số xét nghiệm, kết quả khám sức khỏe tổng quát định kỳ.

Đặc biệt là kết hợp với việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử giúp người bệnh tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời; lưu trữ tiền sử gia đình, tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng thuốc vv... đầy đủ. Từ đó, chủ động phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe.

Đối với nhân viên y tế, bệnh án điện tử giúp việc lưu trữ, trao đổi dữ liệu người bệnh giữa các khoa phòng, giữa các bệnh viện nhanh chóng, giúp cho việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Hồ sơ bệnh án điện tử được lưu trữ hệ thống, khoa học, nên các bác sĩ dễ dàng tìm lại hồ sơ bệnh án của bệnh nhân, giảm thời gian thăm khám, hỗ trợ điều trị kịp thời, giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị. 

Bên cạnh đó, hồ sơ bệnh án điện tử giúp hạn chế những sai sót y khoa, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, nhất là với người bệnh điều trị dài ngày. Với hồ sơ này, các bác sỹ có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của người bệnh từ khi sinh ra cho đến khi mất đi.

Với các cơ sở y tế, bệnh án điện từ sẽ cung cấp thông tin, dữ liệu lâm sàng nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm chi phí duy trì các kho lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy. Với và công tác quản lý tầm vĩ mô, bệnh án điện tử cung cấp dữ liệu cho công tác nghiên cứu, điều tra, hoạch định chính sách nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Một lợi ích nữa cũng cần nhắc đến là cơ quan bảo hiểm y tế sẽ quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm. Sau khi hồ sơ bệnh án điện tử được ký số, toàn bộ thông tin trên hồ sơ bệnh án điện tử không thể chỉnh sửa được nữa, đảm bảo tính nguyên vẹn dữ liệu của hồ sơ bệnh án.

Như vậy, việc triển khai bệnh án điện tử rất có ích cho người dân và ngành y tế, tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi hành nghề, có ý nghĩa thực tiễn và tính thời sự cao trong việc xây dựng y tế điện tử.

- Nhưng với thực trạng cơ sở vật chất ngành y tế hiện nay, việc thực hiện chủ trương đó liệu có gặp khó khăn, thưa ông?

 PGS.TS.Trần Quý Tường: Trước hết cũng phải nói đến thuận lợi trong việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, là sự quan tâm, chỉ đạo và theo sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thực hiện chủ trương, thể hiện ở hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy triển khai thực hiện.

Bên cạnh dó cũng có những khó khăn nhất định. Hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam hiện có 13.508 cơ sở khám, chữa bệnh với 300.679 giường bệnh. Trong đó có 1.183 bệnh viện công lập, 11.793 trạm y tế xã phường và các bệnh viện tư nhân. Số lượng bệnh viện hạng I và hạng biệt là 135 cơ sở.

PGS.TS Trần Quý Tường chia sẻ về giải pháp triển khai bệnh án điện tử
PGS.TS Trần Quý Tường chia sẻ về giải pháp triển khai bệnh án điện tử

Tuy nhiên, các cơ sở y tế này có sự chênh lệch về đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT, kết nối liên thông, trao đổi dữ liệu, nhận thức về tin học hóa trong công tác khám, chữa bệnh, nên việc thực hiện bệnh án điện tử gặp không ít khó khăn.

Bên cạnh đó, việc thực hiện bệnh án điện tử sẽ thay đổi thói quen làm việc với hồ sơ bệnh án giấy, đòi hỏi sự chủ động vào cuộc của tất cả các cấp quản lý, lãnh đạo các cơ sở y tế. 

Ngoài ra, các vấn đề như bảo mật, phân quyền truy cập hồ sơ bệnh án cá nhân, quy chế trao đổi, phối hợp, tính pháp lý của hồ sơ bệnh án điện tử, chữ ký điện tử,… cũng cần được giải quyết.

100% cơ sở sử dụng bệnh án điện tử và hướng đến mã số định danh bệnh nhân

- Thời gian qua, kết quả thực hiện thí điểm của các cơ sở y tế ra sao, thưa ông?

 PGS.TS. Trần Quý Tường:  Trong giai đoạn 2014-2016, Bộ Y tế đã phê duyệt dự án thí điểm bệnh án điện tử tại 6 Bệnh viện gồm: Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh và Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Kết quả rất khả quan, nên ngày 28/12/2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 46 quy định hồ sơ bệnh án điện tử.

Ngoài 6 bệnh viện triển khai thí điểm, hiện có một số bệnh viện đang triển khai bệnh án điện tử như: Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, Bệnh viện đa khoa TP.Vinh, Bệnh viện đa khoa khu vực An Giang, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện quận Thủ Đức…Trong đó, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh và Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã không sử dụng bệnh án giấy. 

Công tác ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh ở các đơn vị y tế đã có bước chuyển biến mạnh mẽ với tỷ lệ bao phủ hệ thống CNTT bệnh viện là 100%. Tuy nhiên, mức độ ứng dụng CNTT còn chưa đồng đều giữa các bệnh viện, việc kết nối liên thông dữ liệu còn khó khăn.

Đến 31/12/2030, sẽ có 100% bệnh viện sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử
Đến 31/12/2030,  sẽ có 100% bệnh viện sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử

- Lộ trình của Bộ Y tế trong việc thực hiện bệnh án điện tử, xác định mã định danh bệnh nhân và bệnh viện điện tử như thế nào, thưa ông?

 PGS.TS. Trần Quý Tường:  Lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử trong thời gian tới sẽ thực hiện qua 2 giai đoạn. Từ năm 2019 – 2023, các cơ sở khám, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống CNTT tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; các cơ sở khám, chữa bệnh khác căn cứ vào nhu cầu, năng lực thực tế để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

Từ năm 2024 – 2028, tất cả các cơ sở khám , chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

Nếu các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến Trung ương chưa triển khai được hồ sơ bệnh án điện tử thì phải báo cáo Bộ Y tế; các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới chưa triển khai được phải báo cáo Sở Y tế. Việc thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử phải hoàn thành trước ngày 31/12/2030.

Song song với đó, chúng ta sẽ xây dựng hệ thống mã số định danh theo dõi sức khỏe cho từng người dân. Thông qua mã số này, người dân được theo dõi, chăm sóc sức khỏe trọn đời.

- Xin cảm ơn ông!