Trung Quốc mất mặt ngay tại nhà, ép ASEAN rút tuyên bố về Biển Đông

Tờ Hoàn Cầu cho đăng bài bình luận tiếng Trung với tựa đề “ASEAN tát vào mặt Trung Quốc về vấn đề Nam Hải? Những ý tưởng điên cuồng của truyền thông phương Tây". Theo giáo sư Carl Thayer, có nhiều dấu hiệu cho thấy chính Trung Quốc đã gây sức ép để buộc ASEAN thu hồi văn bản về Biển Đông,
Vương Nghị trong cuộc họp với các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Côn Minh
Vương Nghị trong cuộc họp với các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Côn Minh

Một bản tuyên bố chung khá cứng rắn đối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông vừa được đưa ra đã vội bị phủ nhận sự cố trong khuôn khổ hội nghị ngoại trưởng ASEAN-Trung Quốc tại Vân Nam như đã lập lại kịch bản đáng buồn vào năm 2012 tại Phnom Penh, khi Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN cũng bất đồng ý kiến với nhau và không ra được bản tuyên bố chung đúc kết hội nghị. Mẫu số chung trong hai sự cố này đó là sức ép của Trung Quốc.

Có thể nói là cuộc họp ASEAN-Trung Quốc vào hôm 14/6 có dấu hiệu diễn ra không suôn sẻ lắm trên vấn đề Biển Đông. Nếu căn cứ vào nội dung bản tuyên bố chung của Ngoại trưởng các nước ASEAN được Malaysia công bố đầu tiên trước lúc bị thu hồi, thì khối Đông Nam Á đã nói đến một «buổi trao đổi thẳng thắn với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị» về các hành động của Bắc Kinh tại Biển Đông. Trong ngôn từ ngoại giao, «thẳng thắn» đồng nghĩa với «gay gắt».

Việc thu hồi một văn kiện sau khi đã được công bố là một hành động rất mất uy tín, thế nhưng tại sao ASEAN đã phải chấp nhận làm công việc này? Đó là câu hỏi mà giới quan sát đã cố tìm lời giải đáp sau sự cố hôm qua. Đối với một số nhà phân tích, việc thu hồi đã xảy ra vì đúng là đã có hiện tượng nhầm lẫn trong văn kiện gửi cho báo chí. Theo Indonesia thì một bản hướng dẫn cách trả lời câu hỏi đã được gởi đi như là một bản tuyên bố chung chính thức, còn theo Malaysia thì đó là một văn kiện chưa hoàn chỉnh, cần phải thu hồi để chỉnh lý.

Giới quan sát cho rằng cả hai cách giải thích kể trên đều không thỏa đáng, vì khó có thể tưởng tượng ra những nhầm lẫn thô thiển như vây. Theo giáo sư Carl Thayer, ngay cả cách giải thích của Indonesia rằng văn kiện đó chỉ là môt bản hướng dẫn cũng không đúng vì ngay từ hôm qua, chính Bộ Ngoại giao Singapore, sau khi văn kiện bị thu hồi đã công bố một bản tóm lược những điểm chính trong tuyên bố chung đó. Giáo sư Thayer ghi nhận diễn tiến của sự cố như sau:

«Ban Thư ký ASEAN đã thông qua tuyên bố chung của các ngoại trưởng ASEAN. Bộ Ngoại giao Malaysia đã gửi bản tuyên bố đó cho hãng tin Pháp AFP. Vào cùng lúc, bộ Ngoại giao Singapore công bố một bản thông cáo báo chí tóm tắt những điểm chính trong tuyên bố chung của các ngoại trưởng ASEAN. Sau đó Ban Thư Ký ASEAN đã ra lệnh thu hồi bản tuyên bố và một phát ngôn viên của bộ Ngoại giao Malaysia cho biết là cần phải « sửa đổi khẩn cấp .

Nếu không phải vì những lý do nêu trên thì do đâu mà ASEAN phải rút lại bản tuyên bố của mình. Có ý kiến cho rằng Lào và Campuchia vì thân thiện với Trung Quốc đã yêu cầu điều này. Tuy nhiên, theo giáo sư Thayer, trong trường hợp cụ thể hôm 14/6 có nhiều dấu hiệu cho thấy là chính Trung Quốc đã gây sức ép để buộc ASEAN thu hồi văn bản về Biển Đông. Ông phân tích:

«Dường như Trung Quốc đã phản ứng sau khi bản tuyên bố chung của ASEAN được hãng tin AFP tiết lộ, và điều đó đã dẫn đến quyết định của Ban Thư Ký ASEAN hủy bỏ việc công bố văn kiện. Một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ông Lục Khảng đã nói : Chúng tôi đã kiểm tra với phía ASEAN, và cái gọi là tuyên bố mà AFP loan tin không phải là một tài liệu chính thức của ASEAN».

Nội dung bản tuyên bố chung mà ASEAN gửi cho AFP phản ánh gần như nguyên văn những tuyên bố gần đây của các ngoại trưởng mà Campuchia đã đồng ý. Vì thế, vấn đề hiện nay dường như là chủ ý của chính Trung Quốc.

Báo chí đã nói nhiều đến nội dung cứng rắn của bản tuyên bố chung đã bị thu hồi, hàm ý cho rằng có lẽ vì những lời lẽ quá mạnh đó mà Trung Quốc đã gây sức ép trên ASEAN. Theo giáo sư Thayer, lời lẽ không có gì mạnh mẽ hơn các tuyên bố ASEAN họp riêng với nhau. Nhưng lần này Bắc Kinh bất bình vì tuyên bố được đưa ra trong khuôn khổ một hội nghị ASEAN-Trung Quốc được tổ chức ngay tại Trung Quốc khiến Bắc Kinh cảm thấy mất thể diện. Đây cũng là điều chưa từng xảy ra.

Hội nghị đặc biệt ASEAN-Trung Quốc tại Côn Minh đã không diễn ra êm đẹp
Hội nghị đặc biệt ASEAN-Trung Quốc tại Côn Minh đã không diễn ra êm đẹp

“Thật là khó tin và với một cách thức không tốt đẹp” là những lời lẽ mà ông Curtis Chin, cựu Đại sứ Mỹ tại Ngân hàng Phát triển Á châu, đã dùng để mô tả việc ASEAN rút lại tuyên bố về Biển Đông. Trả lời VOA (Mỹ), ông Chin nói hành động này “chẳng những nêu bật tính chất quan trọng của vấn đề Biển Đông mà còn cho thấy rõ là ASEAN cần phải làm nhiều hơn nữa để đoàn kết với nhau để tìm cách giải quyết một trong những vấn đề quan trọng nhất mà khu vực này đang đối mặt.”

Ông Thitinan Pongsudirak, giám đốc Viện nghiên cứu An ninh và Quốc tế của Đại học Chulalongkorn ở Thái Lan nhận xét: “Việc này khá buồn cười và rất bất bình thường. Tôi không nhớ là một việc như vậy đã từng xảy ra".

Các vị ngoại trưởng ASEAN, họp tại tỉnh Vân Nam trong hai ngày thứ hai và thứ ba, đã gián tiếp chỉ trích Trung Quốc qua việc bày tỏ “sự quan tâm sâu sắc” về những mối căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông và cảnh báo rằng những hành động như xây đảo nhân tạo và tiến hành hoạt động quân sự hóa trong vùng biển tranh chấp “sẽ gây tổn hại cho hoà bình, an ninh và ổn định của khu vực.”

Tuyên bố của khối ASEAN cũng kêu gọi các nước tôn trọng luật pháp quốc tế, trong lúc Trung Quốc không chịu chấp nhận phán quyết mà toà án ở La Haye sắp sửa đưa ra về vụ kiện của Philippines chống lại những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. Phán quyết của toà trọng tài, theo dự liệu, sẽ bất lợi cho Trung Quốc. Các nguồn tin trong giới ngoại giao hôm 14/6 cho biết các giới chức Trung Quốc đã vội vã gây sức ép đòi ASEAN rút lại tuyên bố này.

Cách đây 4 năm, Campuchia  là nước cũng được cho là thân Trung Quốc, giữ chức chủ tịch ASEAN và cuộc họp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo của khối này đã kết thúc mà không có thông cáo chung. Đó là lần đầu tiên một việc như vậy xảy ra trong lịch sử 45 năm của ASEAN.

Ông Thitinan cho biết vụ tranh chấp Biển Đông “trong 4 năm qua đã gia tăng cường độ tới mức vấn đề này phải được đề cập tới trong tất cả các thông cáo chung. Cuộc diện quả thật đã thay đổi. Những sự xích mích  dễ xảy ra hơn".

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhất mực cho rằng ASEAN không đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào tại cuộc họp mà họ đứng ra tổ chức. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, phát biểu tại một cuộc họp báo rằng “hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN lớn hơn rất nhiều so với bất kỳ sự bất hoà nào, kể cả Biển Đông".

Tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc đã cho đăng bài bình luận tiếng Trung với tựa đề “ASEAN tát vào mặt Trung Quốc về vấn đề Nam Hải? Những ý tưởng điên cuồng của truyền thông Tây phương" (Nam Hải là cách Trung Quốc gọi Biển Đông). Mặc dầu vậy, trên trang web tiếng Anh tờ báo dân tộc chủ nghĩa khét tiếng đã đăng một bài tường thuật “Các Ngoại trưởng ASEAN rút lại thông cáo về tranh chấp biển đảo".

Bộ Ngoại giao của Singapore là nước điều hợp quan hệ ASEAN-Trung Quốc, đã đưa ra một thông cáo riêng rẽ, trong đó ghi nhận rằng “các vị ngoại trưởng của ASEAN đã bày tỏ những mối quan tâm sâu sắc đối với những diễn tiến” liên quan tới vấn đề Biển Đông. Giáo sư Thitinan của Đại học Chulalongkorn cho biết vụ việc này “là một điềm rất xấu và sẽ làm cho căng thẳng gia tăng thêm nữa".