Phó Thủ tướng thúc Vinacomin bán than để “cứu” đạm Ninh Bình

VietTimes -- Việc ký hợp đồng mua bán than giữa Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinachem) và Công ty Đạm Ninh Bình đang là một phần cấp thiết để "cứu" công ty Đạm Ninh Bình. Tuy nhiên, hiện giá than của TKV đang cao hơn giá than nhập khẩu.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc xử lý kiến nghị của Công ty Đạm Ninh Bình.

Theo đó, Bộ Công thương khẩn trương chỉ đạo xử lý việc ký hợp đồng mua bán than giữa Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam và Công ty Đạm Ninh Bình theo quy định. 

Về việc vay vốn lưu động và cơ cấu các khoản nợ vay của công ty này tại các ngân hàng thương mại, Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại thông báo số 417 (ngày 20-12-2016).

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo xử lý những tồn tại, yếu kém của một số nhà máy, dự án thua lỗ thuộc ngành Công Thương ngày 20/12/2016, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã cho ý kiến về phương án xử lý các dự án, nhà máy thua lỗ này.

Theo đó, song song với việc rà soát quá trình hình thành dự án, Ban chỉ đạo sẽ đánh giá tổng thể thực trạng, mức độ thiệt hại để báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các dự án, nhà máy còn năng lực sản xuất sẽ thực hiện cơ cấu lại sản xuất, nguồn nhân lực, quản trị,…

Đáng lưu ý, Phó Thủ tướng xác định sẽ xử lý các dự án thua lỗ theo định hướng thị trường.

Cụ thể, dự án, nhà máy nào không còn khả năng cơ cấu lại sẽ phải xử lý theo các hướng thoái vốn, bán đấu giá, cho giải thể, phá sản...

“Nhà nước nhất quyết không dùng tiền ngân sách để bù lỗ, hỗ trợ cho các dự án này nữa” Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị cơ quan kiểm toán, thanh tra, điều tra thực hiện thanh tra, kiểm toán toàn diện các dự án, doanh nghiệp nói trên, xác định rõ trách nhiệm và đề xuất xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật.

Dự án Đạm Ninh Bình có tổng mức đầu tư là 667 triệu USD là một trong 12 đại dự án “đắp chiếu” của Bộ Công Thương. Từ năm 2013 – 2016, dự án này đã thua lỗ 3.300 tỷ đồng và được Bộ Công Thương chính thức kết luận không có hiệu quả kinh tế, xã hội. 

Trước đó, Vinachem cũng đã kiến nghị nhiều biện pháp ưu tiên để “cứu” đạm Ninh Bình, cũng như 3 dự án thua lỗ khác của Tập đoàn này. 

Để tháo gỡ khó khăn, Vinachem cũng đã chuyển tiền thay Công ty Đạm Ninh Bình trả ngân hàng khoản nợ gốc, lãi vay khoảng 1.460 tỷ đồng; nhiều lần hỗ trợ nguồn vốn ngắn hạn cho Đạm Ninh Bình là 150 tỷ đồng. 

Tập đoàn này đề nghị Thủ tướng cho phép kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng thành 20 năm đối với các khoản vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam của các dự án Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình và DAP số 2 – Vinachem. 

Không chỉ thế, Tập đoàn này còn đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo người đại diện vốn tại các ngân hàng như BIDV, Vietcombank, Vietinbank... giảm lãi suất tiền vay về mức ưu đãi nhất; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, ưu tiên thu nợ gốc trước, thu lãi sau, không tính lãi quá hạn... và tiếp tục giải ngân vốn vay lưu động...