Các cải tiến về chăm sóc sức khỏe số được thiết kế nhằm tiết kiệm thời gian, tăng cường độ chính xác và hiệu quả, đồng thời, kết hợp các công nghệ theo những cách mới trong chăm sóc sức khỏe. Ảnh: MC
Các cải tiến về chăm sóc sức khỏe số được thiết kế nhằm tiết kiệm thời gian, tăng cường độ chính xác và hiệu quả, đồng thời, kết hợp các công nghệ theo những cách mới trong chăm sóc sức khỏe. Ảnh: MC

E-magazine Y tế số là gì và tại sao lại quan trọng trong thời điểm này?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, y tế số cũng trở thành lĩnh vực được quan tâm hơn bao giờ hết.

1. Y tế số là gì?

Sức khỏe số (digital health), chăm sóc sức khỏe số (digital healthcare) hay y tế số là một khái niệm rộng, đa ngành bao gồm các khái niệm từ sự giao thoa giữa công nghệ và chăm sóc sức khỏe.

Y tế số áp dụng chuyển đổi số vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, kết hợp với các phần mềm, phần cứng và dịch vụ. Dưới vùng hoạt động của nó, y tế số bao gồm các ứng dụng sức khỏe di động (mobile health viết tắt là mHealth), hồ sơ sức khỏe điện tử (EHRs) và hồ sơ y tế điện tử (EMRs), thiết bị đeo, khám bệnh từ xa (telehealth) và y tế từ xa (telemedicine) cũng như y học cá nhân hóa (personalized medicine).

Các bên liên quan trong lĩnh vực y tế số bao gồm bệnh nhân, bác sĩ, chuyên gia y tế, nhà phát triển ứng dụng, nhà sản xuất và phân phối thiết bị y tế. Chăm sóc sức khỏe số ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực y tế ngày nay.

Các thuật ngữ liên quan đến y tế số bao gồm công nghệ thông tin y học (health IT), các công cụ chăm sóc sức khỏe, phân tích sức khỏe, bệnh viện IT và công nghệ y học.

2. Tình hình y tế số hiện nay

Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để cung cấp các biện pháp cải thiện sức khỏe số nhằm phòng ngừa bệnh tật và nâng cao chất lượng cuộc sống không phải là một khái niệm mới.

Tuy nhiên, đối mặt với những mối quan tâm toàn cầu, như lão hóa, bệnh tật và tử vong ở trẻ em, dịch bệnh và đại dịch, chi phí cao, tác động của nghèo đói và phân biệt chủng tộc đối với việc tiếp cận chăm sức khỏe, các nền tảng y tế số, hệ thống y tế và các công nghệ liên quan đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Tại Mỹ, các chương trình bảo hiểm y tế của chính phủ, chẳng hạn như Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng của Hoa Kỳ (ACA) cũng đã mang lại những bước tiến mới trong lĩnh vực y tế số. Mặc dù vấp phải các vấn đề kỹ thuật khi ACA mới ra đời nhưng các mục tiêu của ACA luôn bao gồm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe thông qua công nghệ.

Ví dụ, ACA cải thiện chất lượng của hồ sơ sức khỏe điện tử (EHRs) và mô hình máy tính được sử dụng để theo dõi chi tiêu cho y tế. Việc sử dụng công nghệ và dữ liệu để cải thiện sức khỏe bệnh nhân và chất lượng chăm sóc được gọi là tin học chăm sóc sức khỏe (healthcare informatics).

Điều này cho phép chuyên gia chăm sóc sức khỏe đánh giá các chương trình mới, tìm kiếm các lĩnh vực cần cải tiến trong ngành chăm sóc sức khỏe và tích hợp các công nghệ mới vào y học.

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi số đang diễn ra trong lĩnh vực y tế. Theo Forrester Research, Covid-19 có tác động lớn nhất đến các công cụ dành cho bệnh nhân, chẳng hạn như máy kiểm tra các triệu chứng bệnh online, cổng thông tin bệnh nhân (patient portal), công cụ theo dõi bệnh nhân từ xa và khám từ xa.

3. Tại sao y tế số lại quan trọng?

Y tế số có tiềm năng ngăn ngừa bệnh tật và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe. Ảnh: The Medical Futurist

Y tế số có tiềm năng ngăn ngừa bệnh tật và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe. Ảnh: The Medical Futurist

Theo Deloitte Insights, y tế số không chỉ đơn thuần là sử dụng các công nghệ và công cụ. Nó cũng xem xét “việc triệt để tương tác dữ liệu”, trí tuệ nhân tạo (AI) và các nền tảng mở, an toàn. Đây đều là trọng tâm của “lời hứa” về việc chăm sóc tập trung vào người bệnh và định hướng phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Những tiến bộ trong AI, dữ liệu lớn, robot và máy học tiếp tục mang lại những thay đổi lớn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe số. Bên cạnh đó, sự thay đổi trong bối cảnh chăm sóc sức khỏe số tiếp tục phát triển như các cảm biến có thể ăn được (ingestible sensor), y tá robot cũng như các thiết bị và ứng dụng theo dõi bệnh nhân từ xa.

Theo Deloitte (một mạng lưới dịch vụ đa quốc gia), AI sẽ tạo ra những đột phá lớn về khoa học, thúc đẩy việc tạo ra các liệu pháp điều trị mới và vaccine để chống lại bệnh tật. Các biện pháp chữa bệnh kỹ thuật số được hỗ trợ bởi AI và các lời khuyên được cá nhân hóa sẽ giúp mọi người chủ động ngăn chặn các vấn đề về sức khỏe.

Thông tin chi tiết do AI tạo ra (AI-generated insight) sẽ ảnh hưởng đến chẩn đoán và các lựa chọn điều trị, tạo ra các biện pháp điều trị an toàn và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, các giải pháp sản xuất và chuỗi cung ứng thông minh sẽ đảm bảo cung cấp các phương pháp điều trị và can thiệp phù hợp vào đúng thời điểm bệnh nhân cần.

Precedence Research - công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Ottawa dự đoán rằng thị trường sức khỏe số toàn cầu sẽ có Tốc độ tăng trưởng hằng năm kép (CAGR) là 27,9% từ năm 2020 đến năm 2027. Cũng theo Precedence Research, số lượng các ứng dụng chăm sóc sức khỏe tăng vọt đang thúc đẩy sự tăng trưởng này.

Bắc Mỹ chiếm thị phần vượt trội trong thị trường y tế số toàn cầu do dân số già của khu vực này tăng lên, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao và nhu cầu cao về phát triển các ứng dụng và nền tảng chăm sóc sức khỏe số để giảm chi phí chăm sóc sức khỏe.

4. Một số ví dụ về công nghệ y tế số

Ảnh: Search Healthy

Ảnh: Search Healthy

Các cải tiến về chăm sóc sức khỏe số được thiết kế nhằm tiết kiệm thời gian, tăng cường độ chính xác và hiệu quả, đồng thời, kết hợp các công nghệ theo những cách mới trong chăm sóc sức khỏe. Những cải tiến này có thể kết hợp y học và IoT, mHealth và IoT, y học và thực tế tăng cường (AR), blockchain và EMR.

Internet of medical things (IoMT) là các thiết bị và ứng dụng được sử dụng trong lĩnh vực y tế có kết nối với mạng công nghệ thông tin (CNTT) và chăm sóc sức khỏe qua mạng internet trực tuyến.

Các trường hợp sử dụng IoT bao gồm công nghệ điều trị từ xa để cải thiện giao tiếp giữa bệnh nhân và bác sĩ, giảm nguy cơ tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm; các công nghệ cảm biến khác nhau có thể thu thập dữ liệu ở cấp độ người dùng.

Ví dụ, nhu cầu về các dịch vụ từ xa tăng lên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, với số lượng lớn các nhà cung cấp dựa trên công nghệ để cung cấp các dịch vụ khám chữa ảo cho bệnh nhân.

Các ứng dụng IoT sáng tạo trong chăm sóc sức khỏe vẫn không ngừng được phát triển. Cleveland Clinic - một trung tâm y tế học thuật phi lợi nhuận của Mỹ đã xếp hạng các thiết bị đo nhịp tim dựa trên điện thoại thông minh là cải tiến hàng đầu của năm 2021.

Sử dụng ứng dụng di động, các thiết bị máy tạo nhịp tim có thể được thiết kế để truyền dữ liệu không dây và an toàn đến hệ thống mạng của một bệnh nhân, giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về dữ liệu sức khỏe từ máy đo nhịp tim và truyền thông tin về tình trạng sức khỏe đến bác sĩ của họ.

MHealth, bao gồm thiết bị đeo, ứng dụng và công nghệ di động cung cấp đường truy cập vào các hỗ trợ và theo dõi chăm sóc sức khỏe cũng đang tăng trưởng. MHealth đặc biệt quan trọng trong việc theo dõi các căn bệnh mãn tính, cần điều trị lâu dài.

Đại dịch Covid-19 đã dẫn đến sự gia tăng nhu cầu theo dõi sức khỏe cá nhân thông qua thiết bị đeo. Các nhà cung cấp thiết bị đeo đã bổ sung các tính năng đo nhịp tim, máy đo oxy xung (pulse oximeter - một phương pháp dùng để đo độ bão hòa oxy trong máu, hỗ trợ theo dõi giấc ngủ và thích nghi khí hậu khi ở những nơi cao), điện tâm đồ và theo dõi lượng đường trong cơ thể một cách liên tục.

Một ứng dụng quan trọng khác là EMR dựa trên blockchain, được xây dựng giúp giảm thời gian cần thiết để truy cập thông tin bệnh nhân và cải thiện chất lượng dữ liệu cũng như khả năng tương tác. Các lợi ích của blockchain - bảo mật truy cập, quyền riêng tư dữ liệu và khả năng mở rộng - đã trở nên rất hấp dẫn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe số.

Sử dụng AI trong các ứng dụng chăm sóc sức khỏe có thể tăng khả năng đưa ra quyết định điều trị một cách tự động hóa - công việc trước đây đòi hỏi số lượng lớn lực lượng lao động. Nhiều bệnh viện đã sử dụng các công cụ theo dõi bệnh nhân dựa trên AI để thu thập thông tin sức khỏe và điều trị bệnh nhân dựa trên các báo cáo thời gian thực (real-time).

Một ứng dụng khác - bản sao số (digital twin) có thể được sử dụng để mô hình hóa các thiết bị y tế và bệnh nhân, đồng thời cho thấy các thiết bị sẽ hoạt động như thế nào trong điều kiện thực tế.

AR - tích hợp thông tin số với môi trường của người dùng trong thời gian thực, có thể áp dụng trong phổ biến thông tin cho bệnh nhân và bác sĩ, giúp hình dung cuộc phẫu thuật và mô phỏng các căn bệnh.

Dữ liệu lớn - lấy thông tin từ tất cả các hệ thống và ứng dụng y tế - đang đặt ra cả lợi ích và thách thức cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bởi lượng dữ liệu y tế rất lớn và tiếp tục tăng lên nhanh chóng.

5. Dữ liệu lớn trong chăm sóc sức khỏe

Ảnh: Copenhagen Summer University

Ảnh: Copenhagen Summer University

Việc số hóa thông tin y tế dẫn đến sự gia tăng của dữ liệu lớn về chăm sóc sức khỏe. Sự xuất hiện của dịch vụ chăm sóc dựa trên giá trị (value-based) cũng góp phần vào sự xuất hiện của dữ liệu lớn về chăm sóc sức khỏe thông qua việc tăng cường sử dụng phân tích dữ liệu để đưa ra các quyết định sáng suốt.

“Việc thu thập, phân tích và tác động của dữ liệu người tiêu dùng, bệnh nhân và dữ liệu khám lâm sàng là quá lớn hoặc phức tạp để có thể hiểu được bằng các phương tiện xử lý dữ liệu truyền thống. Trong khi đó, dữ liệu lớn thường được xử lý bởi các thuật toán máy học và khoa học dữ liệu”, theo Healthgrades - một trang web giúp người dùng tìm bác sĩ, bệnh viện và dịch vụ chăm sóc phù hợp.

Tuy nhiên, “đối mặt với những thách thức trong dữ liệu chăm sóc sức khỏe - số lượng và tốc độ, sự đa dạng và tính xác thực - các hệ thống y tế cần áp dụng công nghệ có khả năng thu thập, lưu trữ và phân tích thông tin này để tạo ra những hiểu biết, cuối cùng là đưa ra những quyết định sáng suốt”, Healthgrades nhấn định.

Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dữ liệu lớn có thể mang lại những lợi ích sau:

- Một là, giảm sai sót khi dùng thuốc. Bằng cách phân tích hồ sơ bệnh nhân, phần mềm có thể tìm ra những mâu thuẫn giữa sức khỏe của bệnh nhân và đơn thuốc, sau đó thông báo cho các chuyên gia y tế và bệnh nhân về một lỗi sử dụng thuốc tiềm ẩn.

- Hai là, hỗ trợ y tế dự phòng (preventive care). Sử dụng phân tích dữ liệu lớn có thể giúp xác định các bệnh nhân có nguy cơ tái phát bệnh và xây dựng các kế hoạch phòng ngừa để giúp họ được chẩn đoán và được điều trị sớm.

- Ba là, có kế hoạch điều động nhân sự chính xác hơn. Phân tích các dự đoán có thể giúp các bệnh viện và phòng khám dự đoán tỷ lệ bệnh nhân nhập viện để họ có thể cải thiện việc sắp xếp lịch khám chữa bệnh cho nhân viên.

6. Lợi ích của y tế số

Y tế số có tiềm năng ngăn ngừa bệnh tật và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, đồng thời giúp bệnh nhân theo dõi và quản lý các tình trạng bệnh mãn tính. Nó cũng có thể điều chỉnh thuốc cho từng bệnh nhân.

Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng có thể được hưởng lợi từ những tiến bộ trong lĩnh vực y tế số. Các công cụ số cung cấp cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cái nhìn sâu rộng về sức khỏe của bệnh nhân bằng cách tăng đáng kể quyền truy cập vào dữ liệu sức khỏe và cho phép bệnh nhân kiểm soát tốt hơn sức khỏe của họ. Cuối cùng là tăng hiệu quả và cải thiện chất lượng y tế.

“Từ các ứng dụng và phần mềm y tế di động hỗ trợ các chẩn đoán lâm sàng đến AI và máy học, công nghệ số đã và đang thúc đẩy một cuộc cách mạng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Các công cụ y tế số đã đem lại những tiềm năng to lớn để cải thiện khả năng chẩn đoán và điều trị chính xác bệnh tật, giúp tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cá nhân”, theo trang web của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

Ngoài ra, các công nghệ như điện thoại thông minh, mạng xã hội và các ứng dụng trên internet cung cấp những cách thức mới để bệnh nhân theo dõi sức khỏe của họ và tăng khả năng tiếp cận thông tin.

Theo FDA, các công nghệ y tế số giúp các nhà cung cấp giảm thiếu sự kém hiệu quả, cải thiện khả năng tiếp cận, giảm chi phí, tăng chất lượng và cá nhân hóa đơn thuốc cho bệnh nhân hơn. Đồng thời, các công nghệ y tế số cũng cho phép bệnh nhân và người tiêu dùng quản lý và theo dõi các hoạt động liên quan đến sức khỏe một cách hiệu quả hơn.

Trong khi đó, các công nghệ như công cụ thực tế ảo (VR), thiết bị đeo, khám từ xa và 5G giúp cải thiện việc điều trị cho bệnh nhân, các chuyên gia y tế có thể hợp lý hóa quy trình làm việc của họ bằng cách sử dụng các hệ thống được hỗ trợ bởi AI.

7. Những thách thức của y tế số

Ảnh: Healthcare IT News

Ảnh: Healthcare IT News

Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã đặt ra một số thách thức liên quan đến bệnh nhân, chuyên gia y tế, nhà phát triển công nghệ, nhà hoạch định chính sách và những người khác. Do lượng dữ liệu đồ sộ được thu thập từ nhiều hệ thống lưu trữ và mã hóa dữ liệu khác nhau, khả năng tương tác dữ liệu là một thách thức liên tục.

Ngoài ra, những thách thức khác đến từ các mối quan tâm khác nhau, từ kiến thức số của bệnh nhân và kết quả là khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe không đồng đều đến các vấn đề liên quan đến lưu trữ, truy cập, chia sẻ và sở hữu dữ liệu.

Những mối quan tâm này lại đặt ra các câu hỏi về quyền riêng tư. Ví dụ, điều gì sẽ xảy ra nếu công ty bảo hiểm muốn thu thập dữ liệu từ kết quả xét nghiệm di truyền của bệnh nhân thông qua các y bác sĩ? Hoặc điều gì sẽ xảy ra nếu các thiết bị y tế dễ bị tấn công.

Các mối quan tâm khác liên quan đến công nghệ và đạo đức. Ví dụ, khi sử dụng robot y tế, ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm cho những sai sót trong quá trình phẫu thuật: bệnh viện, nhà phát triển, nhà sản xuất công nghệ hay bác sĩ phụ trách sử dụng robot?

8. Quy định và quyền riêng tư của bệnh nhân

Tại Hoa Kỳ, Đạo luật về trách nhiệm giải trình và cung cấp bảo hiểm y tế (HIPAA) năm 1996 được thông qua để bảo vệ dữ liệu cá nhân của bệnh nhân. HIPAA đã được sửa đổi vào năm 2009 với sự ra đời của Đạo luật Công nghệ Thông tin Y tế cho Kinh tế và Sức khỏe Lâm sàng, được thiêt lập để làm cho việc thực thi HIPAA chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, một số người chỉ trích rằng HIPAA vẫn chưa đủ chặt chẽ để hạn chế quyền truy cập vào dữ liệu bệnh nhân mà không có sự đồng ý của họ. Vào cuối năm 2020, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS) đã đề xuất những thay đổi đối với HIPAA liên quan đến các tiêu chuẩn về quyền riêng tư và bảo mật, tập trung nhiều hơn vào giá trị và chất lượng chăm sóc.

Theo Search Healthy