Xung đột Nga-Ukraine và sự đột biến về AI trong vũ khí, công nghệ quân sự

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài 2 năm. Trong thời gian đó, nhiều loại vũ khí và công nghệ mới đã được ứng dụng rộng rãi trên chiến trường, tác động sâu sắc đến những thay đổi về quân sự và các cuộc chiến trong tương lai.

UAV Switchblade sử dụng công nghệ AI Mỹ viện trợ cho Ukraine dùng trong cuộc chiến với Nga (Ảnh: Thepaper).
UAV Switchblade sử dụng công nghệ AI Mỹ viện trợ cho Ukraine dùng trong cuộc chiến với Nga (Ảnh: Thepaper).

Xung đột quân sự Nga-Ukraine nổ ra ngày 24/2/2022, lần đầu tiên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) được áp dụng trong chiến tranh trên quy mô lớn, trở thành nơi thử nghiệm quan trọng về AI quân sự và cũng là cửa sổ quan trọng cho mọi tầng lớp xã hội thấy được hiệu quả chiến đấu thực tế của AI.

Trí tuệ nhân tạo giúp tranh giành không gian mạng

AI gọi chung các công nghệ tiên tiến như dữ liệu lớn (Bigdata), tự động ra quyết định, nhận dạng hình ảnh và nhận thức tình huống không gian…Nó có thể giải phóng "gánh nặng nhận thức" cho trí tuệ con người và cho phép người dùng công nghệ đoán biết trước, chiếm lĩnh trước và ra quyết định hành động phủ đầu.

Người ta cho rằng AI về cơ bản sẽ định hình lại hình thái của các cuộc chiến tranh trong tương lai, thay đổi ranh giới an ninh truyền thống của quốc gia, tác động đến mô hình phát triển công nghệ quân sự hiện có, tái cấu trúc các hệ thống chiến đấu và hệ thống sức mạnh quân sự trong tương lai, đồng thời trở thành lực lượng chủ đạo quan trọng trên chiến trường trong tương lai.

Trong ứng dụng thực tế, công nghệ AI đã cho thấy tiềm năng rất lớn trong nhiều lĩnh vực.

Trước hết, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI đã khiến các vũ khí mạng AI như ransomware, phần mềm độc hại, tấn công từ chối dịch vụ được Nga và Ukraine sử dụng rộng rãi trong cuộc tranh giành không gian mạng.

nga-va-ukraine-tan-cong-mang-nhau-8808.png
Nga và Ukraine đều phát động các cuộc tấn công mạng vào nhau (Ảnh: aljazeera).

Lấy vũ khí mạng mà Nga sử dụng làm ví dụ: Một mặt, Nga đã phát động cuộc tấn công DDoS vào các trang web và trung tâm dữ liệu của Ukraine, khiến người dùng không thể truy cập bình thường vào các trang web như mạng của Tổng thống Ukraine và mạng tin tức chính phủ Ukraine. Cuộc tấn công mạng của Nga nhằm vào Ukraine tăng lên đáng kể sau ngày 13/2/2022 và đạt đỉnh điểm vào khoảng ngày 23/2.

Báo cáo nghiên cứu của Microsoft cho thấy từ tháng 12/2021 đến tháng 3/2022, các cuộc tấn công mạng quy mô lớn của Nga nhằm vào Ukraine tăng từ 15 lên 125 vụ mỗi tháng. Mặt khác, nhiều cơ quan tình báo quân sự như Bộ Tổng tham mưu Nga đã sử dụng các phần mềm độc hại như Whisper Gate, Fox Blade…để thực hiện các hoạt động lấy cắp và phá hoại dữ liệu quy mô lớn chống lại Ukraine, khiến dữ liệu máy tính nhiều cơ quan chính phủ như Bộ Ngoại giao Ukraine bị xâm nhập, bị xóa sạch dữ liệu bởi phần mềm độc hại hoặc bị khóa bởi ransomware.

Ngoài ra, một số tổ chức như Storm Ransomware, Digital Cobra, Zatoich và Sandworm ủng hộ chính phủ Nga đã phá hủy hệ thống mạng trong các lĩnh vực quan trọng như truyền thông, năng lượng và ngân hàng của Ukraine thông qua ransomware và các con đường khác.

clearview-ai-3091.jpg
Hệ thống Clearview AI được Mỹ và phương Tây sử dụng trợ giúp hoạt động tình báo của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga (Ảnh: rockingrobots).

Để đối phó với các cuộc tấn công mạng quy mô lớn của Nga, Ukraine đã tăng cường hợp tác an ninh mạng với các nước phương Tây. Trong số đó, việc ứng dụng công nghệ AI trong bảo vệ an ninh đã trở thành điểm sáng trong hợp tác an ninh mạng giữa Ukraine và các nước phương Tây.

Theo báo cáo bảo mật do Microsoft công bố vào tháng 6/2022, quân đội Nga đã tiến hành nhiều đợt tấn công mạng nhằm vào 48 tổ chức và công ty Ukraine. Với sự giúp đỡ của các nước phương Tây, Ukraine đã chống chọi được các cuộc tấn công mạng cường độ cao của Nga.

Ukraine cũng đã tiến hành nhiều cuộc tấn công mạng chống lại Nga. Truyền thông Ukraine tiết lộ, từ ngày 29/8 đến ngày 11/9/2022, Ukraine đã thông qua các cuộc tấn công mạng làm tê liệt hơn 2.400 trang web của Nga, bao gồm của các cơ quan truyền thông, ngân hàng lớn nhất Nga và trang web bán online ô tô và phụ tùng lớn nhất Nga...Thứ trưởng Ngoại giao Nga Syromolotov đã tố cáo Mỹ và các đồng minh sử dụng công nghệ thông tin để giúp Ukraine xây dựng đội quân IT nhằm tiến hành các cuộc tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng của Nga.

uav-orlan-10-7230.jpg
UAV Orlan-10 Nga sử dụng trong thời kỳ đầu chiến tranh (Ảnh: Thepaper).

AI nâng cao hiệu quả hoạt động tình báo

Đồng thời, sự phát triển của các công nghệ và công cụ như khai thác dữ liệu, công nghệ máy tính và xử lý ngôn ngữ đã khiến việc thu thập thông tin tình báo thông minh và phân tích thông tin tình báo nguồn mở trở nên phổ biến trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Điều này được thể hiện qua sự hỗ trợ tình báo quy mô lớn do các công ty công nghệ cao phương Tây cung cấp cho Kiev, nâng cao đáng kể khả năng tình báo của Ukraine.

Ở góc độ thu thập thông tin tình báo, một mặt, các nước phương Tây sử dụng công nghệ AI để hỗ trợ Ukraine. Ví dụ, NATO sử dụng "Global Hawk" và một số lượng lớn các máy bay không người lái khác ở Ba Lan, Romania và khu vực Biển Đen để thu thập thông tin tình báo. CIA hợp tác với các cơ quan tình báo Ukraine để thực hiện các hoạt động tình báo chống lại Nga.

Sau khi Cục tình báo quân đội Mỹ (DIA) phát hiện động thái và vị trí của quân đội Nga, họ đã ngay lập tức phân tích thông tin tại trụ sở DIA ở châu Âu và chuyển cho quân đội Ukraine. Mặt khác, chính phủ Ukraine đã phát hành một App tình báo trên điện thoại di động để huy động dân chúng thu thập thông tin tình báo về quân đội Nga. Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine đã ra mắt một chatbot thông minh trong ứng dụng nhắn tin tức thời, qua đó mọi người có thể gửi vị trí, ảnh hoặc video về quân đội Nga. Trên cơ sở đó, Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine đã phát hành ứng dụng E-Enemy nhằm thúc đẩy sự tham gia của người dân Ukraine vào việc thu thập thông tin tình báo.

bayktar-tb-2-1342.jpg
Máy bay không người lái Bayraktar TB2 quân đội Ukraine sử dụng nhiều trong thời kỳ đầu chiến tranh (Ảnh: Thepaper).

Từ góc độ phân tích tình báo nguồn mở, các doanh nghiệp công nghệ cao phương Tây đã cung cấp cho Ukraine công nghệ phân tích AI tiên tiến. Ví dụ: công ty Prime Artificial Intelligence của Mỹ cung cấp các công cụ nhận dạng thông tin liên lạc cho các cơ quan tình báo Ukraine để họ nắm bắt, dịch và phân tích thông tin liên lạc không được mã hóa của quân đội Nga.

Công ty Công nghệ Explorer của Mỹ kết hợp công cụ tìm kiếm AI với nền tảng phân tích tình báo nguồn mở để tăng cường theo dõi và phân tích thông tin liên lạc của quân đội Nga.

Công nghệ nhận dạng khuôn mặt dựa trên phân tích AI được phía Mỹ và phương Tây sử dụng để xác nhận thông tin danh tính của những người lính Nga bị tử trận, đồng thời chuyển thông tin liên quan đến gia đình họ thông qua các phương tiện truyền thông, nhằm mục đích làm tổn hại tinh thần binh sĩ Nga. Ví dụ, hệ thống Clearview AI được Mỹ và phương Tây sử dụng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine có khả năng tính toán và xử lý thông tin tình báo mạnh mẽ, có thể cho phép hơn 300 sĩ quan tình báo Ukraine tiến hành tìm kiếm nhận dạng khuôn mặt bất cứ lúc nào; phạm vi thu thập thông tin tình báo bao gồm ảnh gia đình, nội dung nền tảng xã hội và chi tiết các mối quan hệ...

Mặc dù hiện vẫn còn những tranh luận về mặt đạo đức của việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để xác định thông tin của các quân nhân đối phương, nhưng sự cải thiện về khả năng thu thập thông tin tình báo của phía Mỹ và phương Tây là rõ ràng và có hiệu quả thực tiễn cực kỳ mạnh mẽ.

uav-shahed-136-514.jpg
UAV tự sát Shahed-136 Iran được Nga sử dụng tấn công Kiev (Ảnh: Thepaper).

Tăng cường sức mạnh của các UAV

Ngoài ra, trên chiến trường, những tiến bộ trong công nghệ AI đã làm tăng tính tự chủ của các phương tiện bay không người lái (UAV), có thể xác định, tấn công mục tiêu dựa trên dữ liệu nhận được từ camera và cảm biến, nâng cao đáng kể hiệu quả tác chiến.

Trong những ngày đầu của cuộc xung đột Nga-Ukraine, quân đội Nga chủ yếu sử dụng UAV trinh sát cỡ nhỏ và vừa, chỉ có một số lượng nhỏ UAV tích hợp trinh sát và tấn công; robot mặt đất và nền tảng chiến đấu không người lái cũng được sử dụng.

Các UAV được quân đội Nga sử dụng bao gồm Orlan -10, Orlan -30, Forpost-R, Orion và các robot như robot quét mìn Uranus, chủ yếu là thực hiện trinh sát giám sát, tấn công thời gian thực, hiệu chỉnh hỏa lực, trinh sát chống pháo binh/đoàn xe đi cùng, chống xâm nhập/phá hoại, giám sát hành lang nhân đạo/đoàn xe.

Loại UAV chính được quân đội Ukraine sử dụng thời kỳ đầu là Bayraktar TB2 để thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào các nút hỗ trợ hậu cần như xe chở nhiên liệu, ống dẫn dầu mặt đất và xe tiếp tế đạn dược của Nga. Nhưng do hạn chế về độ cao, tốc độ...nên một số lượng lớn UAV TB-2 đã bị hệ thống phòng không Nga bắn hạ và dần phải rút khỏi chiến trường.

uav-dan-su-duoc-hoan-cai-mang-bom-7580.jpg
Máy bay không người lái dân dụng được hoán cải để mang bom tấn công tự sát
(Ảnh: Thepaper).

Đồng thời, UAV tự sát cũng được sử dụng rộng rãi trong chiến đấu. So với UAV truyền thống, UAV tự sát có khả năng thâm nhập mạnh mẽ và sử dụng linh hoạt. Quân đội Ukraine chủ yếu sử dụng dòng UAV Switchblade và Phoenix Ghost do Mỹ viện trợ.

Quân đội Nga chủ yếu sử dụng UAV cảm tử Zala (KUB-BLA). Dữ liệu cho thấy KUB-BLA là UAV cảm tử do Zala, một công ty con của Công ty Kalashnikov Nga tung ra năm 2019. Máy bay có bố cục cánh bay hình tam giác, có thời gian hoạt động khoảng 30 phút, sử dụng động cơ điện, có đặc tính tiếng ồn rất nhỏ và có thể mang nhiều loại vũ khí khác nhau.

KUB-BLA kết hợp công nghệ nhận dạng hình ảnh AI để nhận dạng và phân loại mục tiêu tự động theo thời gian thực, có thể tăng phạm vi bao phủ của một chuyến bay lên 60 lần, nâng cao khả năng sát thương và khả năng tự chủ của UAV theo thời gian thực. Sau khi chiến tranh nổ ra, để giải quyết tình trạng thiếu UAV, Nga đã mua một số lượng lớn máy bay không người lái cảm tử Shahed từ Iran và hoán cải một số lượng lớn máy bay không người lái dân sự để tấn công cảm tử.

Ngoài ra, Anh cũng tuyên bố sẽ cung cấp hàng nghìn UAV AI mới cho Ukraine để hỗ trợ hoạt động của nước này trên chiến trường. Những UAV này sẽ mang theo hệ thống cảm biến và vũ khí tiên tiến, có mức độ tự chủ và trí thông minh cao, đồng thời có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như trinh sát, tấn công và phòng thủ trong môi trường phức tạp.

Theo Thepaper