Không ai chịu trách nhiệm với việc làm hỏng bảo vật?
Sự việc bảo vật quốc gia, tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí bị Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM làm hỏng dấy lên nhiều câu hỏi trong giới mỹ thuật cả nước. Nhiều họa sĩ coi đây là nỗi mất mát lớn của mỹ thuật Việt, bởi ngay cả một bảo vật quốc gia khẳng định giá trị rất lớn về hội họa Việt, lẫn giá trị về tài chính, mà có thể dễ dàng bị biến thành món đồ kém giá trị như vậy sao? Ai phải chịu trách nhiệm cho việc làm hỏng tranh này?
Ông Trịnh Xuân Yên - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, trong cuộc trao đổi với VietTimes, cho rằng: “Bảo tàng sẽ có các cuộc họp chuyên môn nội bộ để xác định trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể liên quan. Sau khi có kết luận, Bảo tàng sẽ phân tích rõ các khuyết điểm và rút kinh nghiệm cho các hoạt động sau”.
Họa sĩ Phạm Hà Hải, nguyên chuyên viên Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh và Triển lãm, nguyên Thư ký Hội đồng khoa học Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không thể chấp nhận lý lẽ của ông Trịnh Xuân Yên.
Ảnh chụp cận cho thấy các khu vực bị mất vàng rất nhiều, màu trắng của trứng bị trơ
|
Họa sĩ Phạm Hà Hải cho rằng, để xảy ra việc làm hỏng bức tranh bảo vật quốc gia là sự thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của một ban lãnh đạo thiếu năng lực.
“Bảo vật quốc gia là do Thủ tướng phê duyệt, theo Luật Di sản, vậy mà khi bảo vật bị làm hỏng, mất đi cả một giá trị lớn như thế, lại không có ai phải đứng ra chịu trách nhiệm? Như vậy thì việc Thủ tướng giao chịu trách nhiệm về bảo vật xem như là nói vui hay sao?” – Họa sĩ Phạm Hà Hải đặt câu hỏi.
Nhiều họa sĩ cùng lên tiếng khẳng định việc tu sửa chắc chắn không thể ra được nét, khí của danh họa Nguyễn Gia Trí.
Họa sĩ Phạm Hà Hải gay gắt: “Đến giờ, bức tranh có còn đủ tư cách để trưng bày như là một bảo vật quốc gia hay không? Về nguyên tắc bảo tàng học, khi đang còn gây tranh cãi thì cần có ứng xử phù hợp. Nên cân nhắc việc trưng bày như thế có xúc phạm đến tác giả Nguyễn Gia Trí hay không? Có vô tình làm thay đổi nhận thức theo chiều hướng không đúng về một tác gia vĩ đại của nền mỹ thuật Việt Nam hay không? Có thể phải dùng đến giải pháp để bức tranh trong một khu vực cho các nhà chuyên môn nghiên cứu, chứ với việc đánh mất vẻ đẹp tinh thần của bức tranh như hiện tại thì khó có thể trưng bày với tư cách một bảo vật cho công chúng thưởng thức.”
Các họa sĩ đặt câu hỏi công chúng "thưởng thức" sản phẩm lỗi này như thế nào?
|
Hiện tại, bức tranh bảo vật quốc gia bị làm hỏng vẫn đang trưng bày cho khách thăm quan
|
Họa sĩ Phạm Hà Hải cho rằng: “Dù muốn hay không, phải kỷ luật các cá nhân liên quan đến sai phạm nặng nề này, phạt bồi thường nghiêm minh việc làm hỏng bảo vật quốc gia, thậm chí thay đổi lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vì không xứng đáng với vị trí mà họ đảm nhiệm.”
Bảo vật quốc gia nằm trong kho?
Bức “Thanh niên thành đồng” là tác phẩm thứ hai của họa sĩ Nguyễn Sáng được Nhà nước chính thức công nhận là bảo vật quốc gia. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có lưu giữ tài liệu ghi nhận bức tranh sơn mài này hoàn thành vào năm 1978, là tranh độc bản, mô tả cảnh học sinh, sinh viên Sài Gòn biểu tình chống chiến tranh những năm 1960. Tác phẩm được chuyển nhượng cho Bảo tàng TP.HCM năm 1980 và sau này Sở VHTT TPHCM quyết định chuyển giao cho Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Theo tìm hiểu của VietTimes, hiện tại bức sơn mài bảo vật quốc gia “Thanh niên thành đồng” không còn treo trên lầu 3 như trước, mà hiện đang ở trong kho. Nguyên nhân là vì từ khi chính thức được nhận danh hiệu bảo vật quốc gia, Bảo tàng cần tìm một không gian trưng bày mới cho tác phẩm, xứng tầm bảo vật quốc gia hơn chỗ trưng bày cũ. Vì thế, tạm thời di chuyển tranh vào kho.
Bảo vật quốc gia "Thanh niên thành đồng" hiện đang nằm trong kho của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM
|
Thông tin này chắc chắn sẽ khiến giới mỹ thuật buồn lòng. Bởi cho dù vì bất cứ nguyên nhân gì, bảo vật quốc gia bị giữ trong kho là điều khó có thể chấp nhận vì sẽ không phát huy được giá trị to lớn của nó!
Hơn nữa, ngay cả với bảo vật quốc gia đã có một không gian phù hợp, nhưng các biện pháp kỹ thuật xử lý khi trưng bày và bảo quản vẫn có thể dẫn tới một kết cục buồn, là phá mất giá trị vượt thời gian của bảo vật, như trường hợp “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí, cho nên, có gì đảm bảo “Thanh niên thành đồng” của họa sĩ Nguyễn Sáng không có một số phận tương tự?