Phát sinh nặng hơn kế hoạch chính?
Vụ việc bảo vật quốc gia “Vườn xuân Trung Nam Bắc” bị hư hỏng nặng nề, khiến người yêu hội họa và giới chuyên môn đau xót. Đoàn kiểm tra của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTT&DL) vừa có kết luận báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL. Văn bản khẳng định, tác phẩm bị hư hỏng do thợ sử dụng nước rửa chén và bột chu, giấy ráp 2000 can thiệp quá mức khi làm vệ sinh bề mặt bức tranh.
Đoàn kiểm tra gồm ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam; ông Phạm Định Phong – Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa; ông Phan Từ Long – Phó Giám đốc Trung tâm bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật – Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đã có buổi làm việc tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh hôm 27/4. Cùng dự buổi làm việc có ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao TP Hồ Chí Minh, ông Trịnh Xuân Yên, Phó Giám đốc phụ trách bảo tàng và các phòng, ban chuyên môn của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Trả lời VietTimes về việc sử dụng nước rửa chén can thiệp vào quá trình vệ sinh tranh được ông Trịnh Xuân Yên, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM cho biết: “Phần can thiệp bằng nước rửa chén chỉ để vệ sinh đằng sau bức tranh thôi. Tôi khẳng định việc vệ sinh bằng nước rửa chén ở mặt sau tranh không làm ảnh hưởng đến chất lượng tranh ở mặt trước”.
Nhiều họa sĩ nặng lòng với sơn mài, ngược lại, cho rằng: “Chưa thể kiểm định được mức độ ảnh hưởng, can thiệp của chất hóa học là nước rửa chén lên tranh, nhưng bản chất việc sử dụng nước rửa chén để can thiệp vào bảo vật quốc gia đã là không đúng. Thêm nữa, dù có sử dụng đúng hóa chất nhưng không đúng liều lượng hoặc tác động vào nó bằng một lực không đúng cũng đã thành sai. Việc can thiệp bằng bột chu và giấy ráp trên bề mặt tranh đã quyết định đến việc tác phẩm hỏng nặng nề rồi. Giấy nhám 2000 là loại mà họa sĩ thường dùng để đánh lần cuối trước khi tranh hoàn thành, phải rất tinh tế, với người không có kinh nghiệm thì sẽ mài bay lớp kỹ thuật có một không hai của danh họa Nguyễn Gia Trí. Không cần tranh cãi với ông Yên nữa, các ban ngành làm việc phải căn cứ vào các vật chứng, chẳng hạn như biên bản làm việc giữa Bảo tàng với người thợ, giữa các bên với nhau, các video quay lại quá trình làm việc đó có gửi tới cơ quan thanh tra chưa?”
Theo ông Yên cho biết thì: “Sau khi vệ sinh ban đầu xong, chính những người thợ thực hiện phần vệ sinh đã phát hiện có những đốm thể hiện tranh xuống cấp nên đã tự ý sửa chữa thêm, không nằm trong kế hoạch, không ai xây dựng nội dung thực hiện, đề ra chất liệu chỉnh sửa gì. Nếu bảo tàng có ý định sửa chữa bức tranh, chắc chắn phải có kế hoạch trình các cấp phê duyệt chứ ai mà dám làm khơi khơi như vậy được. Người thợ sơn mài này đã làm quá tay, tự ý sửa tranh”???
Phần trả lời của ông Trịnh Xuân Yên không khớp với kết quả kiểm tra cho thấy, Phòng Kiểm kê – Bảo quản, Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh có xây dựng hồ sơ, kế hoạch, nội dung bảo quản, phòng ngừa tác phẩm sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc”. Kế hoạch này không ghi ngày tháng năm lập kế hoạch nhưng văn bản dự trù kinh phí bảo quản phòng ngừa tác phẩm ghi ngày 15/7/2018. Cả kế hoạch và dự trù kinh phí đều xác định các công việc: tháo tranh ra khỏi khung, kiểm tra, gia cố lại khung và làm vệ sinh bề mặt tranh, mặt sau của tranh.
Thêm nữa, khi đặt vấn đề về việc tại sao phần phát sinh lại có thể nhiều hơn phần chính thức có trong kế hoạch như vậy, ông Yên cho rằng: “Đó là sự chủ quan, không hiểu về công tác thực hiện của người thợ sơn mài nên đã xảy ra hậu quả nặng nề”.
Nhưng khi phóng viên VietTimes đề nghị công khai bản hợp đồng với người thợ sơn mài Lưu Minh Phụng và số điện thoại để liên lạc với ông Phụng nhằm xác định chính xác mức độ sai phạm của từng bên, thì ông Yên không đồng ý cung cấp, với lý do: “Văn bản của Cục đã kết luận như thế rồi. Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM sẽ chờ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP.HCM và Sở Văn hóa Thể thao.
Phần chữ ký của danh họa Nguyễn Gia Trí trên bức tranh bảo vật quốc gia, khu vực xung quanh có rất nhiều vàng
|
Góc tranh có chữ ký sau khi bị làm hỏng đã bay mất hết vàng, phần màu sắc trở nên thô kệch, đối lập, nhiều màu bị trơ
|
Ai chịu trách nhiệm trong việc “lỡ tay giết chết" bức tranh?
Ông Yên cho rằng: “Bảo tàng sẽ có các cuộc họp chuyên môn nội bộ để xác định trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể liên quan. Sau khi có kết luận chi tiết, cụ thể, Bảo tàng sẽ phân tích rõ các khiếm khuyết và rút kinh nghiệm cho các hoạt động sau”.
Nhưng trên các diễn đàn mỹ thuật cả nước, giới chuyên môn sôi sục cho rằng bảo vật quốc gia đã mất đi tinh thần tức là bức tranh “đã chết”. Vậy thì người chịu trách nhiệm cao nhất của lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã để xảy ra sự việc sai phạm này chính là người phải chịu trách nhiệm trong vụ “giết chết” bảo vật chứ không phải ai khác.
Thậm chí nhiều họa sĩ còn bức xúc đề nghị lãnh đạo Bảo tàng nên từ chức trước một sai lầm rất lớn như vậy. Họa sĩ Thành Chương thốt lên: “Phải truy tố tội phá hoại báu vật, tài sản quốc gia”.
Nhưng ông Trịnh Xuân Yên cho rằng: “Cái sai của tôi là thiếu kiểm tra, giám sát cụ thể quá trình sửa chữa thì đã rõ. Nhưng cũng cần xác định mức độ thế nào và có giải thích về sự tự tiện tự ý sửa chữa của người thợ sơn mài. Hiện tại chúng tôi chưa thể đưa ra được ý kiến cụ thể gì”.
Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm kiến nghị, cần bảo quản, ứng xử tác phẩm “Vườn xuân Trung Nam Bắc” ở chế độ đặc biệt. Sở Văn hóa, Thể thao TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Bảo tàng Mỹ thuật Hồ Chí Minh lập dự án tu sửa tác phẩm một cách thận trọng, khoa học, khắc phục các hư hại một cách tốt nhất.
Trên cơ sở phân tích mức độ hư hại theo đánh giá của các họa sĩ sơn mài uy tín của Hội đồng khoa học, Bảo tàng cần xây dựng phương án tu sửa, làm thử nghiệm một số vị trí trên tranh, giao việc tu sửa, phục hồi tác phẩm cho họa sĩ Nguyễn Xuân Việt, người đã trực tiếp làm việc với họa sĩ Nguyễn Gia Trí hoặc họa sĩ có chuyên môn, uy tín cao trong nghề làm tranh sơn mài. Trong quá trình tu sửa cần có sự giám sát của Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật – Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Họa sĩ Phạm Hà Hải, nguyên chuyên viên Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh và Triển lãm, nguyên cán bộ nghiên cứu mỹ thuật hiện đại, thư ký Hội đồng khoa học Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đưa ý kiến: “Để xảy ra việc làm hỏng bức tranh bảo vật quốc gia là sự thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của một ban lãnh đạo thiếu năng lực. Rõ ràng bảo vật đã bị xâm hại. Đến giờ, bức tranh có còn đủ tư cách để trưng bày như là một bảo vật quốc gia hay không? Về nguyên tắc bảo tàng học thì khi đang còn gây tranh cãi thì cần có ứng xử phù hợp. Nên cân nhắc việc trưng bày như thế có xúc phạm đến tác giả Nguyễn Gia Trí hay không? Có vô tình làm thay đổi nhận thức theo chiều hướng không đúng về một tác gia vĩ đại của nền mỹ thuật VN hay không? Cũng có thể phải dùng đến giải pháp để bức tranh trong một khu vực để cho các nhà chuyên môn nghiên cứu chứ như sự đánh mất vẻ đẹp tinh thần của tranh như hiện tại thì khó mà có thể để tranh với tư cách trưng bày cho công chúng thưởng thức một cách phổ biến?”