Vẽ 20 năm mới xong, chỉ 30 tuổi đã xuống cấp
Bức tranh nổi tiếng cỡ cực lớn (540cm x 200cm) “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí (được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia vì nguyên gốc và độc bản) – là quà tặng trị giá 100.000 USD do UNBD TP.HCM mua năm 1991, tặng cho Bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM. Tranh được trưng bày và lưu giữ ở đây từ đó đến nay.
Bức tranh được danh họa Nguyễn Gia Trí vẽ trong 20 năm (khởi đầu từ năm 1969 và hoàn thành năm 1989), thể hiện nhiều tìm tòi sáng tạo đỉnh cao trong cả nghệ thuật và kỹ thuật vẽ sơn mài. Vậy mà đáng buồn khi mới chỉ được lưu giữ và bảo quản trong 30 năm, đến nay, bảo vật quốc gia này đang ở trong tình trạng xuống cấp trầm trọng cần phải khẩn cấp bảo vệ.
Tác phẩm được sáng tác vào giai đoạn đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh, như lời nguyện cầu thống nhất và hạnh phúc cho quê hương. Đồng thời, “Vườn xuân Trung Nam Bắc” cũng là sự tổng hợp thành tựu trong nửa thế kỷ tìm tòi về sáng tạo nghệ thuật sơn mài, có thời gian tâm huyết lâu nhất, ứng dụng nhiều đúc kết trong nghệ thuật nhất, có kích thước lớn nhất và là sáng tác cuối cùng của danh họa Nguyễn Gia Trí.
Nhiểu người yêu tranh cho rằng sự mới lên đến mức... bóng bẩy của bức tranh bảo vật quốc gia thực ra là ... sửa vụng, đã làm mất tinh thần bức tranh nguyên gốc
|
Một số người xem có chuyên môn và theo dõi nghệ thuật lâu năm ngạc nhiên khi “Vườn Xuân Trung Nam Bắc”, một siêu phẩm của nghệ thuật sơn mài bỗng nhiên bị biến đổi hẳn sau khi được Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM “làm vệ sinh”.
Làm vệ sinh, hay “phục chế” tranh danh họa?
“Không biết họ đã “vệ sinh” tác phẩm này như thế nào mà lớp sơn và lớp trứng trên bề mặt tranh mất gần hết, thậm chí, lớp dát vàng được xem là cái hồn của bức tranh cũng không còn nữa… Tôi thật sự đau lòng khi nhìn thấy tác phẩm hoàn toàn khác đi” – ông Đỗ Quốc Thái (quận 6, TP.HCM), một người am hiểu về hội họa, bức xúc bày tỏ. Trong khi đó, một số người yêu tranh khác cho rằng bức tranh bảo vật quốc gia bây giờ nhìn mới hơn hẳn tranh nguyên gốc và chính sự “chói sáng” đó đã làm mất cái hồn của tranh nguyên bản.
Ông Trịnh Xuân Yên - Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - thừa nhận bức tranh đã bị ảnh hưởng sau quá trình vệ sinh: “Sau khi làm vệ sinh và chỉnh lý trưng bày phòng tranh Nguyễn Gia Trí, đúng là có một số vấn đề cần phải xem xét lại. Mặc dù trong quá trình vệ sinh, bảo quản, Bảo tàng đã tiến hành đầy đủ các bước xây dựng kế hoạch, thông qua Hội đồng nội dung và báo cáo Sở VH-TT TP.HCM xin chủ trương và được chấp thuận. Tuy nhiên, khi làm xong đưa ra trưng bày thì có nhiều nhận xét, như: độ bóng của bức tranh khác lạ so với ban đầu, phần cẩn trứng bị mất đi bề mặt, một ít vàng bị trôi, độ sâu của tranh cũng bị ảnh hưởng”.
Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cho biết trước đó đã có một số biện pháp bảo vệ bức tranh "Vườn xuân Trung Nam Bắc" như lắp đặt máy lạnh, gia cố lại khung tranh và đưa tranh xa khỏi tường 40cm để khỏi bị ẩm, tuy nhiên bức tranh vẫn bị xuống màu. Có thể đó là lý do khiến Bảo tàng phải lựa chọn quyết định “làm vệ sinh”.
Tuy nhiên, lựa chọn giải pháp nào để có thể “vệ sinh” tốt nhất cho tranh? Họa sĩ Nguyễn Trung Tín (Hội Mỹ thuật TP.HCM) cho rằng đọc quy trình vệ sinh bảo quản, tôi nghĩ vấn đề trong quá trình vệ sinh bảo quản là sử dụng bột chu. Bột chu có tính ăn mòn. Trong khi lớp phủ bên trên chính là màu thời gian, giúp cho sơn mài cổ kính hơn… và bột chu đã làm ảnh hưởng phần bề mặt này…”
Trên facebook cá nhân, họa sĩ Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cảm thán: “Khóc tiếp, mà đau hơn cho một bảo vật quốc gia Việt Nam. Khi được vệ sinh xong thì hỡi ôi! Khóc không nổi…”
Bức tranh cực lớn của danh họa Nguyễn Gia Trí được bảo vệ khá kỹ lưỡng, tuy nhiên, phòng trưng bày sơ sài, điều kiện chăm sóc tối thiểu khiến tranh xuống cấp nhanh và không làm bật lên được giá trị của bảo vật này - Ảnh chụp trước khi tác phẩm được "vệ sinh"
|
Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM Huỳnh Văn Mười cho rằng, lẽ ra, khi tiến hành phục chế tranh, Bảo tàng cần mời thêm những người từng đi mua bức tranh trước đây cùng tham gia Hội đồng nội dung. “Ngoài ra, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cũng nên mời cơ quan phục chế tranh của Bảo tàng Việt Nam - đơn vị có nhiều kinh nghiệm về phục chế phối hợp thực hiện, để bảo vật quốc gia "Vườn xuân Trung Nam Bắc" được gìn giữ tốt nhất, chứ không nên bó hẹp trong một số quá ít thành viên”, ông Mười nói.
Tại cuộc họp Hội đồng khoa học mở rộng do Sở VH-TT TP.HCM và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tổ chức, họa sĩ Nguyễn Xuân Việt, người học trò thân tín nhất của họa sĩ Nguyễn Gia Trí đề nghị: “Ánh sáng trưng bày chưa phù hợp, vì vậy giải pháp đơn giản nhất là điều chỉnh lại và theo dõi một thời gian. Nếu còn vướng mắc thì có phương án khác là giải quyết cho màu trắng của trứng chìm xuống, có thể thêm vàng một vài chi tiết cho tranh cân bằng lại. Nên theo dõi một thời gian thấy chưa ổn thì mới thực hiện giải pháp tiếp theo. Kiên trì để ít nhất 10 - 15 năm tranh sẽ bình thường trở lại”.
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí tốt nghiệp Trường cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (1936). Ông là họa sĩ bậc thầy, đi đầu trong việc tạo dựng khuynh hướng mới của nghệ thuật sơn mài; trong việc tìm tòi, sáng tạo để tạo ra một bảng màu mới và đưa sơn mài Việt Nam lên đỉnh cao với sự kết hợp giữa yếu tố văn hóa truyền thống Á Đông của người Việt Nam trên chất liệu sơn ta và phương pháp hội họa hàn lâm phương Tây về hình họa. Năm 1989, họa sĩ Nguyễn Gia Trí được Bộ Văn hóa và Thông tin chính thức công nhận là một trong những họa sĩ đương đại có công trong việc xây dựng nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại. (Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa) |