Vụ bảo dưỡng làm hỏng bức danh họa chẳng khác nào "con voi" đã được ông Trịnh Xuân Yên và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM "đưa lọt qua một lỗ kim bé xíu", “hô biến” một báu vật của nền mỹ thuật Việt.
Chiều ngày 27/4, đoàn công tác gồm ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa và ông Phan Tự Long, Phó Giám đốc Trung tâm Tu sửa phục chế Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã vào kiểm tra hiện trạng bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc”, làm việc với ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM, ông Trịnh Xuân Yên – Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, tập thể lãnh đạo Bảo tàng và nghệ nhân sơn mài trực tiếp chỉnh sửa bức tranh.
“Tinh thần, không khí, hay còn gọi là phần hồn của tác phẩm đã bị hư hại khá nhiều. Hư hại vật chất có thể nhìn thấy rõ trên phần bề mặt tranh là nhiều mảng trứng bị trơ ra trắng bệch, các mảng dát vàng, màu son… đều bị mài mòn khá nhiều, làm tranh mất độ uyển chuyển, mềm mại. Rất khó để có thể phục hồi lại bức tranh bảo vật quốc gia như cũ” – ông Vi Kiến Thành nói.
Rất nhiều phần dát vàng tinh tế trên bức tranh khổ cực lớn, hình họa trừu tượng được thực hiện với kỹ thuật bậc thầy
|
Ảnh chụp cận khu vực đã bị mất màu vàng, màu son đã bị thay thế bằng một màu mới khác hẳn, hình họa trừu tượng đã bj làm hỏng, trở nên thô kệch
|
Trao đổi với VietTimes, ông Vi Kiến Thành cho biết: “Việc lập hồ sơ kế hoạch thông qua chủ trương chỉnh sửa bức tranh khá đầy đủ, nhưng chưa có giải pháp rõ ràng ghi trong hồ sơ. Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã không mời các chuyên gia về nghệ thuật sơn mài tham gia Hội đồng khảo sát, đánh giá về thực trạng tác phẩm, từ đó đưa ra các đánh giá về mức độ hư hại do tác động của thời gian, thời tiết và đề ra giải pháp thực hiện việc bảo dưỡng. Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cũng không mời bất cứ chuyên gia nào tham gia giám sát, kiểm tra các công đoạn bảo dưỡng tác phẩm”.
Theo Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành: “Đáng lẽ phải mời các họa sĩ sơn mài giỏi nghề, có uy tín trong giới mỹ thuật, hoặc người có thực tế làm việc với họa sĩ Nguyễn Gia Trí, như học trò thân cận - họa sĩ Nguyễn Xuân Việt, thì Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã không làm như vậy, mà lại ký hợp đồng với nghệ nhân sơn mài Lưu Minh Phụng. Giữa quan điểm làm việc của một người thợ sơn mài với một họa sĩ sơn mài đương nhiên rất khác nhau. Áp dụng tư duy về một sản phẩm sơn mài vào bảo dưỡng một tác phẩm nghệ thuật đã khiến bảo vật quốc gia “Vườn xuân Trung Nam Bắc” bị hư hại nặng nề. Đây là một sự việc đau xót, nằm ngoài sức tưởng tượng của tất cả những người làm chuyên môn trong giới mỹ thuật”.
Theo nhìn nhận của Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, việc bảo dưỡng làm hỏng bức tranh bảo vật quốc gia “Vườn xuân Trung Nam Bắc” là một điển hình của ứng xử tùy tiện với di sản văn hóa ở Việt Nam, sẽ để lại tiền lệ xấu cho công tác bảo quản các di sản văn hóa, bảo vật quốc gia khác. Đây là một vụ việc đau xót, đánh mất giá trị thực tế của bảo vật. Chúng ta chỉ có thể cố gắng vớt vát để lấy lại phần nào trị giá của bảo vật này.
Suốt hai mươi năm trăn trở, danh họa Nguyễn Gia Trí mới có thể hoàn thành được tâm nguyện về một khung cảnh thanh bình, giao hòa sắc xuân trong ngày thống nhất cho cả ba miền Trung Nam Bắc
|
Dư luận đặt ra câu hỏi về việc tại sao một dự án quan trọng can thiệp vào bảo vật quốc gia với kích thước khổng lồ và giá trị tài chính cực lớn lại có thể sơ sài, thiếu minh bạch về hồ sơ, không có phương án, giải pháp cụ thể? Tại sao ông Trịnh Xuân Yên lại bỏ qua ý kiến chuyên môn của cả giới mỹ thuật để lựa chọn tùy tiện đưa người thợ sơn mài Lưu Minh Phụng vào thực hiện một dự án quan trọng như với bảo vật quốc gia “Vườn xuân Trung Nam Bắc”?
Đoàn công tác sẽ có báo cáo sớm với Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện; đồng thời đã đề nghị Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM lập dự án cẩn thận, khoa học để khắc phục sự cố hư hỏng bức tranh bảo vật quốc gia.