Nếu như năm 2014 là thời điểm những phòng máy chơi game tại Việt Nam có bước chuyển mình dữ dội để bắt kịp với phong trào eSports đang ngày một sâu rộng trong cộng đồng game thủ nước nhà với những tựa game nổi đình nổi đám như DOTA 2 hay Liên Minh Huyền Thoại, thì năm 2015 vừa mới qua đi lại là thời gian khó khăn đối với không ít những người kinh doanh phòng máy chơi game bình dân, hay những "anh em trong nghề" hay gọi là net cỏ.
Mọi chuyện bắt đầu kể từ mùa hè năm 2015, các quán Net 'cỏ' đang đồng loạt triển khai kế hoạch cạnh tranh mãnh mẽ với phương pháp hạ giá kịch sàn với mức giá giờ chơi gần như không tưởng là 2000 đồng. Trong bối cảnh các chi phí hoạt động của quán đều tăng mạnh, đặc biệt là tiền điện thì mức thu trên có thể nói là... lỗ vốn.
Game thủ Việt chẳng còn mặn mà "net cỏ" như xưa
Có thể nói, kinh doanh quán net – một hình thức kinh doanh không còn xa lạ với tất cả người dân trên toàn mảnh đất hình chữ S này. Bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, quán net mọc lên ngày càng nhiều, từ thành phố cho tới thị trấn nhỏ bé, thậm chí còn lan tới cả vùng nông thôn đang phát triển.
Đây là hình thức kinh doanh đang rất hot trên thị trường hiện nay bởi ngành nghề này đem lại một nguồn lãi cực lớn nếu không có sai sót gì xảy ra. Với một gaming tầm trung hoặc tầm cao, nếu thuận lợi, chủ quán có thể thu hồi vốn sau khoảng 1-2 năm tùy thời vận. Tuy nhiên, yêu cầu của ngành nghề này là cần khá nhiều vốn, tầm 3-5 tỉ ở Hà Nội, và khoảng vài trăm triệu ở ngoại thành.
Chỉ khi hồi vốn xong, nguồn lợi thu về vô cùng lớn, có thể đảm bảo tương lai lâu dài cho những dự định sau đó. Tuổi thọ trung bình của quán net rơi vào khoảng 3-4 năm, thậm chí hơn nếu biết chăm sóc, bảo trì tốt nên nếu hoạt động ổn, ngành kinh doanh quán net đem lại lợi nhuận khổng lồ.
Ấy là chưa kể tới nhu cầu của chính những game thủ Việt chúng ta nữa. Không phải ai cũng có điều kiện được chơi game một cách thoải mái tại nhà mà không bị quản lý hay các bậc phụ huynh không soi xét kỹ lưỡng. Và như vậy là, kể cả có đường truyền internet chất lượng và máy tính riêng, cấu hình đủ chơi nhưng một số lượng không nhỏ game thủ vẫn tìm tới những phòng máy chơi game để thưởng thức những game online và offline cùng bạn bè, điều mà họ khó lòng có thể làm được tại nhà.
Và sau năm 2014 với sự bùng nổ của những cyber game cao cấp, thay vì cố gắng ngồi ở những quán net với điều kiện trang thiết bị chưa thực sự tốt, cũng như trải nghiệm game không hoàn hảo với không gian chật chội, gò bó, ngày càng nhiều game thủ đã lựa chọn cho mình những địa điểm cao cấp hơn, bất chấp mức giá không hề rẻ nhưng bù lại là cơ sở vật chất cao cấp với phần cứng đủ để họ thoải mái trải nghiệm bất kỳ tựa game nào.
Nhiều người chơi bây giờ không chỉ đến các quán net để chơi với mục đích giải khuây và “cày kéo” như trước nữa, mà họ thực sự nghiêm túc với “sự nghiệp” game của mình.
Những tựa game mà các game thủ chuyên nghiệp hay chơi hầu hết nằm trong hệ thống các môn eSports , được nhiều người biết đến và đòi hỏi một cấu hình máy tính tương đối mạnh. Hầu hết các tựa game này vẫn có thể được tìm thấy ở các quán Internet bình dân hiện nay, tuy nhiên lại khó lòng thỏa mãn được sự khó tính của các game thủ.
Chính vì những lý do kể trên, mà chẳng còn nhiều game thủ Việt có hứng thú đến với những phòng máy bình dân. Thế nhưng, không phải vì thế mà net cỏ hoàn toàn biến mất.
Không cần phải "đua về giá"
Net cỏ, nói đi nói lại, vẫn luôn luôn có một lợi thế cực kỳ khủng khiếp so với những cyber game cao cấp tại các vùng thành phố lớn: Mức giá. Đừng bao giờ mong cạnh tranh giá cả với những người làm phòng net bình dân. Chỉ với 2.000 hoặc cùng lắm là 3.000 Đồng, chúng ta đã có thể ngồi 1 tiếng đồng hồ chơi game thả ga. Còn đối với các cyber cao cấp, số tiền bỏ ra không bao giờ có chuyện dưới 5.000 Đồng, phụ thuộc vào cấu hình và "đồ chơi" của phòng máy cao cấp.
Thế nhưng có một vấn đề còn tồn tại, hầu hết thay vì cạnh tranh về giá với các phòng máy chơi game cao cấp, thì các quán net cỏ lại có xu hướng... chạy đua giá với nhau! Điều này dẫn tới tình trạng "khô máu" không đáng có, khiến nhiều chủ quán game đau đầu và thậm chí có nhiều người đã phải bỏ cuộc không dám tiếp tục kinh doanh vì lỗ vốn.
Cho tới nay, phong trào khô máu giảm giá này đã bộc lộ rõ ràng sự... ngớ ngẩn tự hại mình hại người đói với những chủ quán net áp dụng. Theo đó, vào thời điểm đầu áp dụng thì lượng khách hàng tăng rõ rệt song lợi nhuận chẳng tăng được là bao. Cho đến khi các quán khác giảm giá cùng thì game thủ lại chuyển về nhỗ cũ chơi và cũng có không ít chủ phòng máy buộc phải tăng giá lại do không chịu nổi 'nhiệt'.
Thực tế có rất nhiều phương pháp đơn giản để đẩy mạnh lượng khách trung thành mà không phải giảm giá như nhân đôi tài khoản cho khách hàng lập tài khoản hội viên hay tặng nước ngọt, đồ ăn... Vừa chẳng gây thất thoát nhiều trong thời gian dài vừa giữ được mức giá dịch vụ trong khu vực ở mức cao.
Vẫn có cơ hội để net cỏ tồn tại, nhưng điều đó có trở thành hiện thực hay không phụ thuộc hoàn toàn vào lối kinh doanh của các chủ phòng máy bình dân tại nước ta.
Theo Tri thức trẻ