Xét nghiệm tái dương tính không phân biệt được virus còn sống hay đã chết

VietTimes – Tái dương tính, tái hoạt hay tái nhiễm? Xét nghiệm dương tính trở lại không phân biệt được virus còn sống hay đã chết? Nhiều người bệnh sau khi điều trị khỏi lại có xét nghiệm dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2 đang là vấn đề khiến giới chuyên môn và công chúng quan tâm.
Xét nghiệm tách mẫu sinh phẩm để xác định virus SARS-CoV-2 (Ảnh: BYT)
Xét nghiệm tách mẫu sinh phẩm để xác định virus SARS-CoV-2 (Ảnh: BYT)

Hiện tượng xét nghiệm tái dương tính với SARS-CoV-2 ở một số bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã hồi phục tại một số nước khiến công chúng khá lo lắng. Mới đây, các chuyên gia thuộc Ủy ban lâm sàng trung ương về kiểm soát bệnh mới nổi của Hàn Quốc bước đầu đã có nhận định về hiện tượng này.

Tính đến ngày 1/5/2020, Hàn Quốc đã có hơn 260 người nhiễm COVID-19 có xét nghiệm dương tính trở lại với coronavirus sau khi đã hồi phục, hiện tượng này đã đưa ra cảnh báo rằng vi-rút SARS-CoV-2 có thể có khả năng “kích hoạt lại” hoặc “lây nhiễm lại” cho người nhiều lần. Nhưng theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Hàn Quốc thì cả hai khả năng này đều khó xảy ra.

Tại Việt Nam, các nhà dịch tễ học như BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm (BV Nhi Đồng 1), BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D (BV Bệnh Nhiệt đới) cũng đã khẳng định người bệnh bị dương tính lại rất khó lây nhiễm sang đối tượng khác.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết thì bệnh nhân tái dương tính với virus SARS-CoV-2 không phải điều trị bất kỳ loại thuốc nào. Bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng (sốt, ho, khó thở) nên chỉ cần theo dõi, cách ly tại Bệnh viện.

Bệnh nhân 74 trong ngày được công bố khỏi bệnh. Ảnh- Minh Thúy

Tổng Giám đốc KCDC Jeong Eun-Kyeong cho biết các cơ quan y tế tại Hàn Quốc đang tiến hành các nghiên cứu dịch tễ học và lâm sàng để tìm hiểu xem những người có kết quả dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm trở lại hay không. Thử nghiệm liên quan đến việc nuôi cấy và phân lập vi-rút có thể mất khoảng hai tuần mới cho ra kết quả. Mặc dù phân tích đầy đủ sẽ mất ít nhất vài tuần, những phát hiện ban đầu cho thấy có thể có nhiều nguyên nhân.

Giả thuyết được nhiều chuyên gia dịch tễ học tại Hàn Quốc ủng hộ đó là hiện tượng kích hoạt lại các virus còn sót lại trong hệ thống miễn dịch của bệnh nhân. Nếu một bệnh nhân không phát triển đầy đủ khả năng miễn dịch chống lại virus hoặc nếu hệ thống miễn dịch của bệnh nhân bị suy yếu sau khi phục hồi, mức độ tập trung virust không thể phát hiện trước đó có thể được phục hồi; hoặc nCoV có thể có khả năng ở trạng thái không hoạt động trước khi được kích hoạt lại.

Giả thuyết tái nhiễm thông qua sự lây lan mầm bệnh từ một người khác đang mang virus là một kịch bản ít có khả năng xảy ra, vì hầu hết bệnh nhân dương tính lại không lâu sau khi họ được điều trị. Tại Hàn Quốc, các trường hợp tái phát được phát hiện trung bình 13,5 ngày sau khi phục hồi, khoảng thời gian dài nhất được báo cáo là 35 ngày.

Một giả thuyết khác cho rằng các xét nghiệm đang chọn các hạt virus chết (xác virus) không còn lây nhiễm hoặc lây truyền. Tổng Giám đốc KCDC cho biết các virus thu thập được từ sáu trường hợp tái phát không thể nuôi cấy được trong sự cô lập, biểu thị rằng chúng đã chết, tuy nhiên, một số bệnh nhân tái phát có kèm triệu chứng, mặc dù là triệu chứng nhẹ.

Theo các chuyên gia thuộc Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, phương pháp xét nghiệm được sử dụng để phát hiện coronavirus được gọi là phản ứng chuỗi polymerase (PCR), phản ứng này không thể phân biệt vật liệu di truyền (RNA hoặc DNA) là của virus đang gây bệnh hay là các mảnh của virus đã chết, các mảnh này có thể tồn tại lâu trong cơ thể sau khi người bị nhiễm đã hồi phục.

Xét nghiệm virus Corona tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Hà Nội (Ảnh: TTXVN)
Xét nghiệm virus Corona tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Hà Nội (Ảnh: TTXVN)


Theo thông tin Sở Y tế TP.HCM cung cấp thì: “Các xét nghiệm đã phát hiện ra axit ribonucleic của virus đã chết. Trong xét nghiệm PCR sử dụng để chẩn đoán nhiễm COVID-19, các vật liệu di truyền của vi-rút được khuếch đại trong quá trình xét nghiệm, cho dù đó là từ vi-rút sống hay chỉ từ các mảnh tế bào của vius đã chết có thể tồn tại nhiều tháng trong cơ thể bệnh nhân đã hồi phục. Các xét nghiệm PCR không thể phân biệt được virus còn sống hay đã chết, và điều này có thể dẫn đến hiện tượng dương tính giả” – Tiến sĩ Oh Myoung-don, Chủ nhiệm Ủy ban lâm sàng Trung ương về kiểm soát bệnh mới nổi của Hàn Quốc cho biết.

Các chuyên gia Hàn Quốc cũng cho biết các tế bào biểu mô đường hô hấp có thời gian bán hủy lên đến 3 tháng và RNA của virus trong tế bào có thể được phát hiện bằng xét nghiệm PCR từ 1 đến 2 tháng sau khi tế bào bị loại bỏ. Để xác định xem một người có chứa virus còn có khả năng gây bệnh hay không (virus sống), thay vì làm xét nghiệm PCR kiểm tra sự hiện diện của kháng nguyên của virus như hiện nay thì các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm sẽ phải nuôi cấy virus trong điều kiện lý tưởng để xem liệu nó có khả năng phát triển hay không.

Ủy ban lâm sàng trung ương về kiểm soát bệnh mới nổi của Hàn Quốc đã xác nhận một đánh giá trước đó của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) rằng các bệnh nhân có xét nghiệm dương tính lại không xác nhận được nguồn lây nhiễm và kết quả nuôi cấy virus đều không tìm thấy virus sống ở những bệnh nhân đã hồi phục.

Quá trình virus SARS-CoV-2 tạo ra một virus mới chỉ diễn ra trong tế bào và không xâm nhập vào nhân tế bào, khác với một số loại virus khác, như suy giảm miễn dịch ở người (HIV) và virus thủy đậu, chúng có thể tự tích hợp vào bộ gen của vật chủ bằng cách xâm nhập vào nhân tế bào người, nơi chúng có thể tiềm ẩn trong nhiều năm và sau đó có hiện tượng "kích hoạt lại.

Điều này có nghĩa là virus Corona không gây nhiễm trùng mạn tính hoặc tái phát, nói cách khác, rất ít khả năng virus này sẽ hoạt động trở lại trong cơ thể đã bị nhiễm trước đó và đã chuyển sang giai đoạn hồi phục.