BS Trưởng Khoa nhiễm D, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM:

Đừng vội vã kết luận, chỉ trích, đổ lỗi khi ca bệnh 22 dương tính trở lại

VietTimes – “Đừng vội chỉ trích, đổ lỗi cho công tác xét nghiệm, cách ly. Cũng không thể là người lành mang trùng. Chưa thể vội vã kết luận về ca bệnh 22 dương tính trở lại” – Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong -  Trưởng khoa Nhiễm D, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM- nói về ca bệnh 22 dương tính trở lại sau 3 lần âm tính.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM nói về ca bệnh 22 dương tính trở lại sau 3 lần âm tính (Ảnh: Hòa Bình)
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM nói về ca bệnh 22 dương tính trở lại sau 3 lần âm tính (Ảnh: Hòa Bình)

PV: - Thưa bác sĩ, việc ca bệnh 22 dương tính trở lại sau ba lần âm tính khiến công chúng xôn xao lo lắng. Theo bác sĩ, trường hợp này dương tính trở lại nguyên nhân do đâu?

BS Nguyễn Thanh Phong: - Với ca bệnh 22, tôi cho rằng bệnh nhân có thể tái phát, có thể tái nhiễm, chỉ có thể là hai trường hợp này.

Để xác định được chính xác việc bệnh nhân tái phát hay tái nhiễm, cần xem xét lại cả lịch sử di chuyển, các hoạt động của bệnh nhân sau khi xuất viện.

Rời khỏi BV Đà Nẵng, bệnh nhân 22 đã được cách ly như thế nào? Có tiếp xúc với ai không?

Toàn bộ phi hành đoàn và hành khách trên chuyến bay VN 125 mà ca bệnh số 22 đã di chuyển từ Đà Nẵng vào TP.HCM cần được cách ly, theo dõi.

Toàn bộ những người liên quan đến nơi lưu trú của ca bệnh số 22, khách sạn Ibis Airport số 2 đường Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM cần lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tập trung người tiếp xúc gần, nhân viên phục vụ và toàn bộ khách lưu trú trong cùng thời điểm.

Đó là những việc chắc chắn nhất mà những người làm chuyên môn đều hiểu rằng chúng ta nên làm trong thời điểm này.

Xe đưa ca bệnh 22 xuất viện cùng 2 bệnh nhân khác hôm 27/3 tại Đà Nẵng (Ảnh: Hồ Xuân Mai)
Xe đưa ca bệnh 22 xuất viện cùng 2 bệnh nhân khác hôm 27/3 tại Đà Nẵng (Ảnh: Hồ Xuân Mai)


PV:
- Thưa bác sĩ, sau khi có một số ý kiến nhận định rằng có thể ca 22 đã bị tái nhiễm trong giai đoạn cách ly tại Đà Nẵng, khiến các cơ quan chức năng tại Đà Nẵng phản ứng gay gắt? Là nhà chuyên môn, theo ông, liệu có thể tìm ra nguyên nhân thực sự của ca bệnh 22?

BS Nguyễn Thanh Phong: - Theo tôi, không nên vội vã đi truy tìm nguyên nhân của việc tái phát, hay tái nhiễm của ca bệnh 22.

Càng không nên đổ lỗi, quy trách nhiệm, nóng giận, mất sức vào những việc ngoài chuyên môn trong lúc này.

Nên nhớ rằng hiện tượng nhiều lần âm tính rồi dương tính trở lại khá phổ biến trên thế giới. Tại Trung Quốc, tỷ lệ tái phát hay tái nhiễm lên tới 10% các ca hồi phục, xuất viện trở về nhà.

Nhưng không chỉ ở Trung Quốc, dữ liệu tổng kết từ quá trình chữa bệnh tại nhiều nước trên thế giới đều có các ca tái nhiễm hoặc tái phát. Và ở thời điểm này, giới khoa học còn chưa đủ thời gian để nghiên cứu về con virus này.

PV: - Thưa bác sĩ, cũng có chuyên gia cho rằng trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại sau khi xuất viện có thể là hiện tượng người lành mang trùng?

BS Nguyễn Thanh Phong: - Tôi không có ý kiến về việc các BS khác nhận định thế nào. Qua quá trình điều trị trực tiếp cho các bệnh nhân COVID-19 còn rất ngắn ngủi thời gian qua, tôi khẳng định không nên gọi ca bệnh 22 là người lành mang trùng.

Ca bệnh số 22 và 23 tại sân bay Đà Nẵng ngày 10/4 trước khi di chuyển vào TP.HCM (Ảnh: Hồ Xuân Mai)
Ca bệnh số 22 và 23 tại sân bay Đà Nẵng ngày 10/4 trước khi di chuyển vào TP.HCM (Ảnh: Hồ Xuân Mai)


Các ca kết luận là người lành mang trùng chỉ có thể là người mang virus trong người nhưng chưa phát bệnh. Nguy cơ của nhóm người này là dù chưa phát bệnh nhưng vẫn có thể lây virus cho người khác.

Còn với ca bệnh số 22, đã là bệnh nhân phát bệnh, đã được điều trị, và đã xuất viện, nên không thể gọi ca này là người lành mang trùng.

Điều cuối cùng tôi muốn nói là cho dù ca bệnh 22 tái phát hay tái nhiễm từ một nguồn lây chưa rõ nào đó, thì chúng ta đều cần cẩn thận hơn ở tất cả mọi khâu mà thôi.

Cách ly theo dõi chặt chẽ các bệnh nhân đã xuất viện. Sau 5 ngày xuất viện, sau 14 ngày xuất viện đều phải lấy mẫu xét nghiệm lại cho các bệnh nhân hồi phục.

Cộng đồng cũng nên nâng cao cảnh giác, hạn chế tối đa giao tiếp và thật cẩn thận khi tiếp xúc với bệnh nhân xuất viện.

Về phía người bệnh, dù đã hồi phục, nhưng khi được trở lại với gia đình và cộng đồng, hãy luôn nhớ tuân thủ phòng hộ cá nhân, mang khẩu trang, rửa tay, che giọt bắn và hạn chế tiếp xúc với người khác, nhất là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm. Bởi vì cuộc chiến đấu chống lại nCoV (virus Corona chủng mới) chắc chắn vẫn còn rất dài.