Cách đây vài ngày, tôi có dịp xem lại một bộ phim sci-fi (khoa học viễn tưởng) tương đối kinh điển của Will Smith có tên I, Robot. Có lẽ rất nhiều các bạn trẻ Việt Nam đã từng được thưởng thức bộ phim này trong chương trình Phim Cuối Tuần từng làm mưa làm gió trên kênh VTV1 ngày trước. Nếu bạn không có được may mắn ấy (và nếu chưa từng xem bản đẹp của bộ phim này qua mạng), hãy thử tìm I, Robot và chắc chắn bạn sẽ mang một góc nhìn khác về mối đe dọa của trí thông minh nhân tạo với loài người.
Nhưng điều mà tôi định bàn tới trong bài viết này không phải là chủ đề AI, dù rằng quả thật năm vừa qua lĩnh vực này đã lớn mạnh tới mức rất đáng sợ. Thay vào đó, tôi muốn nhấn mạnh vào sự thật rằng trong thế giới tương lai rất xa của I, Robot hoàn toàn không có hình bóng của chiếc smartphone màn hình cảm ứng. Và bộ phim này ra mắt vào năm 2004, tức là chỉ 3 năm trước ngày Steve Jobs vén màn iPhone 1 tại Macworld 2007.
I, Robot
Trong thế giới siêu việt của I, Robot, màn hình vuông vẫn đang thời thượng. Giống như năm 2004.
Bạn có thể đưa ra luận điểm phản bác rằng vì thế giới tương lai của I, Robot quá tân tiến (nào thì AI, nào thì xe tự lái...) nên không cần smartphone, nhưng nếu luận điểm đó là chính xác thì tôi vẫn chưa hiểu tại sao một thế giới vừa có phương tiện liên lạc di động, vừa xem TV, vừa vẫn dùng máy vi tính mà lại không có smartphone cảm ứng như iPhone hay Android?
Câu trả lời là như sau: dù thực sự là những người làm nghệ thuật tài giỏi, các nhà làm phim thực chất lại có tầm nhìn công nghệ rất kém và vẫn không thể thoát khỏi những giới hạn của thời đại. Họ có thể tưởng tượng ra một thứ vô cùng xa xôi như những con robot hành động/suy nghĩ như người, nhưng lại không thể tưởng tượng ra một thứ chỉ cách họ có 3 năm nhìn về phía trước.
Rất nhiều bộ phim khác sẽ cho bạn thấy rõ điều này. V for Vendetta, bộ phim chuyển thể từ bộ truyện lừng danh của tác giả Alan Moore, có bối cảnh là năm 2020. Dĩ nhiên là thế giới V for Vendetta rất rất khác so với thế giới "thực" của chúng ta, nhưng một lần nữa, đó vẫn là thế giới có TV LCD, có máy vi tính, có điện thoại di động và thậm chí là cả đĩa mini-CD. Hay như trong loạt phim Back from the Future, năm 2015 của loài người có ván trượt bay nhưng lại chẳng có smartphone, tablet, kính VR, smartwatch hay những thứ đồ công nghệ đã thực sự làm mưa làm gió vào năm 2015.
Tầm nhìn
Hãy thử xem những tập 007 đầu tiên và bạn sẽ thực sự thấy "thốn" vì James Bond không có di động.
Đến cả tài trí như James Bond cũng không phải là ngoại lệ. Nếu xem những tập phim đầu tiên do Sean Connery hào hoa thủ vai chính (phát hành vào thập niên 60, 70), bạn có lẽ sẽ không tránh khỏi cảm giác "ngứa ngáy" rằng biết bao vấn đề của Bond, James Bond hay của kẻ phản diện sẽ không xảy ra nếu như điện thoại di động tồn tại/phổ cập từ thời kỳ đó. Đến khi di động trở nên phổ biến, và đến khi smartphone trở nên phổ biến, chúng nhanh chóng được các nhà làm phim tích hợp thành các phương tiện đi kèm với chàng điệp viên hào hoa của tác giả Flemming. Không bất ngờ lắm, phải không?
Giữa các nhà làm phim Hollywood và những người "bình thường" như tôi và bạn có một điểm chung: tầm nhìn công nghệ rất kém. Không hề đi trước thời đại.
Ai nghĩ được rằng một cái loa tích hợp Siri sẽ bán chạy nhiều tới mức Google phải copy?
Tại sao lại nói vậy ư? Hãy thử lùi về quá khứ chỉ 2 năm mà thôi và liệu bạn có tưởng tượng được rằng đến năm 2016 thì loa tích hợp trợ lý ảo lại trở thành một cuộc đua nóng như hiện nay? Loa Bluetooth đã ngập tràn thị trường được vài năm, Siri xuất hiện từ 2011, vậy mà tại sao chúng ta lại chẳng ai nghĩ giống như Amazon, rằng loa tích hợp với trợ lý ảo lại có thể trở nên hấp dẫn, thú vị và hữu ích đến vậy? Đó chính là cái tài của Dave Limp (phó tổng phụ trách phần cứng của Amazon), Jeff Bezos và đội ngũ kỹ sư 500 người đã sáng tạo ra Echo và Alexa. Ở những nơi mà người tiêu dùng chúng ta chẳng nhìn thấy gì, họ nhìn thấy những ý tưởng đi trước thời đại, kiếm tiền bằng những sản phẩm chẳng đối thủ nào có.
Sự trân trọng
Đáng tiếc rằng khi những công nghệ đột phá nào đó được phổ cập, người ta sẽ không còn trân trọng những người tiên phong nữa. Câu chuyện điển hình: iPhone của Steve Jobs. Nếu lắng nghe lời của các anti-fan thì bạn có lẽ sẽ thấy việc tạo ra chiếc iPhone đầu tiên là việc dễ dàng "nhất quả đất": smartphone đầu tiên không phải là của Apple, công nghệ cảm ứng cũng không phải của Apple. Hay như iPad, lúc nào cũng bị đem so sánh với TabletPC của Microsoft để làm minh chứng rằng Apple thành công chỉ vì các iFan hời hợt thích chạy theo thương hiệu.
Năm 2006, nhắc đến "iPhone" người ta cũng chỉ tưởng tượng ra đến thế này mà thôi.
Đó đều là những luận điểm của kẻ thiếu tầm nhìn. Nếu tạo ra một chiếc iPhone thực sự dễ dàng đến thế, thì tại sao các nhà sản xuất Android phải tới năm 2011 mới thực sự có câu trả lời (Galaxy S II), tại sao Nokia hùng mạnh như thế lại bị iPhone (và các bản sao Android) đẩy vào chỗ chết? Còn iPad, nếu không hơn gì TabletPC thì tại sao lại có thể thành công? Hãy nhớ rằng vào đầu thập niên 2000 Microsoft là tập đoàn thống trị thế giới, có thể bóp chết bất cứ một đối thủ nào!
Câu trả lời là bởi, trong con mắt của Steve Jobs, định nghĩa "smartphone" và "tablet" khác với những người không có tầm nhìn đi trước thời đại. Dù không phải là sản phẩm tiên phong cho công nghệ cảm ứng hay cho khái niệm "smartphone", iPhone vẫn là sản phẩm đầu tiên thay đổi hoàn toàn bản chất của trải nghiệm smartphone từ khó dùng thành dễ sử dụng bên trong một lớp vỏ đẹp đẽ. Thay đổi duy nhất mà Steve Jobs mang tới là quyết định loại bỏ hoàn toàn bàn phím cảm ứng, một quyết định chẳng có ai dám làm trong năm 2007. Nhưng chỉ một thay đổi ấy đã giúp cho diện tích hiển thị của ứng dụng và hệ điều hành tăng gấp đôi, giúp cho trải nghiệm người dùng trở nên tự nhiên và dễ dàng hơn trước rất nhiều.
Tầm nhìn: Nhìn ra sự khác biệt không chỉ ở kiểu dáng mà cả ở phần mềm, ở trải nghiệm.
Tương tự, iPad cũng chỉ mang trong mình một thay đổi cốt lõi so với TabletPC: thay đổi kích cỡ các yếu tố đồ họa từ nhỏ li ti (cho chuột và bàn phím) thành cỡ lớn để tiện dùng cho ngón tay. Đó đều là những thay đổi ai nhìn lại đều nghĩ là dễ, nhưng cũng là những thất bại đau đớn mà Nokia, BlackBerry hay Microsoft không thể vượt qua. Như bạn thấy đó, "tầm nhìn" công nghệ khi nhìn lại chẳng phải là thứ gì to tát cả. Nhưng nếu bạn nghĩ rằng chúng dễ dàng, bạn đã sai rồi.
Theo Trí thức trẻ
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu