Trao đổi với VNN hôm 1/6, ông Võ Huy Cường cho biết, trước đây Bộ GTVT và Cục Hàng không tính toán trong giai đoạn không có nguồn vốn đầu tư của Nhà nước sẽ làm thêm đường cất hạ cánh sang phía Bắc sân bay Nội Bài - sát khu chế xuất và phần đất quân sự.
Nếu quy hoạch theo phương án này, tiền giải phóng mặt bằng không lớn, tuy nhiên đây chỉ là phương án quá độ, bởi để mở thêm 2 đường cất hạ cánh (cùng nhà nhà ga T3 và T4) thì phải mở sang phía Nam thuộc địa phận 3 xã Phúc Minh, Phú Cường, Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội).
Nếu công suất hoạt động “cầm cự” được thêm một thời gian nữa, sẽ xây dựng nhà ga T3, T4 theo đúng quy hoạch sang phía Nam. Điều này đảm bảo đủ đường cất hạ cánh phục vụ công suất từ 80-100 triệu khách/năm.
Hiện nay công suất của Nội Bài là 17,5 triệu khách/năm. Dự tính trong năm nay sẽ tăng, khoảng 18-19 triệu. Trong khi đó, công suất của cả T1 và T2 cố gắng lắm cũng chỉ được 25 triệu và chỉ 2-3 năm nữa sẽ đến ngưỡng quá tải.
Ông Cường cho biết: Ngoài việc hàng không trong nước đang phát triển rất nhanh, Nội Bài còn là sân bay trung chuyển quốc tế, lượng khách từ Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đến Hà Nội đi Campuchia, Lào, Myanmar trong tương lai gần sẽ còn tăng cao nữa.
Do vậy, việc chuẩn bị nghiên cứu tiền khả thi xây dựng sân bay mới ở Hà Nội là cần thiết và phải làm từ bây giờ. Bởi nếu cứ chờ đến khi quá tải rồi mới bắt đầu tính đến việc làm sân bay mới, Nội Bài sẽ luôn luôn tắc.
“Không thể để Nội Bài như Tân Sơn Nhất, quá tải rồi mới tính đến việc làm sân bay Long Thành”, ông Võ Huy Cường nhấn mạnh.
Về chủ trương xây dựng “Nội Bài mới”, ông Võ Huy Cường nói rõ hiện nay Bộ GTVT mới giao nhiệm vụ cho Cục Hàng không nghiên cứu tính toán phát triển khu vực quy hoạch và giao Tổng công ty Cảng Hàng không VN lập hồ sơ quy hoạch.
Chỉ sau khi xác định được quy mô và làm sân bay mới như thế nào thì mới tính toán đến việc xác định tính khả thi.
“Sân bay Long Thành đề xuất làm từ lâu lắm rồi nhưng do phản biện xã hội nên tiến độ cứ lùi dần. Đến nay sân bay Tân Sơn Nhất kẹt cứng, phải loay hoay xoay xở mới được khoảng 40 triệu hành khách/năm”, ông Cường nói.
Về mức đầu tư sân bay “Nội Bài mới” ước tính khoảng 5 tỷ USD, ông Cường nói rõ: Đây chỉ là ước tính, còn cụ thể bao nhiêu thì phải chờ khi lập phương án khả thi mới biết được.
Mặc dù vậy, ông Cường cũng đánh giá, việc giải phóng mặt bằng sẽ khá tốn kém do người dân định cư tại khu vực này đã rất lâu, nhiều đền thờ miếu mạo, các hộ chia tách...
Về việc huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng sân bay mới, ông Cường cho biết không thể trông chờ vào ngân sách nhà nước mà cho phép kêu gọi xã hội hóa đầu tư, cả trong và ngoài nước tham gia.
Nhiều phương án nhưng vẫn chọn mở rộng Nội Bài
Theo Cục phó cục Hàng không Võ Huy Cường: Trong quy hoạch vùng Thủ đô có nói sân bay Nội Bài cố gắng đạt công suất 50 triệu hành khách/năm và có tính toán đến sân bay thứ 2.
Điểm đặt sân bay trước đây có tính đến khu vực Miếu Môn - Hòa Lạc, nhưng nếu làm tại khu vực này thì sẽ phải đóng cửa sân bay Nội Bài vì đường không lưu xen nhau.
Thời kỳ 2004-2005 Hội Phát triển quy hoạch đô thị VN đề xuất phương án làm sân bay ở Hải Dương với diện tích đất khoảng 5.000ha. Cục Hàng không cho rằng không nên tính đến phương án này bởi nếu lấy 5.000ha đất nông nghiệp sẽ ảnh hưởng đến vựa lúa đồng bằng sông Hồng.
Sau đó còn có ý tưởng đề xuất lập sân bay mới tại Tiên Lãng (Hải Phòng), nhưng do Nội Bài vẫn còn khả năng mở rộng lên công suất từ 80 -100 triệu hành khách/ năm nên cuối cùng vẫn quy hoạch tại Nội Bài.
Theo VNN