“Đua nhau ăn cắp”
“Trước đây chúng tôi chiếu một bộ phim thì ngày hôm sau hàng chục trang mạng ăn cắp ngay. Nhưng giờ đây nạn ăn cắp diễn ra trắng trợn hơn, “thần tốc” hơn. Phim chiếu được 15 phút là họ cắt ra để bán phụ đề và đưa lên. Cứ thế, 15 phút một ăn cắp. Phim chiếu xong thì 15 phút sau họ “nuốt trọn”. Chưa dừng lại ở đó, chúng tôi mua một bộ phim “bom tấn” của nước ngoài với giá rất cao về, chưa dịch xong thì trên các mạng đã tung lên hết rồi”- ông Lê Quang Nguyên, Giám đốc, Tổng biên tập Đài PTTH Vĩnh Long bức xúc. Theo ông Long thì vấn nạn “ăn cắp” này đã làm doanh thu của Đài PTTH Vĩnh Long, một trong những đài truyền hình có doanh thu cao nhất cả nước, bị sụt giảm khủng khiếp. “Và cứ đà này thì không bao lâu sẽ phá sản”- ông Long nhấn mạnh.
Mặc dù bị ông Lê Quang Nguyên “chỉ trích” với vai trò là đại diện cho một trong những nhà mạng lớn nhất Việt Nam về việc cung cấp đường truyền (vô tình tiếp tay) cho một số đơn vị chuyên ăn cắp bản quyền truyền hình, nhưng ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Tổng giám đốc VNPT- Media, vẫn phải than thở về nạn ăn cắp bản quyền tràn lan, vì “tốc độ tăng trưởng của một số đơn vị truyền thông, điển hình là MyTV của VNPT đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Còn ông Nguyễn Thành Lương, Phó tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) phát biểu: “ VTV là đơn vị đang bị vi phạm bản quyền trắng trợn và nhiều nhất, nhiều đơn vị đang hưởng lợi từ sản phẩm của VTV, nếu mà đưa ra pháp luật thì nhiều vụ kiện dân sự đã xảy ra”.
Sau khi nêu lên thực trạng về nạn ăn cắp bản quyền tràn lan, Tổng giám đốc Công ty Quảng cáo Đất Việt nêu lên một thực trạng mà “những nhà quảng cáo Việt Nam gần như đang bất lực nhìn hai gã khổng lồ Google và Facebook đang từng bước “nuốt trọn” thị trường quảng cáo Việt Nam, nếu không chung tay hành động”.
Trao đổi với VietTimes bên hành lang hội thảo, ông Huỳnh Long Thuỷ -- Đại diện Tổ hợp quảng cáo - Truyền thông Đất Việt phân tích: “Dự báo của công ty nghiên cứu thị trường eMarketer cho thấy Google có thể sẽ kiếm được 72,69 tỷ USD doanh thu quảng cáo, Facebook sẽ kiếm được 33,76 tỷ USD trong năm nay. Tổng cộng, tổng doanh thu quảng cáo của hai gã khổng lồ công nghệ này chiếm tới hơn 50% tổng chi phí quảng cáo kỹ thuật số toàn cầu của các nhà quảng cáo. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là các mạng xã hội như Facebook đã cá thể hóa được dữ liệu cá nhân, họ biết được người dùng thích gì, nhà quảng cáo thích gì và họ xây dựng các platform phù hợp với mọi đối tượng. Với nạn ăn cắp bản quyền tràn lan như ở Việt Nam hiện nay thì với sự phát triển của facebook và Google thị trường quảng cáo Việt Nam vốn đã èo uột sẽ càng èo uột hơn”.
Giải pháp nào?
Làm thế nào để từng bước ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi nạn ăn cắp bản quyền ở Việt Nam? Rất nhiều hiến kế đã được đưa ra. Qua các phát biểu của các đại biểu tham gia hội thảo (“Bảo vệ bản quyền nội dung truyền hình trên mạng internet tại Việt Nam - Quyết tâm và Giải pháp”) cho thấy “Quyết tâm” thì có thừa, nhưng xem ra các “Giải pháp” thì mới chỉ dừng lại ở “kiến nghị”, “đề xuất” kiểu như: bổ sung chế tài tại các văn bản đang xây dựng; xây dựng Chỉ thị về đẩy mạnh rà soát tính pháp lý của hợp đồng cung cấp dịch vụ hosting để loại bỏ hosting những trang web không có giấy phép, đăng tải nội dung vi phạm bản quyền; truyền thông mạnh mẽ pháp luật về bản quyền, các hành vi vi phạm và chế tài xử phạt…
Tuy nhiên cũng có những ý mạnh mẽ và táo bạo hơn: Cần xây dựng một mạng xã hội Việt Nam!
Phó tổng giám đốc VNPT- Media Nguyễn Văn Tấn, sau khi phân tích cách thức vận hành của các mạng xã hội nổi tiếng, đã đề nghị: “Việt Nam nên bắt tay xây dựng một “social media” (lời ông Tấn) và đề nghị các nhà sản xuất nội dung số đồng tâm không đưa sản phẩm của mình lên YouTube, Facebook nữa mà đưa lên social Việt Nam”. Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Nguyễn Thanh Lâm ngắt lời: “Giao cho ai xây dựng mạng này?”. Ông Tấn lưỡng lự: “… Giao cho một đơn vị nào đó có uy tín”.
Không dè dặt như ông Tấn, Phó tổng giám đốc VTV Nguyễn Thành Lương bộc trực: “VTV lâu nay đã không đưa các chương trình của mình lên YouTube và Facebook nữa rồi. Đưa lên để cho họ “ăn” bạc chẵn, còn mình “ăn” bạc lẻ à?”. Ông Lương đặt vấn đề: “Trung Quốc họ chặn cả Google, cả Facebook. Tại sao họ làm được? Trong tương lai gần, chỉ có một đối thủ tiềm năng khác đối với Facebook và Google là 3 công ty lớn của Trung Quốc, Baidu, Alibaba và Tencent (BAT). Các công ty BAT dự kiến sẽ có được sự tăng trưởng về doanh thu kỹ thuật số và điện thoại di động khi họ bắt đầu kiếm tiền từ những sản phẩm quảng cáo khác nhau của mình”. Cuối cùng ông Lương khuyến nghị: “Việc làm của Trung Quốc là gợi ý tốt cho chúng ta”.
Đồng tình với việc cần phải có một mạng xã hội của người Việt Nam, nhưng đại diện “Đất Việt” lại đề nghị: “Mạng Việt Nam cần phải lợi dụng Facebook để cùng nhau tồn tại. Ví dụ một sản phẩm nội dung số chúng ta chỉ đưa lên facebook một đoạn ngắn để lôi kéo người xem và nếu muốn xem toàn bộ thì người xem phải “nháy” vào đường link để truy cập vào “Facebook Việt Nam”.
Tuy nhiên cũng có ý kiến hoài nghi về một mạng xã hội của người Việt Nam. Có người ví von: “Yêu cầu giới công nghệ Việt Nam làm một “facebook Việt Nam” không khác gì yêu cầu ngành ô tô nước nhà sản xuất một chiếc xe hơi đẹp hơn, tốt hơn Mercedes, nhưng giá lại rẻ hơn”. Hoài nghi này cũng là điều dề hiểu, bởi đã có không ít mạng xã hội như Tamtay, Banbe.net, KunKun, Go.vn… từng được ầm ĩ một thời, nay đã không còn ai nhắc tới nữa.
Tuy nhiên, sự thành công của mạng tìm kiếm Cốc cốc (coccoc.com) hay Zalo cho thấy việc người Việt Nam xây dựng một mạng xã hội cho người Việt Nam không phải chỉ là giấc mơ xa vời!