Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa cấp bằng xác lập kỷ lục cho ông Nguyễn Trường, là “Người đầu tiên chế tác nên cây đàn Violon Tre”, dự kiến lễ công bố kỷ lục sẽ được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, trong tháng 4/2021.
Liên minh Kỷ lục Thế giới-Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam đánh giá “Violon Tre là nhạc cụ độc đáo, lấy cảm hứng từ đàn Violon của phương Tây kết hợp với nguyên liệu tre truyền thống của Việt Nam”.
Tuổi ngoài sáu mươi, nhạc sĩ Nguyễn Trường đã dành phần lớn đời mình cho nhạc cụ dân gian. |
Trong suốt 37 năm là nhạc công Đoàn Ca múa Đăk Lăk, giảng viên chuyên ngành Violin, Trưởng phòng Đào tạo trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk, Nguyễn Trường đã cải tiến và chế tác nhiều loại nhạc cụ tre nứa. Đem lại nhiều niềm vui nhất cho ông tới lúc này, là cây đàn độc lạ vừa được xác nhận kỷ lục.
VioKram Nguyễn Trường phiêu với ghita ca sĩ Y Moan Hmok |
Nguyễn Trường cho biết: Từ tình yêu với chất liệu tre nứa, từ cuối năm 2019 ông đã nghiên cứu hoàn tất việc “Tây Nguyên hóa” cây đànViolin/Violon, là loại nhạc cụ ông đã theo học suốt 9 năm ở Học viện Âm nhạc Huế. Ông chế tác thành công những cây đàn Violin bằng tre, ghép 2 thành tố Violin và Kram-tiếng Ê đê nghĩa là tre, thành tên gọi cho cây đàn lạ mắt VioKram.
Mảng tường treo kín nhạc cụ tre nứa tự chế tác của NS Nguyễn Trường |
So với tiếng đàn Violin làm bằng gỗ sồi, tiếng VioKram đậm chất mộc từ ống tre đem tới cảm giác sống động, quyến rũ của âm thanh đại ngàn. Viokram có thể độc tấu, hòa tấu với độ ngân rung kéo dài, kỹ thuật tremolo êm ngọt réo rắt hơn các loại đàn tre khác. Chất liệu dễ kiếm, giá thành rẻ hơn hẳn so với những chiếc Violin nhập khẩu, những chiếc VioKram dễ dàng trở nên gần gũi với đồng bào bản địa, và bổ sung cho dàn nhạc dân gian Tây Nguyên thêm một loại nhạc cụ bằng tre rất dễ hòa âm.
Chơi được nhiều loại nhạc cụ giúp NS Nguyễn Trường so sánh được đâu là điểm yếu-mạnh của từng cây đàn trên sân khấu |
Nguyễn Trường cho biết: Chế tác Viokram phải canh chỉnh tỉ mỉ từng vị trí đục đẽo, chuẩn xác tới từng ly. Chệnh đi dù chỉ một phần mười milimet, đàn cũng bị ... câm. Ông tìm thân tre vừa đủ độ bánh tẻ trong những bụi tre gai mọc ven suối, cưa mắt ráp làm thân đàn. Đoạn cật tre già làm cần đàn phải chắc khỏe, chịu được trọng lực của 4 sợi dây đàn với lực kéo tổng cộng tương đương 120kg. Đầu mỗi cần đàn được ốp nửa quả bầu tí hon, trang trí thêm đậm chất núi rừng.
Hình dáng ngộ nghĩnh, lạ mắt của những cây đàn VioKram |
Nghệ sĩ ưu tú Quang Dũng-người từng là “Ngón ghita vàng” của Đoàn ca múa Đắk Lắk cho rằng đưa Violin vào dàn nhạc cụ tre đá để hoà tấu, sẽ giúp dàn nhạc có thêm độ ngân rung theo kiểu của đàn dây, mà những nhạc cụ tre khác không có.
Nhạc ngoại ư? VioKram cũng đệm tốt ! |
Nhạc sĩ, NSƯT Y Phon Ksor thích thú nhận xét VioKram là một “hiện tượng”, với âm sắc hòa quyện giữa các loại nhạc cụ truyền thống Tây Nguyên như Kni, Bro, đàn Goong. Chất mộc rất giá trị trong tiếng Viokram có thể nức nở như tiếng khóc của người mẹ, hoặc thủ thỉ trầm ấm như lời cha kể Khan.
VioKram góc sân nhà, niềm vui 8/3 cho vợ và bạn bè nhạc sĩ |
So với Violin, hình dáng VioKram khác hẳn, nhưng thanh âm gần tương đương. Tiếng VioKram mộc ấm, bổ sung được âm hưởng ngân rung dìu dặt của loại đàn dây cho dàn nhạc tre nứa.
Chỉ 1 cây VioKram đã đủ đệm sôi động cho cả nhóm ca sĩ trẻ |
Với cây đàn tre ngộ nghĩnh này, trong đêm nhạc “Sô diễn cuộc đời” do HTV7 Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, nhạc sĩ Nguyễn Trường đã thoải mái kéo đệm cho nhiều ca sĩ, từ hát dân ca, nhạc cổ truyền, tới những ca khúc Âu-Mỹ sôi động cho các ca sĩ trẻ.