Vụ quả địa cầu “hô biến” các tỉnh biên giới: Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine nói gì?

VietTimes -- Trao đổi với VietTimes, bà Kiều Hà Liên - Tham tán, phòng Chính trị - Đối ngoại của ĐSQ Việt Nam tại Ukraine khẳng định: "ĐSQ Việt Nam đã biết sự việc và đã làm việc với các bên liên quan ở Ukraine. Tuy nhiên, việc thu hồi là rất khó khăn".

Về quả địa cầu "hô biến" một số vùng lãnh thổ của Việt Nam được bày bán tại một số cửa hàng thiết bị, đồ dùng dạy học ở Kiev (Ukraine), rất nhiều độc giả đã kết nối trực tuyến với tòa soạn, bày tỏ băn khoăn về trách nhiệm của ĐSQ Việt Nam tại Ukraine trong việc xử lý, tránh những bất lợi về chủ quyền lãnh thổ về lâu dài. Trả lời VietTimes qua điện thoại, bà Kiều Hà Liên cho biết đã nắm được thông tin, ĐSQ Việt Nam đã làm việc với Bộ Ngoại giao của Ukraine cũng như chính quyền của tỉnh Lvov (nằm ở phía tây Ukraine – PV), là nơi có nhà máy sản xuất quả cầu này. 

Bà Kiều Hà Liên - Tham tán, phòng Chính trị - Đối ngoại ĐSQ Việt Nam tại Ukraine.
 Bà Kiều Hà Liên - Tham tán, phòng Chính trị - Đối ngoại ĐSQ Việt Nam tại Ukraine.

Bà Kiều Hà Liên giải thích, quả cầu này là giáo cụ trực quan, nên chỉ có ý nghĩa là mô phỏng, chứ không ghi chi tiết các tỉnh của một đất nước. Và trên quả địa cầu này, bản đồ của tất cả các nước, ngay như Đức hay các nước châu Á như Brunei, Thái Lan, Campuchia,… đều thể hiện dưới dạng mô phỏng chứ không phải là kích thước chính xác. Những giáo cụ trực quan này chủ yếu để cho các cháu học sinh biết sơ sơ về vị trí các quốc gia, đâu là kinh tuyến, đâu là vĩ tuyến, đâu là đường xích đạo và có mấy châu lục, mấy lục địa. Cũng vì thế, quả địa cầu này còn thiếu rất nhiều địa điểm khác nữa trên thế giới.

“Chúng tôi (ĐSQ Việt Nam tại Ukraine – PV) đã làm việc với các cơ quan chính quyền ở đây. Họ đã xác nhận tất cả các quả cầu đó làm dưới dạng mô phỏng nên nó không chính xác đối với hình dạng, tôi nhấn mạnh, của rất nhiều nước chứ không phải chỉ có Việt Nam, tức là nó chỉ là hình dạng mô phỏng chứ không phải bản đồ có kích thước, có tỷ lệ nên có những điểm thiếu chính xác”, bà Liên nói.

Đề cập đến việc thu hồi các sản phẩm lỗi và các bước thông báo, đính chính trên truyền thông để người dùng nắm được thông tin, đại diện ĐSQ Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với chính quyền, cũng như cơ quan đại diện đã làm việc với nhà máy. Trong những lần sản xuất tới, họ đã cam kết sẽ tái bản phiên bản chính xác hơn".

Tham tán Chính trị ĐSQ Việt Nam tại Ukraine cũng cho biết việc thu hồi quả cầu là rất khó bởi nó liên quan đến vấn đề tài chính.

Về những lo ngại quả địa cầu này có thể làm sai lệch kiến thức của các học sinh đối với bản đồ Việt Nam, bà Kiều Hà Liên cho rằng khi học về một đất nước, giáo viên không sử dụng quả địa cầu, mà sẽ giảng dạy trên bản đồ: “Giảng dạy về đất nước Việt Nam có kích thước thế nào, chiều rộng, chiều dài, diện tích bao nhiêu, tiếp giáp với những nước nào, kéo dài từ đâu thì phải dùng bản đồ hành chính chứ không phải dùng quả cầu này. Đây chỉ là sai sót, thiếu chính xác trong khâu sản xuất và nhà máy đã cam kết rằng lần tái bản sau sẽ có những cải tiến tốt hơn”.

Trước đó, như VietTimes đưa tin, thời gian gần đây, thông tin về việc thị trường Ukraine có bán quả địa cầu "xén" mất phần Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Giang của Việt Nam đã khiến nhiều người sửng sốt. Hình ảnh quả địa cầu này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Nhiều người phát hiện ra rằng trên quả địa cầu này một số tỉnh phía Đông Bắc của Việt Nam bị in cùng màu với vùng lãnh thổ Trung Quốc. Cùng với đó, hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà Việt Nam khẳng định chủ quyền trên Biển Đông cũng không được hiển thị.

Hình ảnh bản đồ Việt Nam mất một số tỉnh phía Bắc, phía Nam, cũng như hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dấy lên mối bức xúc trong dư luận.
   Hình ảnh bản đồ Việt Nam mất một số tỉnh phía Bắc, phía Nam, cũng như hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dấy lên mối bức xúc trong dư luận.

Báo chí trong nước đưa tin quả địa cầu này xuất xứ từ Ukraine, được rao bán trên một trang web mua hàng trực tuyến của nước này. Công ty sản xuất và phân phối những quả địa cầu này có tên Globus Plus.

Trong phần giới thiệu về công ty, công ty này chuyên sản xuất, bán và phân phối sản phẩm văn phòng, thiết bị, đồ dùng và trang phục học sinh. Sau khi sự việc bị phát hiện, công ty này đã gỡ sản phẩm ra khỏi trang web bán hàng trực tuyến.

Tuy nhiên, ít ngày sau, khảo sát thực địa của cộng tác viên VietTimes tại Kiev cho thấy quả địa cầu in sai phần lãnh thổ của Việt Nam vẫn đang được bán rộng rãi tại rất nhiều của hàng dụng cụ, thiết bị học tập. Như vậy là các giáo viên, học sinh ở Ukraine đang sử dụng quả địa cầu này để phục vụ học tập.

Nhiều ý kiến đặt vấn đề về trách nhiệm của nhà sản xuất và ảnh hưởng của quả địa cầu với bản đồ Việt Nam sai lệch này tới hàng vạn học sinh và người dùng Ukraine. Một số chuyên gia cho rằng cần tổ chức thu hồi các sản phẩm đã được phân phối nhằm bảo vệ tính trung thực của lịch sử, phản ánh chính xác về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.