Vụ nhà hàng quán tạm hải sản xây không phép: Quận biết nhưng cho tồn tại?

VietTimes -- Liên quan đến tình trạng nhà hàng, quán tạm kinh doanh ăn uống hải sản dọc biển Sơn Trà (Đà Nẵng) xây dựng không phép, sáng 28/5, VietTimes đã có buổi làm việc với ông Hoàng Công Thanh - Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà về trách nhiệm của địa phương.
Theo ông Hoàng Công Thanh-Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, các trường hợp nhà hàng quán ăn xây dựng không phép này đã tồn tại từ lâu
Theo ông Hoàng Công Thanh-Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, các trường hợp nhà hàng quán ăn xây dựng không phép này đã tồn tại từ lâu

Quận biết, nhưng cho tồn tại?

Tại buổi làm việc, ông Hoàng Công Thanh cho biết, các trường hợp xây dựng nhà hàng này đã tồn tại từ lâu. “Quận Sơn Trà từng đề xuất Sở Xây dựng chỉ cho những hàng quán đảm bảo mỹ quan được tồn tại, với điều kiện cũng đảm bảo môi trường. Tuy nhiên, Sở Xây dựng họp nhiều lần và không đồng ý” - Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà thông tin.

Cũng theo ông Hoàng Công Thanh, vào thời điểm chuẩn bị cho APEC 2017, sau khi quận Sơn Trà báo cáo tình hình, UBND TP chủ trương cho các nhà hàng quán tạm được cải tạo, sửa chữa đảm bảo quy định về kiến trúc, mỹ quan, nhưng chưa kiểm tra  giấy phép. Vì vậy, khi Sở Xây dựng kiểm tra mới phát hiện các cơ sở này xây dựng không có giấy phép.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, các trường hợp xây dựng không phép là do tồn tại đã lâu. Trước đây, đó là những lô đất trống chứa rác, xà bần nhếch nhác. Để đảm bảo mỹ quan và môi trường, các phường khuyến khích các hộ kinh doanh liên hệ với chủ sở hữu các lô đất để kinh doanh, vừa đảm bảo môi trường, vừa có nguồn thu cho phường. Trong đợt kiểm tra chuẩn bị APEC 2017, UBND TP vẫn cho tồn tại và trên 90% đảm bảo quy định.

 "Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo Sở Xây dựng, phối hợp với Sở TNMT để kiểm tra, hướng dẫn các hộ này đảm bảo vệ sinh môi trường, đồng thời giao cho các phường kiểm tra, xử lý dứt điểm trong quý 3/2019. Nếu không, quận sẽ xử lý bằng việc yêu cầu các chủ cơ sở tháo dỡ và nếu các hộ không tự giác sẽ bị cưỡng chế và kinh phí do các cơ sở phải trả”- Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho hay.

Về trách nhiệm của quận khi để các nhà hàng quán tạm xây dựng và hoạt động không phép, sai phép trong thời gian dài, nhất là về mỹ quan, vệ sinh môi trường, xả thải, ảnh hưởng xấu đến môi trường biển du lịch, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết trước hết, trách nhiệm quản lý thuộc về các phường. Còn về trách nhiệm trong xử lý ô nhiễm môi trường, tác động từ xả thải từ các cơ sở xây dựng không phép và biện pháp xử lý khắc phục, ông Hoàng Công Thanh cho rằng đây là vấn đề vĩ mô, sẽ xin ý kiến Thường trực rồi mới trả lời.

Ông Hoàng Công Thanh - Phó chủ tịch UBND quận Sơn Trà tại buổi làm việc với VietTimes
Ông Hoàng Công Thanh - Phó chủ tịch UBND quận Sơn Trà tại buổi làm việc với VietTimes

Sở Xây dựng: Cương quyết tháo dỡ!

Trước đó, ngày 27/5, ông Thái Ngọc Trung - Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đã báo cáo với UBND TP về các công trình nhà hàng, quán tạm trên địa bàn. Rà soát ở quận Sơn Trà, Sở Xây dựng phát hiện 55 hàng quán tạm, trong đó 38 công trình có giấy phép xây dựng tạm (còn hạn sử dụng là 32 công trình, hết hạn sáu công trình), 17 công trình không có giấy phép xây dựng. 

Trước thực trạng này, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đề nghị các địa phương xử lý tháo dỡ các nhà hàng, quán tạm không có giấp phép xây dựng.; không cho phép gia hạn đối với các công trình nhà hàng, quán tạm khi hết thời hạn sử dụng, buộc chủ sử dụng hoàn trả mặt bằng nguyên trạng.

Sở Xây dựng cũng đề nghị các quận đề xuất việc sử dụng các khu đất trống và các khu đất có công trình nhà hàng, quán tạm sau khi hết hạn sử dụng đưa vào làm  bãi đỗ xe, khu vui chơi cho trẻ em…

Riêng với các nhà hàng quán tạm có giấy phép đang còn thời hạn, Sở Xây dựng yêu cầu các quận kiểm tra việc thực hiện theo đúng giấy phép, kiên quyết xử lý, buộc tháo dỡ đối với các trường hợp xây dựng sai phép; kiểm tra việc chấp hành bảo vệ môi trường. Đặc biệt lưu ý vấn đề thu gom và xử lý nước thải nhà hàng.

“Nếu không có bể xử lý, hoặc có bể nhưng nước thải đầu ra không đạt yêu cầu thì tạm dừng kinh doanh, bắt buộc chủ đầu tư xây dựng bể xử lý nước thải; việc cho phép tiếp tục kinh doanh sẽ được xem xét sau khi bể xử lý nước thải được nghiệm thu đạt yêu cầu”-ông Thái Ngọc Trung - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng nhấn mạnh.

 
Sở Xây dựng TP Đà Nẵng yêu cầu tháo dỡ đối với các nhà hàng, quán tạm xây dựng không có giấy phép, đồng thời siết chặt quản lý xả thải đối với các nhà hàng còn thời hạn hoạt động
Sở Xây dựng TP Đà Nẵng yêu cầu tháo dỡ đối với các nhà hàng, quán tạm xây dựng không có giấy phép, đồng thời siết chặt quản lý xả thải đối với các nhà hàng còn thời hạn hoạt động

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng đề nghị Sở TN&MT phối hợp UBND các quận rà soát lại quy trình thẩm duyệt cam kết bảo vệ môi trường đối với nhà hàng, quán tạm. Vì hiện nay chỉ yêu cầu xây dựng bể tách mỡ, rồi cho phép đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị, là chưa xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm của nước thải nhà hàng.

 

Ngày 28/5, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có ý kiến chỉ đạo liên quan đến việc xử lý loạt công trình nhà hàng, quán tạm ven biển.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giao Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện khẩn trương rà soát không cấp phép mới đối với công trình nhà hàng, quán tạm trên địa bàn thành phố; kiểm tra, thu hồi giấy phép đối với các công trình nhà hàng, quán tạm gây ô nhiễm nôi trường, mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, xây dựng không đúng giấy phép được cấp; 
không cho phép gia hạn đối với các công trình nhà hàng, quán khi hết giấy phép hoạt động tạm.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo cơ quan ban ngành nghiên cứu, đề xuất việc sử dụng các khu đất trống khi thu hồi giấy phép xây dựng tạm để làm bãi đỗ xe, công viên công cộng phục vụ nhân dân.