“Cá mập” Q.net
Để đánh giá về VTVcab, không thể không nhắc đến Q.net - đơn vị giữ bản quyền hơn 40 kênh truyền hình quốc tế hấp dẫn.
Thành lập năm 2004, Q.net là nhà phân phối các kênh truyền hình lớn nhất tại Việt Nam. Trong số hơn 70 kênh truyền hình quốc tế được nhà nước cấp phép, Q.net đã chiếm tới hơn 40 kênh, trong đó có một số kênh đặc sắc trong lĩnh vực thể thao, giải trí, thiếu nhi, tin tức, khoa học, giáo dục như Fox Sports, Fox Sports 2, HBO, Cinemax, RED by HBO, AXN, Disney Channel, Cartoon Network, Discovery, BBC…
Hơn 30 kênh còn lại thuộc về 9 đại lý phân phối, trong đó mỗi đại lý giữ bản quyền một vài kênh. Có thể kể đến các đại lý như BHD, Thảo Lê, Fox…
Tất cả các đơn vị truyền hình đều phải mua gói kênh do Q.net cung cấp nếu muốn những kênh sóng đặc sắc có mặt trên hệ thống truyền hình của mình. Tất nhiên Q.net cũng rất khôn khéo khi bán “bia kèm lạc”, tức là Q.net sẽ “nhồi” vào trong gói này cả những kênh nhạt nhẽo, tỷ lệ rating thấp. Thực chất thì trong số 40 kênh Q.net giữ bản quyền, thì chỉ có khoảng 10 kênh là có nội dung đặc sắc. Các “nhà đài” không có quyền mua lẻ kênh mà buộc phải trả tiền cho những kênh ít người xem.
Do là đại lý phân phối duy nhất nên Q.net giống như một con “cá mập” trong thị trường cung cấp kênh truyền hình. Họ có lợi thế trong việc đặt giá gói kênh và hầu như không thể thương lượng. Rất ít đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền dám “dứt tình” với Q.net, bởi làm như vậy chẳng khác gì “đùa với lửa”. Còn nhớ hồi năm 2011, công ty MyTv thuộc VASC đã bất ngờ cắt các kênh HBO, MAX, ESPN, StarSport, Discovery, FTV khiến các thuê bao của họ phẫn nộ. Tin đồn xung quanh việc này là do Q.net tăng giá gói kênh vì nhận thấy MyTV đã thu được một số tiền không nhỏ từ các thuê bao. Đứng trước sự phản đối cũng như nhiều thuê bao cắt hợp đồng, một thời gian sau đó MyTV đã cung cấp lại các kênh truyền hình này. Thế mới thấy tầm quan trọng của các kênh đặc sắc đối với sự sống còn của các công ty cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền là như thế nào!
Phá thế độc quyền?
Việc VTVcab bỗng nhiên thay thế 23 kênh truyền hình đặc sắc có thể được hiểu là đơn vị này đã không tiếp tục mua gói kênh của Q.net. Không chỉ có VTVcab, cả NextTv của Viettel cũng “nghỉ chơi” với Q.net đợt này. Phải chăng VTVcab và Viettel có ý định phá thế độc quyền của Q.net, hay còn vì một nguyên nhân nào khác?
Theo một nguồn tin chưa được kiểm chứng thì cuối năm 2017 Q.net đã được cấp phép chèn quảng cáo ngay từ khâu biên tập. Có nghĩa là Q.net vừa có thể bán kênh, vừa có thể bán quảng cáo. Các đài truyền hình và công ty cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền vốn sống nhờ quảng cáo, mà bây giờ quảng cáo lại bị chia sẻ cho Q.net thì nguồn thu sẽ trở nên ít ỏi hơn.
Trong những năm qua, các công ty cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền ngày càng gặp nhiều khó khăn. Năm 2016, K+ báo lỗ lũy kế 2.000 tỷ đồng và đơn vị này dự đoán lỗ tiếp 120 tỷ đồng năm 2017. VTC và Truyền hình An Viên thì cũng cầm chừng. VTVcab thì chưa báo lỗ, nhưng sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt và không loại trừ trong những năm tới giá gói kênh của Q.net còn tăng lên. VTVcab lại là một trong ba đơn vị có sự đầu tư lớn nhất vào hạ tầng và dịch vụ (cùng với K+ và SCTV – theo lời ông Lê Đình Cường, Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền VnPayTV) nên việc họ tìm hướng đi mới nhằm thoát khỏi “vòng kiềm tỏa” của Q.net không có gì là lạ. Cũng theo lời ông Lê Đình Cường thì việc VTVcab thay đổi kênh là “bất khả kháng”.
Nếu sau VTVcab và NextTV, các công ty khác cũng không mua gói kênh của Q.net thì nhiều khả năng Q.net sẽ phải “nhún”, và các kênh đặc sắc sẽ xuất hiện trở lại trên hệ thống truyền hình cáp của “nhà đài”.
Hiện nay, ngoại trừ VTVcab và NextTV của Viettel, thì Q.net còn đang bán gói kênh cho SCTV, K+, HanoiCab, VTC, MyTV, MobiTV, HTVC, FPT Play.
Có một “thuyết âm mưu” khác về việc VTVcab thay đổi các kênh: ngày 17/4 tới VTVcab sẽ IPO (lần đầu chào bán cổ phiếu ra công chúng). Việc có một báo cáo kinh doanh với doanh thu và lợi nhuận đầy hứa hẹn sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư trên sàn chứng khoán. Mua một gói kênh với mức giá rẻ từ đối tác ngoài Q.net sẽ là cách giúp VTVcab có doanh thu tốt. Tất nhiên, đây cũng chỉ là một giả thiết và và chúng tôi không hề có bất cứ một chứng cứ nào để chứng minh cho điều này.
Xét một cách công bằng, VTVcab vẫn là đơn vị đầu tư nhiều nhất cho dịch vụ truyền hình cáp, và các kênh chương trình của họ phong phú hơn các đơn vị khác. Những kênh mới thay thế có độ hấp dẫn riêng. Chẳng hạn như kênh Hollywood Classic toàn chiếu phim kinh điển, còn kênh Waku Waku thì chuyên phim tài liệu về văn hóa và ẩm thực Nhật Bản - một nguồn tư liệu đã được Việt hóa mà chưa chắc bạn đã tìm thấy trên Internet. Cái thiếu sót (hay cái dại dột?) của VTVcab là họ đã không thông báo rộng rãi cho khách hàng về sự thay đổi này.
Không phải khách hàng nào của VTVcab cũng phản đối việc đổi kênh. Có những ý kiến ủng hộ đã được đăng tải trên Facebook.
Tất nhiên, quyền chọn lựa cuối cùng vẫn là ở người dùng. Nếu họ thấy món ăn “vừa miệng”, họ sẽ tiếp tục “dùng bữa”. Ngược lại, nếu không thấy hài lòng, người dùng hoàn toàn có quyền đổi sang đơn vị cung cấp khác. Và như lời ông Bùi Huy Năm, Tổng giám đốc VTVcab đã nói: “Nhà cung cấp dịch vụ không bao giờ mang lại dịch vụ không hoàn thiện. Nếu như thế họ sẽ đánh mất khách hàng”.