Vốn vay từ Trung Quốc: Việt Nam đã nhận nhiều rủi ro!

Những yếu kém của phía Trung Quốc, Việt Nam không phải không biết nhưng cái chính vẫn là những yếu kém về phía Việt Nam.
Vốn vay từ Trung Quốc: Việt Nam đã nhận nhiều rủi ro!

PV: - Nhiều dự án lớn của Việt Nam đang thiệt đủ đường vì vốn vay Trung Quốc, thậm chí có chuyên gia nói rằng Việt Nam đã 'sập bẫy'. Đơn cử như dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông từng xảy ra sự cố mất an toàn nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản, chậm tiến độ, đội vốn... Hay dự án bô xít Tây Nguyên đang vấp phải nhiều nghi ngại càng làm càng thua lỗ nặng. Những điều này đã được lường tới khi Việt Nam nhận vốn vay của Trung Quốc hay chưa thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Thực ra Việt Nam không lạ gì kỹ thuật, công nghệ Trung Quốc, chúng đều là hạng trung bình trở xuống. Trung Quốc làm được nhiều sản phẩm nhưng trình độ công nghệ chưa cao, kể cả công nghệ xây dựng. Cái đó Việt Nam đều biết trước. Nhưng hiện nay Trung Quốc có thế mạnh là họ sẵn tiền, mà cái yếu nhất của Việt Nam lại là thiếu tiền.

Vốn vay không chỉ đến từ Trung Quốc mà còn từ Nhật Bản, ADB, Pháp..., Trung Quốc chỉ góp một phần, nhưng trong đấu thầu Trung Quốc thường thắng thầu. Điều này có thể lý giải: Trong điều kiện Việt Nam triển khai dự án nhưng tiền chưa có, nhà thầu phải ứng tiền ra làm, nhà nước dù có ODA nhưng chưa làm xong các thủ tục để giải ngân nên trả sau.

Còn nhà thầu Trung Quốc có mấy ưu thế: bỏ giá rẻ, có năng lực tài chính mạnh để có thể ứng trước tiền để làm. Thắng thầu rồi họ chỉ làm một phần rồi bán thầu.

Trung Quốc được lợi là không phải điều người sang làm nhiều mà lại được bán thầu với giá rẻ hơn để nhà thầu Việt Nam làm, họ ăn giá chênh lệch. Trung Quốc bán được vật tư, nguyên liệu, từ "chổi cùn, rế rách", sắt thép... đều mang sang bán cho dự án, vậy là họ ăn lần 2.

Khi làm thì nhà thầu Trung Quốc kéo dài tiến độ bởi họ biết quản lý kinh tế VN yếu kém toàn diện. Họ lấy cớ giải tỏa đền bù chậm, chậm triển khai cái nọ cái kia, lấy cớ kéo dài dự án, mà nguyên tắc là phải tính lại giá, lại nâng giá.

Vậy là họ bỏ thầu thấp nhưng cuối cùng được thanh toán giá thầu rất cao. Như đường sắt Cát Linh-Hà Đông đội vốn đến hơn 60%. Tức là bỏ thầu thấp để được thầu nhưng quá trình làm kéo dài phát sinh nọ, phát sinh kia. Họ biết rõ Việt Nam quản lý yếu, dễ đút lót để ký, nâng giá lên.

Những yếu kém của phía Trung Quốc, Việt Nam không phải không biết và đều được giải thích rằng Việt Nam không có tiền, nhà thầu Việt Nam chưa đủ năng lực nên cho nhà thầu Trung Quốc sang... Nhưng cái chính vẫn là những yếu kém về phía Việt Nam: luật lệ không rõ ràng, cán bộ yếu kém về năng lực quản lý và đạo đức, tham nhũng.

PV: - Bản chất ODA không phải là "tiền chùa" như nhiều người vẫn cố ý hiểu lầm mà là sự ràng buộc vay nợ đi kèm nhiều rủi ro. Đối với nguồn tiền Trung Quốc, vấn đề phải được hiểu thêm ra sao?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Đúng vậy! ODA là cho vay với lãi suất thấp chứ không phải cho không. Khi nhận ODA, trước mắt nước được vay sẽ có tiền để triển khai dự án, nhìn thì có vẻ tốt và những người lãnh đạo có thể khoe thành tích làm được dự án nọ kia nhưng hậu quả để lại rất lớn và lâu dài vì thời gian trả nợ có thể kéo dài 30, 40 năm. Nó để lại một công trình chất lượng kém, một món nợ kếch xù mà 30-40 năm mới trả hết.

Các nước rất cảnh giác khi nhận ODA, họ phải tính toán thiệt hơn, thật tốt mới nhận, còn ở Việt Nam tràn lan, địa phương, bộ ngành nào cũng đề nghị, cũng nhận cả.

ODA từ bất cứ nước nào cũng là cho vay tiền với giá rẻ kèm theo điều kiện, không có chuyện nước nhận ODA muốn dùng thế nào thì dùng. Phải làm theo ý đồ của nước cho vay, đấu thầu thì họ chi phối, vật tư, máy móc cũng phải do nước cấp ODA bán. Mất cái nọ phải được cái kia.

Nước tài trợ các dự án ODA mất lãi suất thị trường, lãi suất tự do thì phải lấy lại bằng cách xuất khẩu máy móc, nguyên vật liệu, thiết bị phụ tùng, nhận làm chủ thầu... Có rất nhiều điều kiện để họ lấy lại, không ai không chịu mất gì cả.

Khi tôi làm ở Lào, một lãnh đạo của nước này nói: cho vay vốn ODA, nước tài trợ lấy lại đến 70%, còn nước tiếp nhận chỉ được 30%. Những quản trị cao cấp là của họ, máy móc, thiết bị họ bán, còn nước nhận ODA giỏi lắm được chỉ đưa được mấy công nhân phổ thông vào làm mấy động tác giản đơn, lương thấp.

Đối với những nước phát triển, ODA của họ bao giờ cũng "tử tế" hơn bởi những quy tắc về minh bạch, công khai, chống tham nhũng cao hơn nên chống được tiêu cực. Còn Trung Quốc thực dụng và trí trá hơn nên họ kiếm được nhiều hơn.

Nhưng như tôi đã nói ở trên, nguyên nhân chính vẫn là từ phía Việt Nam. Việt Nam chạy đua lấy ODA, lãnh đạo địa phương, bộ, ngành nào cũng muốn có thành tích lôi kéo được dự án ODA về.

PV: - Xét riêng trong bối cảnh Việt Nam, những rủi ro từ vốn vay của Trung Quốc là gì khi Trung Quốc trúng tới 90% dự án tổng thầu EPC tại Việt Nam và dù Trung Quốc không phải là nước thuộc nhóm cung cấp vốn vay lớn nhất cho Việt Nam nhưng lại nắm nhiều dự án ở vị trí trọng yếu?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Trung Quốc để lại nhiều rủi ro. Họ từng trúng thầu dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè với giá cực thấp để rồi sau đó khiến dự án rơi vào cảnh chậm trễ kéo dài, đội vốn. Sau đó Ngân hàng Thế giới phải bổ sung vốn, chọn nhà thầu mới mới thực hiện xong.

Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông là một điển hình của việc sử dụng ODA từ Trung Quốc: người chết, đội vốn, thi công ì ạch hay dự án bô xít Tây Nguyên cũng bị cho là hiệu quả thấp.

PV: - Việt Nam đã nếm nhiều trái đắng vốn vay Trung Quốc, vậy bài học cần rút ra là gì và phải được điều chỉnh ra sao?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Tôi nghĩ để trả lời câu hỏi này là việc của các lãnh đạo, còn các nhà khoa học đã nói hết hậu quả rồi: công nghệ lạc hậu, huỷ hoại môi trường, giá cao vô lý.

PV: - Nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc đã được đặt ra từ lâu. Nếu không nghiêm túc nhìn nhận nó và điều chỉnh, hậu quả sẽ thế nào, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Đã có cảnh báo từ các nhà khoa học, giới chuyên gia nhưng những nhà quản lý, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương đến cấp cao hơn có nghe không và nỗ lực không thì tôi e rằng chưa thấy nỗ lực nào.

Hậu quả của việc này cực kỳ lớn: nợ nần tăng dần, môi trường bị huỷ hoại, khoa học công nghệ lạc hậu và nguy cơ Việt Nam tụt hậu, kinh tế giảm đà phát triển. Viễn cảnh ấy đã rõ, lãnh đạo không sửa thì dân cũng đành chịu.

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng:

Vốn vay Trung Quốc khi đã cho vay bao giờ cũng kèm theo điều kiện: phải dùng tư vấn nhà thầu, công nghệ, máy móc của họ. Điều này không phải lý tưởng gì nhưng chúng cũng tương tự như ODA đến từ các nước khác mà thôi.

Đối với ODA từ Trung Quốc, tôi cho rằng khi đã viện trợ cho Việt Nam họ cũng muốn giữ uy tín quốc gia, chứ những dự án như đường sắt Cát Linh-Hà Đông rất mang tiếng.

Vấn đề là ở chỗ: ban quản lý Việt Nam không có tính chuyên nghiệp, không am hiểu chuyên môn, đơn vị tư vấn lập báo cáo tiền khả thi, khả thi có nhiều cái không hình dung hết. Còn nhà thầu Trung Quốc bỏ giá quá thấp để trúng thầu, đến lúc ký với các nhà thầu phụ Việt Nam thì phải đúng giá người ta mới chịu làm, thế nên mới chậm tiến độ dẫn tới đội vốn. Sau đó thì nhà thầu Trung Quốc lại đổ tội cho giải phóng mặt bằng chậm nhưng thực ra không phải chỗ nào cũng vướng.

Vốn ODA nhìn tưởng rẻ mà hoá đắt. Tôi biết một số nơi ở Việt Nam đã từ chối ODA vì thấy đắt quá, có dự án người ta làm chỉ bằng một nửa vốn ODA.

Theo Đất Việt