Vợ con không hề biết bị ông Trần Phương Bình lấy tên mua khống cổ phần Dong A Bank

VietTimes – Đây là một trong những chi tiết đáng chú ý được nêu trong Bản Kết luận điều tra bổ sung Vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank).
Cựu Tổng Giám đốc Dong A Bank trong lần viết tâm thư xin lỗi người thân và khách hàng vào năm 2015. (Ảnh: Internet)
Cựu Tổng Giám đốc Dong A Bank trong lần viết tâm thư xin lỗi người thân và khách hàng vào năm 2015. (Ảnh: Internet)

Theo kết luận, bị can Trần Phương Bình (Nguyên Tổng Giám đốc Dong A Bank) khai rằng, để có tiền mua cổ phần tăng vốn Dong A Bank (DAB) vào năm 2007, Trần Phương Bình đã chỉ đạo Nguyễn Đức Vinh (Trưởng phòng Ngân quỹ, kiêm Thủ quỹ DAB) lập chứng từ thu khống 374,5 tỷ đồng (làm tròn) để Trần Phương Bình mua tổng số 5,4 triệu cổ phần DAB (làm tròn) đứng tên Trần Phương Bình, Cao Thị Ngọc Dung, Cao Ngọc Liên, Trần Phương Ngọc Thảo và Trần Phương Ngọc Giao.

“Những người này không biết Trần Phương Bình sử dụng nguồn tiền nào để mua cổ phần DAB”, nguyên CEO Dong A Bank khai.

Trong đó, Trần Phương Bình ký thay hai con gái - là Trần Phương Ngọc Thảo và Trần Phương Ngọc Giao - tại 02 chứng từ nộp khống tổng số 142,3 tỷ đồng để mua cổ phần DAB.

Ngày 25/12/2007, Cao Thị Ngọc Dung cũng đứng tên mua 0,2 triệu cổ phần DAB với giá 12 tỷ đồng. Trần Phương Bình chỉ đạo Nguyễn Đức Vinh lập Bảng kê kiêm phiếu thu ngày 25/12/2007 thu khống 12 tỷ đồng của Cao Thị Ngọc Dung.

Kết luận trích lời khai của bà Cao Thị Ngọc Dung (vợ bị can Trần Phương Bình) khẳng định: Trần Phương Bình tự ý lấy tên Cao Thị Ngọc Dung, bố (Cao Ngọc Liên) và các con (Trần Phương Ngọc Thảo và Trần Phương Ngọc Giao) đứng tên mua 3,1 triệu cổ phần DAB vào năm 2007. “Cao Thị Ngọc Dung, Cao Ngọc Liên, Trần Phương Ngọc Thảo và Trần Phương Ngọc Giao không biết Trần Phương Bình sử dụng nguồn tiền nào để mua cổ phần DAB, không ký chứng từ nộp tiền” – bà Dung khai.

Vậy ai là người đã ký chứng từ?

Theo kết luận điều tra bổ sung, Nguyễn Thị Mỹ Linh (nguyên Chánh Văn phòng HĐQT DAB) khai rằng đã ký thay Trần Phương Bình, Cao Ngọc Liên và Cao Thị Ngọc Dung tại mục Người nộp tiền của 03 chứng từ nộp tổng số 83,7 tỷ đồng để Trần Phương Bình, Cao Ngọc Liên và Cao Ngọc Dung mua 1,4 triệu cổ phần DAB. Nguyễn Thị Mỹ Linh được Trần Phương Bình giải thích đã chuẩn bị sẵn tiền để ở kho quỹ, nhờ Nguyễn Thị Mỹ Linh xuống phòng ngân quỹ gặp Nguyễn Đức Vinh để ký chứng từ hộ.

Ngoài ra, Phạm Văn Tân (nguyên Trợ lý của Trần Phương Bình) và Đỗ Văn Hiếu (Trưởng phòng Hành chính DAB) cũng khai được Trần Phương Bình nhờ đứng tên sở hữu cổ phần DAB, dù cả hai cùng khẳng định không biết “sếp” của mình sử dụng nguồn tiền nào để mua số cổ phần này. Trong đó, Tân đứng tên 0,7 triệu cổ phần DAB; Còn Hiếu đứng tên 0,9 triệu cổ phần DAB.

Ông Trần Phương Bình và người thân (Ảnh: Internet)
Ông Trần Phương Bình và người thân (Ảnh: Internet) 

Cuối năm 2007, Trần Phương Bình chỉ đạo Nguyễn Đức Vinh xuất quỹ chi 23.252 lượng vàng (không lập chứng từ) phối hợp với Phòng Kinh doanh DAB bán cho các Hiệu vàng tại TP Hồ Chí Minh đề bù đắp âm quỹ 374,5 tỷ đồng.

Sau khi mua số cổ phần trên, Trần Phương Bình đã chuyển nhượng 0,9 triệu cổ phần đứng tên Phạm Văn Tân cho Tổng Công ty CP Bảo hiểm Dầu khí, Công ty CP Quê Hương và Nguyễn Hồng Ánh (Trần Phương Bình không nhớ sử dụng tiền bán số cổ phần này vào việc gì); 3,6 triệu cổ phần DAB đứng tên Cao Ngọc Liên cho Công ty TNHH Ninh Thịnh và 0,9 triệu cổ phần DAB đứng tên Đỗ Văn Hiếu cho CTCP Sơn Trà Điện Ngọc (không thanh toán vì Công ty TNHH Ninh Thịnh và CTCP Sơn Trà Điện Ngọc là “công ty sân sau” của Trần Phương Bình).

Theo lời khai của ông Bình, sau khi Công ty TNHH Ninh Thịnh và CTCP Sơn Trà Điện Ngọc mua số cổ phần DAB nêu trên, kết hợp với số cổ phần mua được từ những nguồn khác, năm 2014 Công ty CP Sơn Trà Điện Ngọc bán 16,3 triệu cổ phần DAB và Công ty TNHH Ninh Thịnh bán 15,3 triệu cổ phần DAB cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79.

Căn cứ tài liệu điều tra đã thu thập được, cơ quan điều tra kết luận: Với vai trò là Tổng Giám đốc DAB, Trần Phương Bình đã có hành vi tổ chức, chỉ đạo Nguyễn Đức Vinh xuất quỹ chi sai nguyên tắc 374,5 tỷ đồng đề Trần Phương Bình mua 5,4 triệu cổ phần DAB đứng tên Trần Phương Bình và người thân, gồm: Cao Thị Ngọc Dung, Cao Ngọc Liên, Trần Phương Ngọc Thảo, Trần Phương Ngọc Giao, Phạm Văn Tân và Đỗ Văn Hiếu. Sau đó, Trần Phương Bình chỉ đạo Nguyễn Đức Vinh xuất quỹ sai nguyên tắc 23.252 lượng vàng để bán lấy tiền bù âm quỹ 374,5 tỷ đồng nêu trên.

“Hành vi nêu trên của Trần Phương Bình chiếm đoạt 374,5 tỷ đồng của DAB, phạm vào tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 355 BLHS năm 2015”, cơ quan điều tra kết luận.

Còn hành vị của Nguyễn Đức Vinh được kết luận phạm vào tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999.

Đối với Cao Thị Ngọc Dung, Cao Ngọc Liên, Trần Phương Ngọc Thảo và Trần Phương Ngọc Giao, cơ quan điều tra kết luận: Đây là những người thân của Trần Phương Bình, đứng tên sở hữu cổ phần DAB do Trần Phương Bình mua, không biết Trần Phương Bình sử dụng nguồn tiền nào để mua, không ký chứng từ nộp tiền khống. Do vậy, không có căn cứ để xem xét hình sự đối với Cao Thị Ngọc Dung, Cao Ngọc Liên, Trần Phương Ngọc Thảo và Trần Phương Ngọc Giao về hành vi nêu trên./.