Hóa đơn mà GBAF gửi đến một ngân hàng Việt.
Phía trên là hình ảnh scan của một hóa đơn (invoice) mà Tạp chí Global Banking & Finance review (GBAF) gửi tới một ngân hàng lớn, có trụ sở tại Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Hóa đơn xuất ngày 05/06/2016, đến hạn thanh toán vào ngày 15/06/2016, tổng giá trị thanh toán là 10.000 USD, nội dung thanh toán là Gói truyền thông như thỏa thuận/như đề xuất (Media Coverage as proposed).
Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu trước thời điểm xuất hóa đơn, bên thụ hưởng không nhận được một giải thưởng với cái tên rất hoành tráng mà GBAF trao tặng: “Ngân hàng… tốt nhất Việt Nam năm 2016”.
Phía ngân hàng – vừa là bên nhận giải và cũng đồng thời là bên thanh toán hóa đơn – đã mở hẳn một chiến dịch truyền thông rộng rãi cho giải thưởng trên.
Trong chiến dịch này, họ gọi Global Bankking & Finance review là Tạp chí tài chính ngân hàng uy tín hàng đầu trên thế giới.
Song sự thực có phải hoàn toàn là như vậy?
Tạp chí tài chính ngân hàng uy tín hàng đầu trên thế giới?
Dữ liệu thống kê của SimilarWeb cho thấy, Tạp chí Global Banking & Finance review (GBAF) (domain name: globalbankingandfinance.com), chỉ đạt lượng truy cập rất hạn chế.
Cụ thể, tính trung bình 6 tháng gần nhất là 27.500 lượt/tháng, tức là chưa đến 1.000 lượt/ngày; Thời gian lưu trang là 48 giây; Global rank là 935.491, còn Category Rank (Finance) là 18.447.
Đáng chú ý, nhiều ngân hàng giới thiệu Global Banking & Finance review là tạp chí uy tín thế giới của Anh Quốc nhưng khá bất ngờ là bạn đọc chủ yếu của site này lại đến từ… Ấn Độ.
Tương tự GBAF, tạp chí Asia Banking & Finance (ABF) cũng là tổ chức đã vinh danh nhiều ngân hàng Việt. Và dĩ nhiên, trong các thông cáo phát đi, các ngân hàng cũng gọi ABF là Tạp chí tài chính ngân hàng uy tín hàng đầu trên thế giới.
Song lượng truy cập và độ phổ biến của tạp chí này trên internet (domain name: asianbankingandfinance.net) cũng chẳng khá hơn GBAF là mấy.
Được biết, đơn vị lập ra ABF là công ty truyền thông Chalton Media, địa chỉ ở 15B Stanley St. (Singapore).
Theo thống kê của SimilarWeb, tính trung bình 6 tháng gần nhất, lượt truy cập của ABF là 8.900 lượt/tháng; Thời gian lưu trang là 58 giây; Global rank là 2,095,293, còn Category Rank (Banking) là 7.834.
Để đánh giá “tầm” của hai tạp chí vừa nêu, chúng ta có thể so sánh dữ liệu truy cập của chúng với website của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (domain name: vietinbank.com.vn) – cũng chính là một nhà băng vừa được GBAF trao giải (chứ chưa cần so sánh với dữ liệu của các tờ báo tài chính hàng đầu Việt Nam).
Tính trong 6 tháng gần nhất, lượng truy cập trung bình vào vietinbank.com.vn là 2,6 triệu lượt/tháng; thời gian lưu trang là 4,47 phút; Pages per visit là 5.92; Global Rank là 13.473. Tức là vượt trội rất nhiều so với hai tạp chí ABF và GBAF.
Như đã nói, họ vẫn gọi ABF và GBAF là…. “Tạp chí tài chính ngân hàng uy tín hàng đầu trên thế giới”.
Trên thực tế, nhiều ngân hàng ở Việt Nam đang "trưng" các giải thưởng từ BAF và GBAF như một niềm tự hào lớn. Không ít ngân hàng, thậm chí, còn dán kín mặt tiền hội sở và phòng giao dịch bằng các hình ảnh hình ảnh chói lọi về giải thưởng.
Nhà băng Việt Nam gần đây nhất được vinh dự nhận giải thưởng của ABF là Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB).
“SHB vừa trở thành Ngân hàng Việt Nam duy nhất được Tạp chí The Asian Banking & Finance (ABF) bình chọn và trao giải “Ngân hàng tài trợ Dự án tốt nhất Việt Nam” và “Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam” năm 2016”, SHB cho biết trong thông cáo báo chí vừa được phát đi vào chiều 28/7.
Như vậy, thì chỉ tính riêng trong tháng 7/2016, ngân hàng này đã nhận tới 3 giải thưởng uy tín, tính cả lần được Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã bình chọn SHB là 1 trong 10 NHTM uy tín nhất Việt Nam 2016.
Trước đó, hạ tuần tháng 4/2016, SHB cũng thông báo, vừa được Global Banking and Finance Review - Tạp chí hàng đầu về tài chính ngân hàng có uy tín của Anh bình chọn là “Ngân hàng có dịch vụ tiền gửi tốt nhất” và “Ngân hàng có dịch vụ Internet Banking tốt nhất” Việt Nam năm 2016.
“Ngoài Tạp chí ABF, SHB đã nhiều lần được các Tạp chí uy tín thế giới khác trao tặng các danh hiệu ở hạng mục SME như Alpha Southeast Asia; Global Banking & Finance Review,…” – SHB nhấn mạnh.
“Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam năm 2016”
Tìm hiểu nhanh thì thấy đã có tới 2 ngân hàng khác nhau được xướng danh là “Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam năm 2016” và thêm một ngân hàng nữa với danh vị nhang nhác - “Ngân hàng phát triển bán lẻ tốt nhất Việt Nam 2016”.
“Theo kết quả bình chọn của Global Banking And Finance Review - tạp chí tài chính ngân hàng uy tín hàng đầu thế giới, VietinBank được vinh danh là Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam năm 2016”, trích thông cáo báo chí của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam vào cuối tháng 5/2016.
"Vào ngày 16/03/2016 vừa qua, giải thưởng “Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam 2016” do tạp chí uy tín hàng đầu khu vực The Asian Banker đã được trao tặng cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đánh dấu năm thứ hai liên tiếp BIDV đón nhận giải thưởng danh giá này. Giải thưởng một lần nữa khẳng định vị thế, năng lực và uy tín của BIDV trên bản đồ tài chính Việt Nam hiện nay”, BIDV cũng cho biết mình là “Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam 2016”.
Còn website của ABBank thì cho hay: “Ngày 04/05/2016, tại London – Vương quốc Anh, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) đã vinh dự nhận giải thưởng Ngân hàng phát triển bán lẻ tốt nhất Việt Nam năm 2016 do một trong những tạp chí tài chính ngân hàng uy tín hàng đầu trên thế giới - Global Banking And Finance Review bình chọn. Đây là một trong những giải thưởng danh giá của Tạp chí dành cho các doanh nghiệp nổi bật và xuất sắc trong lĩnh vực tài chính trên toàn Thế giới trong từng năm.”
Có lẽ chỉ có các ngân hàng nhận giải mới biết được, rằng hội đồng giảm khảo của Global Banking And Finance Review hay The Asian Banker đã khảo sát ra sao và căn cứ vào đâu để chấm điểm rồi trao giải “Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam 2016” (?!).
GBAF đánh giá Vietinbank là Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam năm 2016, còn The Asian Banker lại bảo là BIDV
Và không chỉ là những giải thưởng mang tính chất chuyên môn tài chính ngân hàng, nhiều “Tạp chí tài chính ngân hàng uy tín hàng đầu trên thế giới” lại còn sinh ra những hạng mục giải thưởng khá ngộ nghĩnh. Ví dụ như bộ đôi giải thưởng Chiến dịch marketing và truyền thông tốt nhất của năm (Advertising Campaign of the Year – Vietnam) và Website sáng tạo nhất (Website of the Year - Vietnam) mà ABF vừa trao cho ngân hàng PVcomBank mới đây.
Cùng thời điểm nhận giải của PVcomBank, ngày 20/07/2016, tại Singapore, Tạp chí Asian Banking and Finance (ABF) cũng đồng thời bình chọn và trao tặng bộ đôi giải thưởng cho BIDV: Ngân hàng Việt Nam tốt nhất về Công nghệ và Vận hành 2016 (Vietnam Domestic Technology and Operations Bank of the Year) và Ngân hàng Việt Nam tốt nhất về hoạt động Mạng xã hội (Social Media Initiative of the Year - Vietnam); Bên cạnh đó là giải thưởng “Ngân hàng cung cấp dịch vụ ngoại hối tốt nhất Việt Nam 2016” trao tặng cho Maritime Bank.
Tất nhiên, số ngân hàng từng nhận giải thưởng từ các tổ chức như ABF hay GBAF không chỉ gói gọn trong các cái tên vừa nêu. Đó còn là ACB, VPBank, Sacombank, TPBank, SCB, Techcombank, Dong A Bank, SeABank, Oceanbank…
Có không ít những thực tế thú vị về câu chuyện giải thưởng của các ngân hàng Việt. Chẳng hạn như có ngân hàng vừa được xướng danh là ngân hàng có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam, thì sau đó không lâu khi kết quả hoạt động được công bố, đó lại là nhà băng trả lương thấp nhất hệ thống.
Hay như câu chuyện với OceanBank, không lâu sau khi được Tạp chí Global Banking & Finance Review (GBAF) vinh danh là “Ngân hàng bán lẻ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam”, rồi “Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam”, Tạp chí Asian Banking & Finance (ABF) trao giải “Sáng kiến Ngân hàng Điện tử Tốt nhất Việt Nam”, thì ngân hàng này “bất ngờ” chìm sâu trong khủng hoảng: ông chủ bị bắt, âm vốn chủ sở hữu và bị mua lại 0 đồng (!).
Nên biết, GBAF và ABF chỉ là hai trong rất nhiều tổ chức đang cung cấp giải thưởng cho các ngân hàng Việt.
Ngân hàng Phát triển bán lẻ tốt nhất Việt Nam 2016.
Ngân hàng mua giải thưởng?
Về mặt hình thức, rất khó chứng minh được điều này. Bởi, chúng đều do các “tạp chí uy tín hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tài chính ngân hàng” đánh giá một cách độc lập và công tâm.
Song về mặt bản chất, có lẽ cũng chẳng thể loại trừ khả năng các giải thưởng đã được thương mại hóa.
Chia sẻ với VietTimes, một chuyên gia từng nhiều năm tham gia phụ trách truyền thông cho các ngân hàng tiết lộ, thông thường, bên nhận giải sẽ không phải trả tiền cho các tổ chức đánh giá. Tuy nhiên, họ phải trả một khoản tiền tương đối để tham gia hay tổ chức sự kiện trao giải thưởng.
“Hoặc ngân hàng có thể được họ đánh giá và trao giải thưởng. Nhưng nếu ngân hàng muốn sử dụng giải thưởng đó để truyền thông và quảng bá thương hiệu ra thị trường, thì phải trả tiền. Nó cũng tương tự như việc chia sẻ bản quyền”, vị này cho hay.
Còn có một kiến giải khác: “Họ công bố giải thưởng, rồi mời ngân hàng đoạt giải tham gia truyền thông trên tạp chí của họ, tức là phải trả tiền. Ngân hàng không tham gia cũng không sao, nhưng phải nó họ khá “khôn”, trao giải cho vài bên, thế nào chả có bên tham gia” – một vị khác, vừa nhìn tờ hóa đơn 10.000 USD đề cập ở đầu bài, vừa nói.
Truy cập vào website và cũng đồng thời địa chỉ online của tạp chí Global Banking & Finance Review (GBAF) và Asian Banking & Finance (ABF), người dùng có thể dễ dàng bị thu hút bởi thư mục AWARDS, nằm ngay trên thanh chọn.
Click vào mục này, người dùng sẽ nhận thấy một danh mục các sự kiện trao giải thưởng, không chỉ là ngân hàng, mà còn có cả bảo hiểm.
Như sự kiện trao giải ABF Retail Banking Awards 2016, tổ chức vào ngày 20/7/2016 - nơi mà PVcomBank, BIDV, Maritime Bank vừa được vinh danh – tất thảy có đến 22 hạng mục giải thưởng.
Đặc biệt, nếu độc giả có nhu cầu đề cử giải thưởng cho các doanh nghiệp, thương hiệu nào đó, cũng rất đơn giản để gửi gắm “thông điệp”: chỉ cần ghi tên doanh nghiệp, giải thưởng và các thông tin cá nhân theo form mà tạp chí đã dựng sẵn.
Hãy thử, nếu bạn muốn doanh nghiệp của mình được vinh danh!
Có vấn đề!
Bình luận về câu chuyện “Có hay không chuyện các ngân hàng Việt mua giải thưởng quốc tế” mà VietTimes đề cập, Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Công ty Luật Basico, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng, người có nhiều năm tham gia đảm nhiệm cương vị Phó Tổng giám đốc pháp chế cho các NHTM – khẳng định việc nhận giải và truyền thông về giải thưởng quốc tế ở các ngân hàng Việt Nam hiện nay là có vấn đề.
“Rõ ràng là sai, rõ ràng là không trung thực, rõ ràng là không hợp lý. Nói thẳng ra thì bản chất của việc này chính là mua giải, dù về hình thức là ngân hàng được các website kia trao giải. Rồi sau đó, các ngân hàng lại lấy các giải thưởng này đi “rao” với công chúng với khách hàng, rằng tôi được giải đây, nói quá lên rằng, đó là giải của các tạp chí uy tín hàng đầu thế giới thì đây là không tử tế, hay cũng có thể nói là lừa khách hàng. Song về mặt pháp lý, để kết luận rằng họ có phạm luật hay không thì còn phải xem xét thêm một số yếu tố”, Luật sư Đức đánh giá.
Trao đổi với VietTimes, đại diện một ngân hàng vừa nhận giải của Tạp chí Global Banking & Finance Review (GBAF) cũng thừa nhận việc giải thưởng mà ngân hàng bà vừa nhận chẳng “long lanh” như thông cáo phát đi.
“Nhưng thú thực là các ngân hàng khác cứ dồn dập công bố giải thưởng, nên bên mình cũng không thể không truyền thông. Bên cạnh đó, hàng năm bộ phận thương hiệu của mình cũng bị áp KPI (Key Performance Indicator - Chỉ số đánh giá thực hiện công việc), trong đó quy định cụ thể về số lượng giải thưởng phải có, cũng như các chiến dịch truyền thông”, vị lãnh đạo tâm sự rất thật.
Ninh Giang – Hoàng Nguyên