“Trái đắng” DongA Bank
Cụ thể, theo báo cáo tài chính năm 2015, khoản đầu tư tài chính với giá trị sổ sách lên đến 395,3 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) đã tác động lớn đến kết quả kinh doanh năm 2015 của PNJ. Việc trích lập dự phòng hơn 300 tỷ đồng cho khoản đầu tư này cùng với khoản lỗ 39,2 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi CTCP Địa ốc Sài Gòn M&C đã khiến chi phí tài chính của PNJ nhảy vọt 4,8 lần và lợi nhuận sau thuế của PNJ giảm đến 40,4% so với năm 2014. Tuy nhiên, nếu loại bỏ các khoản chi phí bất thường nói trên thì lợi nhuận sau thuế năm trước của PNJ tăng đến 72%.
Trong quý 1/2016, phần giá trị còn lại 84,7 tỷ đồng cho khoản đầu tư tại DongA Bank đã được PNJ trích lập đầy đủ. Tuy nhiên, hiện PNJ vẫn còn khoản đầu tư ngoài ngành tại CTCP Địa ốc Đông Á (DAL) với giá trị sổ sách khoảng 82 tỷ đồng. Theo chia sẻ của lãnh đạo công ty tại Đại hội đồng cổ đông năm 2016, PNJ dự kiến hoàn tất thoái vốn khỏi DAL trong năm 2016 và sẽ không chịu tác động tiêu cực bởi các khoản đầu tư kém hiệu quả tại DAL từ năm 2017.
Về khía cạnh tài chính, cũng như các doanh nghiệp sản xuất và phân phối khác, PNJ sử dụng khá nhiều nợ vay, đặc biệt là vay nợ ngắn hạn để tài trợ vốn lưu động. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu (D/E) của PNJ tại thời điểm cuối năm 2015 đã ở sát ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, các khoản vay của PNJ đều được đảm bảo bằng lượng hàng tồn kho lớn hoặc các bất động sản có vị trí tốt. Đặc biệt, hàng tồn kho của PNJ có giá trị khoảng 2.261 tỷ đồng phần lớn là vàng nguyên liệu và các sản phẩm nữ trang có tính thanh khoản cao và khả năng lưu giữ giá trị tương đương tiền mặt.
Mặc dù không thành công với đầu tư ngoài ngành, nhưng việc liên tục mở rộng hệ thống phân phối và tập trung phát triển các mảng sản phẩm có giá trị gia tăng cao đã góp phần tích cực giúp gia tăng thị phần và là lực đẩy cho sự tăng trưởng ở kết quả kinh doanh của PNJ trong năm 2016 và các năm tới. Riêng trong quý 1/2016, nếu loại trừ khoản trích lập dự phòng lớn cho khoản đầu tư tài chính tại DAF, lợi nhuận sau thuế từ hoạt động kinh doanh chính của PNJ đã tăng 61% so với cùng kỳ.
Theo thông bố mới đây của PNJ, kết quả kinh doanh 6 tháng của PNJ tiếp tục tăng trưởng tốt với lợi nhuận gộp tăng đến 30%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của doanh thu 4%. Lợi nhuận trước thuế đạt 304 tỷ đồng, tăng 116% so với cùng kỳ và đạt 66% kế hoạch cả năm. Sự tăng trưởng tốt của mảng vàng trang sức với doanh thu tăng 15% là nguyên nhân chính hỗ trợ tích cực cho kết quả kinh doanh của PNJ.
Lợi thế vàng trang sức
Tại Việt Nam, sản lượng tiêu thụ vàng trang sức là rất nhỏ so với sản lượng vàng miếng, tuy nhiên thói quen tiêu dùng của người dân đối với vàng trang sức đang có sự thay đổi theo chiều hướng tăng nhẹ trong 3 năm gần đây. Theo thống kê của World Gold, sản lượng tiêu thụ vàng miếng và vàng trang sức ở Việt Nam lần lượt đạt 88 tấn và 11,76 tấn; năm 2014, sản lượng tiêu thụ lần lượt là 54,24 tấn và 12,42 tấn; năm 2015, sản lượng tiêu thụ lần lượt là 57,70 tấn và 15,68 tấn.
Sản lượng tiêu thụ vàng tại Việt Nam. Nguồn: World Gold.
Trong số các doanh nghiệp hiện nay, PNJ đang nắm giữ hơn 25% thị trường hàng trang sức, bỏ xa các đối thủ cạnh tranh liền kề là Doji và SJC khi cả hai doanh nghiệp này đều có thị phần dưới 10% đối với mặt hàng vàng trang sức. Trong khi đó, mặc dù cũng là một thương hiệu lâu năm nhưng thế mạnh của SJC vẫn chủ yếu là mảng vàng miếng và công ty dường như chưa đầu tư mạnh cho mảng trang sức. Với Doji, doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư nâng cao hình ảnh thương hiệu, tuy nhiên do còn khá mới nên mẫu mã sản phẩm của Doji được đánh giá là có phần kém đa dạng hơn so với PNJ.
PNJ có 3 kênh bán hàng đó là bán lẻ, bán sỉ và xuất khẩu, trong đó, mảng bán lẻ qua hệ thống cửa hàng đóng vai trò quan trọng nhất, chiếm đến 55% tổng doanh thu và 80%-85% lợi nhuận gộp của PNJ. Đồng thời, đây cũng là kênh phân phối đem lại cho PNJ biên lợi nhuận cao nhất, khoảng 27% so với các mảng còn lại là bán sỉ (3%-5%), xuất khẩu (10%-12%).
Cơ cấu doanh thu các mảng sản phẩm của PNJ. Nguồn: BCTC PNJ.
Bán lẻ là mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất và có biên lợi nhuận cao nhất trong các kênh phân phối sản phẩm của PNJ. Tính đến cuối quý 2/2016, PNJ sở hữu 204 cửa hàng bán lẻ ở 43 tỉnh thành trên cả nước, gấp 3 lần tổng số cửa hàng của Doji và SJC, trong đó có 135 cửa hàng vàng, 65 cửa hàng bạc và 4 cửa hàng trang sức cao cấp (thương hiệu CAO). Năm 2016, PNJ dự kiến sẽ mở mới thêm 25 cửa hàng, chủ yếu là cửa hàng chuyên về vàng hoặc kinh doanh nhiều loại sản phẩm. Với tốc độ này, mục tiêu sở hữu 300 cửa hàng trước năm 2022 của PNJ có thể cán đích trước thời hạn.
Xét theo cơ cấu sản phẩm, mảng vàng trang sức chiếm tỷ trọng lớn nhất với đóng góp lên đến 77,7% cho doanh thu và 88% cho lợi nhuận gộp của PNJ. Đây đồng thời là mảng kinh doanh có tốc độ tăng trưởng cao hơn hẳn so với các mảng còn lại. Cụ thể, mặc dù chỉ chiếm 21% trong cơ cấu doanh thu của năm 2011 nhưng chỉ sau 04 năm, tỷ trọng của mảng vàng trang sức đã lên đến 77,70%, tương đương với mức tăng trưởng kép (CAGR) 20,9% mỗi năm. Trong quý 1/2016, doanh thu của mảng vàng trang sức tiếp tục tăng trưởng 19% trong khi mảng bạc giảm nhẹ 1% và vàng miếng tiếp tục giảm 7% so với cùng kỳ.
Việc giảm tỷ trọng mảng vàng miếng và gia tăng mảng trang sức vàng giúp tăng lợi nhuận gộp cho PNJ do biên gộp của mảng vàng miếng là rất thấp (0,5%) so với mảng vàng trang sức (17,2%), PNJ chỉ duy trì mảng kinh doanh này để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng chứ không chú trọng phát triển. Hơn nữa, động thái này cũng làm giảm rủi ro biến động giá vàng bởi không chỉ riêng PNJ, xu hướng tiêu thụ vàng miếng ở Việt Nam cũng giảm dần và thay vào đó là sự gia tăng nhu cầu với vàng trang sức.
Theo Infonet