Vừa qua, Đại hội đồng cổ đông Công ty Cổ phần VNG vừa thông qua Phương án chào bán cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư. Theo đó, VNG sẽ chào bán riêng lẻ tối đa 360.000 cổ phần cho nhà đầu tư trong nước và/hoặc nước ngoài có danh tiếng và tiềm lực tài chính. Và giá chào bán sẽ không thấp hơn 1.061.000 đồng/cổ phần.
Hiện VNG đã phát hành 34,5 triệu cổ phần, tương ứng vốn điều lệ 345 tỷ đồng. Nếu tính theo giá chào bán tối thiểu trên, VNG được định giá khoảng 36.600 tỷ đồng, gần 1,6 tỉ USD.
Thời gian thực hiện chào bán dự kiến trong quý IV/2018 hoặc quý I/2019. Số tiền thu được sẽ được VNG "dùng làm vốn lưu động để mở rộng và phát triển thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài, góp vốn, đầu tư hoặc mua cổ phần của doanh nghiệp khác có cùng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh với công ty nhằm phát triển sản phẩm và củng cố thị phần và vị trí của công ty trong ngành Internet.
Dù mang danh xưng là một “kỳ lân”, chỉ các công ty khởi nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ có tốc độ tăng trưởng cao trong khoảng thời gian ngắn, kết quả kinh doanh của VNG hiện không mấy tích cực. Lũy kế 9 tháng, doanh thu của VNG đạt 3.161 tỉ đồng, ít hơn gần 17 tỉ so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế giảm hơn một nửa khi chỉ đạt 391 tỉ đồng.
Giới phân tích cho rằng một trong những nguyên nhân khiến doanh thu của VNG giảm có thể đến từ việc công ty đóng kênh nạp tiền qua thẻ cào 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone và Mobifone vào các trò chơi trực tuyến từ 22h ngày 23.4. Đây là lĩnh vực mang lại phần lớn doanh thu cho VNG. Đồng thời, hoạt động của công ty liên kết cũng không mấy tích cực, cụ thể là công ty tiếp tục lỗ thêm 102 tỉ đồng cho khoản đầu tư vào Tiki chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018. Đây là một điều khá trái ngược khi mà năm 2017 đánh dấu bước tăng trưởng vượt bậc của VNG khi lợi sau thuế của công ty đạt 73% so với năm 2016, đạt 938 tỉ đồng.
Thực tế, trước đây, cũng có giai đoạn là vào năm 2013, lợi nhuận của VNG suy giảm 75% dù vậy công ty vẫn được World Startup Report đã định giá hơn 1 tỉ USD. Khi ấy ông Nguyễn Quang Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt, nhận định rằng: “Mức định giá tỉ đô dành cho VNG không thể căn cứ vào tình hình kinh doanh hiện tại của công ty này. Thông thường, những công ty Internet sẽ được định giá bởi sản phẩm đặc biệt mà họ đang sở hữu và triển vọng tương lai. Nếu sản phẩm này có vị thế cao trên thị trường thì mức giá theo đó sẽ tăng lên. Tuy nhiên, cần lưu ý là việc định giá này cũng có tính nhất thời, nếu vị thế của sản phẩm đặc biệt mà suy giảm thì kết quả tỉ đô cũng sẽ đi theo đó”.
Bên cạnh đó, bức tranh về cơ cấu cổ đông của công ty cũng dần được hé lộ với công chúng. Trong thông báo thay đổi giấy phép kinh doanh, Công ty cổ phần VNG lần đầu tiên thông tin về các cổ đông ngoại gồm 4 nhà đầu tư cá nhân và 4 nhà đầu tư tổ chức. 8 cổ đông nước ngoài này nắm giữ 43,42% vốn điều lệ.
Danh sách cổ đông không có tên Tencent, tuy vậy công ty này vẫn hiện diện. Đơn cử như, ông Shen Hao, hiện là Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính, trước đó, ông là Giám đốc phụ trách M&A của Tencent. Ông Martin Lau Chi Ping, hiện là thành viên HĐQT của VNG, hiện cũng là Chủ tịch của Tencent.
Dù chỉ sở hữu 43% cổ phần của VNG, cổ đông ngoại vẫn có quyền đa số trong cơ cấu cổ đông của công ty này. VNG đã liên tục mua lại cổ phiếu quỹ những năm gần đây khiến số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết thấp hơn rất nhiều lượng cổ phiếu đã phát hành. Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017, số cổ phiếu quỹ của VNG chiếm hơn 30,6% vốn điều lệ, điều này có nghĩa, số cổ phiếu có quyền biểu quyết chỉ còn gần 70%.
Theo Nhịp cầu Đầu tư
Link gốc: https://nhipcaudautu.vn/doanh-nghiep/vng-se-chinh-thuc-la-mot-ky-lan-3327284/
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu