Sân bay Tân Sơn Nhất |
Ông Toản được xác định là đạp nhầm chân ga thay vì chân phanh khiến chiếc xe băng chuyền do ông điều khiển đâm rách phần bụng máy bay A330 của Hãng hàng không China Airlines tại bến đậu máy bay số 18, sân bay Tân Sơn Nhất vào 10g40 ngày 27-8.
Thời điểm đó, ông Trương Văn Toản điều khiển xe băng chuyền mang biển số SGN-21005 trong quá trình tiếp cận máy bay A330 của China Airlines đã va quẹt vào phần dưới bụng hầm hàng số 5 gây xước bụng máy bay kích thước dài 1,3m, rộng 0,6m, chỗ sâu nhất 2cm...
Theo kết luận của Cảng vụ hàng không miền Nam, nguyên nhân xảy ra sự cố nêu trên là hoàn toàn do lỗi cá nhân của ông Trương Văn Toản đã điều khiển xe băng chuyền SGN-21005 của Xí nghiệp Thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất (TIAGS) tiếp cận máy bay lần thứ 2 không tuân thủ đúng theo quy trình xe băng chuyền tiếp cận máy bay.
Sau vụ va chạm, chiếc máy bay phải dừng khai thác để đánh giá việc khắc phục, sửa chữa. 300 hành khách của chuyến bay từ Tân Sơn Nhất đi Đài Bắc (Đài Loan) phải xuống máy bay, về khách sạn để chờ máy bay thay thế.
Theo ông Lại Xuân Thanh - cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, trong vụ việc trên người gây thiệt hại là lái xe Trương Văn Toản và đơn vị quản lý lái xe là TIAGS, còn người bị hại là China Airlines.
Về nguyên tắc, TIAGS sẽ phải bỏ tiền ra bồi thường cho China Airlines. Nhưng mức bồi thường cụ thể và hình thức bồi thường là do hai bên làm việc, thỏa thuận với nhau. Trách nhiệm của lái xe Toản được căn cứ theo hợp đồng lao động và các quy chế làm việc của TIAGS.
Ông Thanh cho biết thêm các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực hàng không đều mua bảo hiểm, khi xảy ra các sự cố thì đơn vị bảo hiểm hàng không thường chi trả thiệt hại cho bên bị hại.
Theo ông Trần Doãn Mậu - giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam, trong vụ việc trên TIAGS phải bỏ tiền ra bồi thường hoàn toàn cho China Airlines. Các đơn vị liên quan đều mua bảo hiểm hàng không nên số tiền bồi thường sẽ được bảo hiểm thanh toán.
Với người trực tiếp gây thiệt hại là tài xế Toản, ngoài việc chịu xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan chức năng, TIAGS sẽ xem xét trách nhiệm liên quan theo quy định của doanh nghiệp này và Luật lao động.
Trong khi đó, trao đổi vớiTuổi Trẻngày 30-8, một lãnh đạo TIAGS cho biết trong sáng 1-9 chiếc Airbus A330 của Hãng hàng không China Airlines bị xe chuyển hành lý đụng hôm 27-8 sẽ hoàn tất sửa chữa và bay về Đài Loan.
Vị lãnh đạo TIAGS cho biết đây là vụ va chạm đầu tiên của TIAGS nhưng xảy ra khá nhiều trên thế giới. Chi phí để thực hiện sửa chữa và các chi phí liên quan sẽ được các công ty bảo hiểm (TIAGS và China Airlines đều mua các gói bảo hiểm riêng) phụ trách.
Về phía TIAGS, công ty con của Tổng công ty Hàng không VN - Vietnam Airlines, sẽ có chi phí nằm trong gói bảo hiểm của cả Vietnam Airlines chịu trách nhiệm đền bù.
“Các hãng hàng không đều là bạn hàng với nhau nên thường sẽ hỗ trợ nhau trong các tai nạn như thế này, hơn nữa China Airlines lại là thành viên của Liên minh hàng không Skyteam, trong đó có Vietnam Airlines, nên Vietnam Airlines sẽ hỗ trợ tất cả phương án, khả năng của mình, trong đó việc sửa chữa sẽ do VAECO, công ty con của Vietnam Airlines, đang chịu trách nhiệm chính” - vị lãnh đạo TIAGS này cho biết.
Chi phí để sửa chữa và các chi phí liên quan không thể đến 1 triệu USD, nguồn tin này khẳng định. Trong các chi phí các bên phải chi trả chỉ có chi phí ngừng khai thác của máy bay là lớn nhất nhưng chỉ khoảng vài trăm ngàn USD là tối đa, không như con số 1 triệu USD như đã được thông tin trước đó.
Quy trình bồi hoàn ra sao?
Theo luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn luật sư TP Hà Nội), trước hết công ty bảo hiểm (nơi mà China Airlines mua bảo hiểm) sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra.
Sau đó công ty bảo hiểm có quyền yêu cầu người gây ra thiệt hại phải bồi hoàn số tiền bảo hiểm mà họ đã bồi thường cho China Airlines.
Về nguyên tắc pháp lý, người gây ra thiệt hại trong trường hợp này là pháp nhân Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines) chứ không phải là Xí nghiệp Thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất (TIAGS), vì TIAGS chỉ là chi nhánh, là đơn vị phụ thuộc của Vietnam Airlines. TIAGS không phải là một chủ thể độc lập trong quan hệ pháp luật dân sự này, mà chỉ chịu trách nhiệm nội bộ với Vietnam Airlines.
Và cuối cùng, người lao động là công nhân lái xe phải chịu trách nhiệm bồi thường theo chế độ trách nhiệm vật chất cho Vietnam Airlines theo quy định của Bộ luật lao động cũng như theo hợp đồng lao động và hợp đồng trách nhiệm (nếu có) với doanh nghiệp.
Theo quy định tại điều 131 về “nguyên tắc và trình tự, thủ tục xử lý bồi thường thiệt hại” Bộ luật lao động năm 2012, người lao động phải bồi thường toàn bộ hay chỉ phải bồi thường một phần thiệt hại là căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động.
Nếu như sự kiện bảo hiểm trên rơi vào trường hợp công ty bảo hiểm được miễn trách nhiệm thì Vietnam Airlines có trách nhiệm bồi thường trực tiếp cho China Airlines theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005.
Theo Tuổi trẻ