VN-Index “rơi” gần 60 điểm, giảm mạnh nhất 19 năm

VietTimes -- Những diễn biến mới của dịch Covid-19 ở trong nước tác động tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư, áp lực bán tháo diễn ra ở nhiều mã có vốn hóa lớn.
Chỉ số VN-Index giảm gần 60 điểm trong phiên 9/3/2020 (Ảnh chụp màn hình)
Chỉ số VN-Index giảm gần 60 điểm trong phiên 9/3/2020 (Ảnh chụp màn hình)

Trong phiên giao dịch đầu tuần (9/3), thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến một phiên giảm điểm lịch sử.

Cụ thể, chỉ số VN-Index đã giảm tới 55,85 điểm, tương đương mức giảm 6,28%, lùi về mức 835,49 điểm. Trong rổ chỉ số VN30, có tới 23 mã giảm sàn, 7 mã giảm sâu. Thanh khoản trên sàn HOSE tăng lên hơn 5.561 tỷ đồng.

Điều này cho thấy tâm lý tương đối hoảng loạn của nhà đầu tư trong cả phiên giao dịch.

Một số thống kê cho thấy, biên độ phiên giảm của VN-Index ngày 9/3 chỉ đứng sau 3 phiên giao dịch của năm 2001 là các ngày 10/9/2001 (giảm 6,89%), 3/10/2001 (giảm 6,45%) và 1/10/2001 (giảm 6,3%).

Tuy nhiên, thời điểm năm 2001, toàn thị trường mới chỉ có 5 mã chứng khoán và VN-Index chỉ dao động trong vùng hơn 200 điểm.

Nhiều cổ phiếu "lộ" sàn ngay từ đầu phiên giao dịch ngày 9/3 (Ảnh chụp màn hình - Nguồn: VNDS)
Nhiều cổ phiếu "lộ" sàn ngay từ đầu phiên giao dịch ngày 9/3 (Ảnh chụp màn hình - Nguồn: VNDS)

Thị trường đã chịu nhiều tác động “kép” từ diễn biến dịch bệnh do Covid-19 gây ra ở trong nước và đà giảm sâu của giá dầu thế giới.

Trước đó, thông tin về ca nhiễm Covid-19 thứ 17 lan rộng và hơn 10 ca nhiễm được công bố sau đó đã có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Trong khi đó, giá dầu đã giảm 30% khi mở cửa phiên giao dịch sớm ngày 9/3, sau khi OPEC không đạt được thỏa thuận với các bên liên quan đến việc cắt giảm sản lượng.

Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tâm lý giao dịch tiêu cực có thể sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng tới một vài phiên tới.

Trong một báo cáo công bố mới đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã đề ra 3 kịch bản lây lan của Covid-19, với kịch bản cơ sở là nền kinh tế toàn cầu giảm tốc.

Theo VDSC, việc nối lại chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, hàng hóa đầu vào cho hoạt động của các ngành dệt may, giày dép, điện và điện tử là quan trọng trong giai đoạn này.

Do phần lớn hàng hóa đầu vào của các nhóm ngành nêu trên được cung ứng bởi Trung Quốc (trên 30%), việc quốc gia này kiểm soát được dịch bệnh (đã qua đỉnh điểm) và bắt khôi phục các hoạt động sản xuất sẽ rất quan trọng.

Tại Việt Nam, Chính phủ và các Bộ liên quan đã và đang đánh giá tác động của COVID-19 đến các doanh nghiệp và đề xuất những biện pháp hỗ trợ.

Quy mô gói hỗ trợ chưa được chính thức công bố nhưng sẽ tập trung vào (1) Giảm lãi vay, giãn nợ và (2) Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế môi trường, v.v...

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, nhằm tạo việc làm và kích cầu.

Điều kiện vĩ mô năm 2020 so với các đợt giảm tốc tăng trưởng trước đó (Nguồn: VDSC)
Điều kiện vĩ mô năm 2020 so với các đợt giảm tốc tăng trưởng trước đó (Nguồn: VDSC)

Sự cộng hưởng của các chính sách tài khóa và tiền tệ được kỳ vọng sẽ phần nào bù đắp tác động tiêu cực của Covid-19 với kết quả kinh doanh năm 2020 của các doanh nghiệp./.