Thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch đầu xuân Canh Tý (30/1) chứng kiến đà giảm sâu. Điều này diễn ra trong bối cảnh dịch do virus Corona chủng mới (hay còn gọi là dịch viêm phổi Vũ Hán) có diễn biến phức tạp gây tâm lý lo ngại “phủ bóng” lên thị trường tài chính toàn cầu.
Áp lực bán tháo đã xuất hiện ngay từ đầu và duy trì trong suốt phiên giao dịch đầu xuân Canh Tý (hôm 30/1), khiến chỉ số VN-Index luôn chìm trong sắc đỏ. Có lúc, chỉ số này giảm tới 36,86 điềm, lùi sâu về mức 954,6 điểm. Kết thúc phiên, VN-Index giảm 31,88 điểm (-3,22%), đóng cửa ở mức 959,58 điểm. Vốn hóa thị trường bốc hơi gần 5 tỷ USD.
Số mã giảm điểm chiếm áp đảo trên cả hai sàn HOSE và HNX. Trong đó, chứng kiến sự sụt giảm mạnh ở các cổ phiếu trong lĩnh vực hàng không (HVN, VJC) và du lịch. Ở chiều hướng ngược lại, các cổ phiếu ngành dược lại là “điểm sáng” hiếm hoi.
Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu trong phiên "khai xuân" Canh Tý (Ảnh chụp màn hình - Nguồn: VNDS)
|
“Không biết chuyện gì sẽ sảy ra tiếp theo”
Chia sẻ với VietTimes, ông Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư AlphaGrep (Singapore) đánh giá, không chỉ riêng Việt Nam, thị trường chứng khoán toàn cầu cũng “đỏ rực” và xuất hiện tình trạng bán tháo vì dịch do virus Corona gây ra.
“Có phải vì virus này quá nguy hiểm nên khiến giới đầu tư lo ngại mà bán tháo?” - ông Tùng đặt vấn đề.
“Câu trả lời là không”, vị chuyên gia nêu quan điểm và cho biết xác suất để bị lây nhiễm và tử vong là không hề lớn hơn khi so sánh với vô vàn những rủi ro khác từ cuộc sống thường ngày như: cháy nhà, tai nạn giao thông hay mắc những bệnh tật khác. Tuy nhiên, sự lo lắng, sợ hãi và phòng vệ trước các nguy cơ đe dọa tới tính mạng - vốn là bản năng tự nhiên của con người - đang chiếm ưu thế và gây ra những phản ứng quá mức.
Theo ông Tùng, việc giới đầu tư “tháo chạy” khỏi thị trường đến từ rủi ro “ngưng trệ các hoạt động kinh tế" do dịch bệnh.
Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư AlphaGrep (Singapore) Hoàng Tùng.
|
“Nỗi sợ hãi lây nhiễm virus sẽ khiến mọi hoạt động như mua sắm, giải trí, du lịch sẽ bị chấm dứt. Mọi người sẽ hạn chế ra ngoài, hạn chế tiếp xúc để đề phòng mắc bệnh (cho dù xác suất có nhỏ đi chăng nữa).
Nó cũng giống như khi tất cả mọi người cùng nghĩ nền kinh tế bị khủng hoảng thì kinh tế sẽ khủng hoảng thật sự. Vì khi đó tất cả sẽ thắt chặt chi tiêu, hạn chế mua sắm, dẫn đến các công ty không bán được hàng, các công ty không bán được hàng lại sa thải nhân viên và nhân viên vì thế lại thắt chặt chi tiêu… Một vòng xoáy không thể thoát ra được.
Thế nên trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, nước Mỹ đã phải liên tục bơm tiền, tăng đầu tư công để kích thích tiêu dùng, lấy lại niềm tin từ người dân, từ đó mới có đà để vượt qua vực thẳm.
Vậy nên, khi mà niềm tin vào khả năng ngăn chặn dịch bệnh vẫn còn là một dấu hỏi, khi mà số ca nhiễm bệnh và tử vong vẫn tăng lên từng ngày, thì cũng đừng hi vọng kinh tế và thị trường sẽ mau chóng hồi phục, cho dù xác suất mắc bệnh có nhỏ hay lớn thế nào đi chăng nữa” - Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư AlphaGrep phân tích.
Ông Hoàng Tùng bày tỏ kỳ vọng lạc quan rằng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát, khi niềm tin của nhà đầu tư được khôi phục thì thị trường sẽ tăng mạnh trở lại.
Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn “không biết chuyện gì sẽ sảy ra tiếp theo”.
|
Trong khi đó, trao đổi với VietTimes, ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán Mirae Asset - nhận định thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn “không biết chuyện gì sẽ sảy ra tiếp theo”.
“Số người bị nhiễm (virus corona - PV) nhanh quá, gây ảnh hưởng trọng yếu đến các ngành hàng không, du lịch, thậm chí là sản xuất. Diễn biến dịch bệnh buộc Trung Quốc phải dừng nhiều hoạt động khác” - ông Tuấn đánh giá và dẫn chứng một số dự báo cho hay GDP của Trung Quốc có thể giảm 2% vì dịch bệnh này.
Đề cập tới thông tin 3 người Việt đầu tiên nhiễm virus corona, ông Huỳnh Minh Tuấn đưa ra hai kịch bản khả dĩ cho thị trường trong thời gian tới.
Ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán Mirae Asset. (Ảnh: Internet)
|
Nghiêng về kịch bản tích cực, ông Tuấn cho biết nếu Việt Nam xử lý dịch tốt, xử lý tốt các ca nhiễm virus corona thì tác động tới thị trường chứng khoán sẽ sớm kết thúc và “câu chuyện sẽ thẩm thấu vào giá trong từ 1 - 2 tuần tới”. Các tác động dài hạn hơn sẽ được ghi nhận ở lĩnh vực hàng không, tiêu dùng, khách sạn, thậm chí là dòng vốn FDI và FII đổ vào Việt Nam.
Ở kịch bản kém khả quan, nếu không kiểm soát được dịch bệnh, Việt Nam sẽ phải áp dụng cách làm tương tự Trung Quốc, “cũng phải cách ly, tạm dừng sản xuất”.
“Điều này sẽ khiến VN-Index có nguy cơ giảm sâu hơn nữa, GDP của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng” - ông Tuấn cho biết./.