Virus Corona sẽ thúc đẩy ngành sản xuất robot?

VietTimes – Thị trường robot của Trung Quốc được dự báo sẽ đạt 103,6 tỷ USD vào năm 2023 khi nó được thúc đẩy bởi nhu cầu từ sản xuất, tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe và tài nguyên.

Khi một trận động đất và sóng thần làm hỏng các lò phản ứng hạt nhân tại Fukushima (Nhật Bản) vào năm 2011, chính quyền đã kêu gọi các nhà sản xuất robot phát triển các loại robot đặc biệt có thể xâm nhập vào môi trường cực độc để dọn dẹp mớ hỗn độn.

Phải mất tới 6 năm các robot mới có thể xác định vị trí và loại bỏ các tế bào nhiên liệu uranium nóng chảy đầu tiên sau hàng loạt các thất bại khi chúng bị mắc kẹt trong các mảnh vỡ hoặc bị hỏng mạch do bức xạ. Hơn một năm trước đây, các robot điều khiển từ xa của hãng Toshiba đã được gửi đến vùng này để loại bỏ các mảnh vụn ô nhiễm.

Vậy thông điệp từ Fukushima là gì? Đó là robot sẽ ngày càng được sử dụng nhiều hơn ở các khu vực nguy hiểm.

Li Tong, Giám đốc điều hành hãng Keenon Robotics có trụ sở tại Thượng Hải cho biết họ đã triển khai robot của mình vào một loại môi trường độc hại khác – bệnh viện điều trị bệnh nhân nhiễm virus Corona.

Công ty đã triển khai gần 200 robot giao hàng đến hơn 80 bệnh viện tuyến đầu trên khắp Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán, khi dịch Covid-19 làm quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước.

“Lần này, robot đang ở tuyến đầu để giúp con người giải quyết các vấn đề thực tiễn”, Li Tong nói.

Các công ty chế tạo robot Trung Quốc đã nhận thấy nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm của họ kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Chúng đang được triển khai đến các bệnh viện và các khu vực công cộng khác để cung cấp thực phẩm và thuốc, khử trùng không gian công cộng, đo nhiệt độ cơ thể người ra vào, giúp chẩn đoán bệnh nhân nhiễm Covid-19 thông qua bảng câu hỏi do bác sĩ cung cấp.

Gaussian Robotics - một công ty khởi nghiệp 7 năm tuổi có trụ sở tại Thượng Hải – đã nhận thấy nhu cầu về sản phẩm robot vệ sinh của mình đang ngày một tăng cao. Họ đã cải biến robot vệ sinh để có thể thực hiện tẩy trùng trong các bệnh viện. Công ty đã cho một số bệnh viện mượn miễn phí robot của mình trong đợt dịch vừa qua. Nhưng họ cũng đang nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các trung tâm thương mại.

Aaron Zhou, Giám đốc Tài chính của công ty cho biết đơn đặt hàng cao hơn từ 30 – 40% so với dự báo trước đây. Vì mọi người đang bị cách ly với nhau nên loại robot tự hành của Gaussian Robotics có thể được dùng cho nhiều công việc khác nhau như giao hàng hoặc khử trùng trong bệnh viện.

Robot của hãng cũng đã thu hút sự quan tâm từ các khách hàng bên ngoài Trung Quốc. Israel, Hàn Quốc, Thái Lan, Anh và một số quốc gia châu Âu trước đây do dự về việc mua robot nhưng hiện đã đặt hàng vì dịch Covid-19.

Trung Quốc đẩy mạnh sử dụng robot để chống lại dịch Covid-19

Hồi tháng 2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng các ngành công nghiệp mới nổi như sản xuất thông minh và thiết bị không người lái đã cho thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.

Robot là một trong 10 ngành công nghiệp cốt lõi được xác định chi tiết trong kế hoạch Made in China 2025 của Bắc Kinh nhằm mang lại những bước đột phá, tạo ra các công ty cạnh tranh toàn cầu.

Nhu cầu về robot dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Covid-19 đã khiến hơn 2 triệu người nhiễm bệnh, hơn 135.000 người tử vong và làm quá tải các nguồn lực chăm sóc sức khỏe tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Chỉ riêng tại Trung Quốc, thị trường robot được dự đoán sẽ đạt 103,6 tỷ USD vào năm 2023, chủ yếu đến từ các ngành sản xuất, tiêu dùng, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe và tài nguyên - theo dự báo của hãng phân tích thị trường IDC.

Tuy nhiên các nhà phân tích nói rằng sẽ phải mất vài năm nữa, nếu không muốn nói là một thập kỷ, trước khi robot trở nên phổ biến trong các cơ sở y tế. Trong khi đó, một yếu tố cản trở trong ngắn hạn là sự gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra bởi đại dịch Covid-19, khi hầu hết các nhà sản xuất robot đều dựa vào linh kiện dự trữ để đáp ứng nhu cầu sản xuất.

OrionStar, một công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo và robot có trụ sở tại Bắc Kinh, đã nhận được những đơn đặt hàng từ các thị trường phi truyền thống như Mỹ, Canada, Bỉ và Hà Lan.

Công ty đã tối ưu hóa một số mô hình robot hiện có để có thể sử dụng trong bệnh viện. Chẳng hạn họ đã gắn cho một robot tiếp tân nhiệt kế hồng ngoại để phát hiện những người có thân nhiệt cao bất thường nhằm sàng lọc các bệnh nhân Covid-19 tiềm năng.

Một robot quét nhiệt độ cơ thể có thể làm công việc của hai hoặc ba nhân viên y tế. Chúng còn xử lý dữ liệu hiệu quả hơn và loại bỏ sự tiếp xúc không cần thiết giữa người với người, do đó giảm lây nhiễm chéo – theo ông Leo Chen, Phó Chủ tịch OrionStar.

Ví dụ, các bác sĩ có thể sử dụng robot kết nối Internet để khám bệnh cho các bệnh nhân đang ngồi ở khu vực phòng chờ của bệnh viện.

Một vai trò quan trọng khác của robot trong việc giảm tiếp xúc giữa người với người là sử dụng chúng để giao thức ăn và thuốc trực tiếp cho bệnh nhân.

“Hầu như mọi người (ngoại trừ bác sĩ) đều không muốn tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 hoặc người đã tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân Covid-19. Nếu nó trở thành vấn đề của sự sống và cái chết, tôi nghĩ cần phải dùng robot thay thế cho con người”, ông Li Tong cho biết.

Hãng Keenon Robotics cũng đăng video về robot của mình trên mạng xã hội video Douyin (phiên bản tiếng Trung của Tik Tok). “Trước khi dịch bệnh bùng phát, video này chỉ có vài nghìn lượt xem, nhưng bây giờ một trong những video phổ biến nhất của chúng tôi đã thu hút hơn 60 triệu lượt xem”, ông Li nói.

Tại Thâm Quyến, Ubtech Robotics đã triển khai robot tại một trong những bệnh viện truyền nhiễm lớn nhất của thành phố để thực hiện các chức năng như đo nhiệt độ cơ thể, trả lời các câu hỏi thường gặp của bệnh nhân và các dịch vụ y tế từ xa.

Lao Peifeng, phụ trách bộ phận giải pháp công nghiệp của công ty, cho biết nhu cầu cấp thiết nhất của bệnh viện là đo nhiệt độ cơ thể không tiếp xúc, vì robot có thể hoạt động nhanh hơn 20 lần so với con người.

Không có robot, một bệnh viện phải chỉ định hai y tá trong mỗi ca trực hàng ngày để đo nhiệt độ cơ thể bệnh nhân, và phải mất hai giây để nhiệt kế đưa ra được con số, ông Lao nói. Thay vào đó, các hệ thống robot sử dụng camera hồng ngoại có thể kiểm tra nhiệt độ cho 15 người cùng một lúc.

Một robot được dùng trong bệnh viện (ảnh: PLI)
Một robot được dùng trong bệnh viện (ảnh: PLI)

Đại dịch có khả năng dẫn đến những thay đổi vĩnh viễn trong cách mọi người tiêu thụ, đi lại, làm việc và tương tác, Glenn Sanders, nhà phân tích cao cấp tại công ty nghiên cứu Omdia nhận định.

Ông nói rằng trong 10 năm tới chúng ta có thể thấy một thế giới nơi robot phổ biến hơn nhiều so với ngày nay. Khi các công ty bắt đầu xây dựng chiến lược cho chi phí vốn trong tương lai, robot và tự động hóa có thể sẽ được ưu tiên cao. Các cơ sở y tế sẽ thấy sự cần thiết phải mở rộng nguồn lực và một giải pháp cho vấn đề này là robot tự trị để chẩn đoán, giao nhận và khử trùng.

Tuy nhiên, một số nhà khoa học vẫn nghi ngờ về nhu cầu gia tăng của thị trường robot sau khi dịch bệnh đã giảm bớt. Ông David Navarro-Alarcon, trợ lý giáo sư tại Khoa Kỹ thuật Cơ khí, Đại học Bách khoa Hồng Kông nói rằng hiện giờ nhu cầu sử dụng robot là cao do nó có khả năng làm những công việc như giao thức ăn hoặc thuốc giúp nhân viên y tế hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Nhưng một khi dịch bệnh qua đi, robot không mang lại quá nhiều lợi ích.

Ông David nói rằng có một sự khác biệt rất lớn giữa robot công nghiệp và robot dịch vụ phục vụ sinh hoạt hàng ngày của con người. Sẽ mất thời gian để công nghệ robot có thể phục vụ tốt nhu cầu hàng ngày của con người.

Một số rào cản khác đối với việc cho ra đời nhiều robot hơn, đó là chi phí sản xuất cao, hạ tầng sản xuất phức tạp, cần nhiều kỹ sư lập trình lành nghề cũng như mối quan tâm về bảo mật để tích hợp với các quy trình và hệ thống dữ liệu khác.

Trong khi tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp robot dịch vụ tại Trung Quốc đang vượt xa phần còn lại của thế giới, các nhà cung cấp Trung Quốc vẫn dựa vào nhập khẩu cho công nghệ robot lõi, theo một báo cáo được công bố vào tháng 2 bởi Viện Khoa học và Công nghệ Trung Quốc.

Trong một báo cáo cập nhật về kế hoạch “Made in China 2025” được công bố vào tháng 7 năm ngoái, Viện Nghiên cứu Trung Quốc có trụ sở tại Đức đã lưu ý rằng sức mạnh của Trung Quốc trong các công nghệ cốt lõi như AI và robot vẫn phụ thuộc vào các sản phẩm nhập khẩu như chất bán dẫn và vật liệu mới.

Trong khi đó, các công ty robot của Trung Quốc cũng phải đối mặt với các vấn đề về chuỗi cung ứng khi các nhà máy ngừng hoạt động do đại dịch.

Tốc độ tăng trưởng dự kiến cho thị trường thiết bị tự động hóa công nghiệp của Trung Quốc năm 2020 đã bị hạ cấp. Hãng Omdia dự đoán tăng trưởng của ngành sẽ chậm lại 1,1 điểm phần trăm xuống còn 2% trong năm nay nhưng tăng 0,7 điểm phần trăm lên 2,7% trong năm tới.

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng từ Trung Quốc đã tác động đến các công ty trên toàn thế giới hoạt động trong lĩnh vực tự động hóa và điện tử, theo Omdia.

Gaussian Robotics cho biết họ đã phải đối mặt với các vấn đề về chuỗi cung ứng trong quý đầu tiên của năm bởi các nhà cung cấp không thể tiếp tục sản xuất bình thường trong đại dịch Covid-19. Dự kiến đến tháng 4 hoặc tháng 5 họ mới có thể đáp ứng được mức tăng đơn đặt hàng.

Tuy nhiên, việc cung cấp các bộ phận robot quan trọng từ nước ngoài không phải là vấn đề, theo Aaron Zhou. “Chúng tôi nhập khẩu một số linh kiện cốt lõi của Đức nhưng các công ty đó có nhà máy và kho dự trữ ở Trung Quốc, vì vậy tác động của đại dịch đối với nguồn cung của họ gần như bằng không”, ông nói.

Đối với LIDAR - công nghệ viễn thám được sử dụng trong robot và xe tự hành, ông Zhou cho biết công ty đang làm việc với các nhà cung cấp trong nước như RoboSense và DJI.

Vẫn còn phải xem liệu robot có trở thành sản phẩm cố định lâu dài trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc hay không sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Hầu hết các robot được triển khai đến bệnh viện trong đại dịch đều được cho mượn và sẽ được trả lại cho các nhà cung cấp sau đó. Nhưng ông Aaron Zhou tự tin rằng cuộc khủng hoảng sức khỏe đã mang lại cho chính quyền và công dân một cái nhìn về những gì robot thực sự có thể làm.

“Khi Apple phát hành iPhone đầu tiên, không ai nghĩ điện thoại thông minh sẽ phát triển như ngày nay. Vào thời điểm đó, mọi người có thể đã nghĩ rằng đây là sản phẩm mới nhưng họ đã không nhận ra rằng đó là sự khởi đầu của kỷ nguyên di động. Đối với robot, nó cũng giống như vậy”, ông Zhou nói.