Viettel và VNPT chi hơn 10.000 tỷ để trúng đấu giá băng tần 5G

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tập đoàn Viettel trúng đấu giá khối băng tần B1 (2500-2600 MHz) với giá hơn 7.533 tỉ đồng, còn Tập đoàn VNPT trúng đấu giá khối băng tần C2 (3700-3800 MHz) với giá hơn 2.581 tỉ đồng, theo Bộ TT&TT.

Viettel và VNPT chi hơn 10.000 tỷ để trúng đấu giá băng tần 5G

Thông tin về việc đấu giá khối băng tần để triển khai 5G vừa được công bố tại họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông, diễn ra chiều 8/4.

Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Lê Văn Tuấn cho biết: "Tập đoàn Viettel đã hoàn thành nghĩa vụ nộp các khoản tài chính theo quy định. Tập đoàn VNPT hiện đang làm các thủ tục thanh toán, dự kiến ngày mai (9/4) sẽ hoàn tất các nghĩa vụ này".

Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đấu giá thành công băng tần sau 15 năm kể từ khi Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội thông qua. Riêng khối băng tần C3 (3800-3900 MHz), Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết do chỉ có 1 doanh nghiệp nộp tiền đặt trước để tham gia đấu giá nên không có đủ số lượng tối thiểu để đấu giá theo quy định.

Trước đó, như VietTimes đã thông tin, tối 8/3/2024, Tập đoàn Viettel thông báo trở thànhnhà mạng đầu tiên trúng đấu giá “băng tần vàng” 5G trong 15 năm khi chính thức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần 2500-2600 MHz. Hơn 10 ngày sau đó, Tập đoàn VNPT cũng thông báo đã trúng đấu giá băng tần 3.700 - 3.800MHz để triển khai 5G.

Việc trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện B1 (2500-2600 MHz), C2 (3700-3800 MHz) là điều kiện cần thiết để các nhà mạng triển khai công nghệ 5G. Bên cạnh đó, việc này còn nằm trong lộ trình để thúc đẩy phát triển hạ tầng số quốc gia, hệ sinh thái dịch vụ số, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động.