Chiều 19/3, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần C2 (3700MHz - 3800MHz).
Sau 17 vòng đấu, doanh nghiệp có mã số 002 là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần C2 (3700MHz - 3800MHz). Công ty đấu giá hợp danh số 5 Quốc gia đang hoàn thiện các thủ tục bàn giao để Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt và công bố.
Theo quy định, giá khởi điểm của khối băng tần C2 cho 15 năm sử dụng là hơn 1.956 tỉ đồng. Doanh nghiệp phải cam kết triển khai tối thiểu 3.000 trạm phát sóng 5G, và chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng băng tần 3.700-3.800 MHz muộn nhất 12 tháng kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần trúng đấu giá.
Cũng theo quy định, doanh nghiệp phải triển khai tối thiểu 30% số lượng trạm phát sóng vô tuyến điện đã cam kết triển khai trong 2 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần trúng đấu giá tương ứng.
Sau khi được công bố trúng đấu giá khối băng tầng C2, đại diện VNPT cho biết đây là việc có ý nghĩa rất quan trọng, cho phép VNPT nhiều lựa chọn thiết bị mạng, chi phí triển khai mạng 5G hợp lý nhất, đáp ứng chiến lược triển khai mạng 5G (Vinaphone) tốc độ cao nhất tại Việt Nam.
Cùng với dải băng tần 3.700 – 3.800 MHz, VNPT cũng đang sở hữu dải băng tần 1.800 MHz, đây sẽ là lợi thế lớn trong việc thúc đẩy mạng 5G trong thời gian tới, đồng thời tạo tiền đề cho việc phát triển mạng 6G trong tương lai.
Đại diện Tập đoàn cho biết đấu giá băng tần là bước đầu theo quy định của Nhà nước về việc triển khai 5G tại Việt Nam. Lãnh đạo VNPT cam kết, sau khi trúng đấu giá băng tần 3.700 – 3.800 MHz, VNPT sẽ tích cực chuẩn bị để có thể sớm triển khai thương mại hóa 5G thành công.
Để tăng cường hiệu quả triển khai 5G, VNPT sẽ triển khai mô hình hợp tác, chia sẻ hạ tầng với nhà mạng trúng đấu giá băng tần 3.800-3.900 MHz trong lần đấu giá lại sắp tới. Việc hợp tác này không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực của các nhà mạng mà còn đem lại cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất với dịch vụ 5G.
Đến nay, có 2 khối băng tần sẵn sàng đưa vào triển khai 5G, đó là B1 (2.500-2.600 MHz) của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) và khối băng tần C2 (3.700-3.800 MHz) của VNPT.
Về việc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần C3 vừa diễn ra không thành ngày 14/3 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét, quyết định việc tổ chức đấu giá lại vào thời điểm thích hợp. Giá khởi điểm khối băng tần C3 sẽ được xác định phù hợp với thời điểm đấu giá.