Chi 7.500 tỷ để đấu thầu “băng tần vàng”, Viettel triển khai 5G ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Sau khi đấu giá thành công "băng tần vàng" 2500-2600 MHz, lãnh đạo Viettel cho biết sẽ đầu tư mạnh mẽ để phủ sóng 5G trên phạm vi toàn quốc trong năm nay.

Tập đoàn Viettel vừa đấu giá thành công, giành quyền độc quyền khai thác khối băng tần B1 tần số 2500-2600 MHz để triển khai 5G trong vòng 15 năm tới. Băng tần này có giá khởi điểm gần 3.984 tỷ đồng/khối, gấp gần 2 lần so với giá khởi điểm của 2 khối băng tần band C cùng đấu giá đợt này. Để đấu giá thành công “băng tần vàng” này, Viettel đã trả 7.500 tỉ đồng.

Đại diện Viettel cho biết, băng tần 2500-2600 MHz có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi đây là băng tần hiệu quả để Viettel triển khai đồng thời cho cả mạng di động 4G và mạng di động 5G. Qua đó, Viettel sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ 4G hiện nay và chính thức cung cấp dịch vụ 5G.

Sớm triển khai 5G trên toàn quốc

Theo phân tích của chuyên gia, băng tần 2500 - 2600 MHz mang lại cho Viettel nhiều lợi thế. Đây cũng là băng tần tối ưu được vùng phủ với bán kính gấp 1,3 lần so với băng tần band C (3500 MHz) cùng đấu giá đợt này. Điều đó có nghĩa là diện tích phủ sóng của mỗi trạm 5G của Viettel lớn hơn gần 1,7 lần so với trạm của các nhà mạng khác. Với đặc điểm đó, Viettel tối ưu được chi phí lắp đặt, xây dựng trạm BTS.

Mặt khác, các thiết bị phát sóng dùng tần số 2600 MHz đều có thể chạy đồng thời 4G và 5G. Do đó, Viettel có thể linh hoạt điều chỉnh tỉ trọng dùng cho 4G và 5G theo nhu cầu, mà không bị lãng phí thiết bị. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện Viettel đang có hơn 40 triệu thuê bao 4G - là nhà mạng có số thuê bao 4G nhiều nhất Việt Nam; và nhu cầu sử dụng 4G vẫn rất cao trong thời gian tới.

viettel-1665.jpg
Các kỹ sư thử nghiệm các thiết bị 5G do Viettel nghiên cứu, sản xuất.

Cho rằng việc trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để triển khai mạng di động 5G là điều kiện cần thiết, lãnh đạo Viettel khẳng định tiếp tục phát triển mạng 4G và chuyển đổi sang công nghệ 5G. Bên cạnh đó, đây còn là lộ trình để thúc đẩy phát triển hạ tầng số quốc gia, hệ sinh thái dịch vụ số, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động.

"Hiện tại, các thiết bị 5G do Viettel nghiên cứu và sản xuất đã sẵn sàng để chạy triển khai trên băng tần 2500 - 2600 MHz. Viettel dự kiến sẽ khai trương mạng 5G trên toàn quốc trong thời gian sớm nhất" - đại diện Viettel cho biết.

Theo quy định, Viettel và các doanh nghiệp khác trúng đấu giá băng tần phải triển khai tối thiểu 3.000 trạm phát sóng 5G, và chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng băng tần đã đấu giá thành công trong vòng 12 tháng kể từ ngày được cấp phép.

Đồng thời, các doanh nghiệp phải triển khai tối thiểu 30% số lượng trạm phát sóng vô tuyến điện đã cam kết triển khai trong 2 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần trúng đấu giá tương ứng.

Hiện chưa có thông tin về giá và thời điểm cung cấp dịch vụ 5G thương mại tại Việt Nam do Viettel triển khai. Tuy nhiên, thời hạn sử dụng băng tần chỉ có 15 năm, nên các nhà mạng sẽ phải chạy đua triển khai hạ tầng để nhanh chóng khai thác kinh doanh.

viettel-5g-6335.jpg
Từ giữa năm 2019, Viettel đã lắp đặt trạm 5G đầu tiên tại nóc nhà Trung tâm Viettel (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đây là một trong 3 trạm 5G sẽ được phát sóng thử nghiệm lần này.

Theo các chuyên gia, băng tần mà Viettel trúng đấu giá được gọi là "băng tần vàng" vì B1 (2500-2600 MHz) là băng tần thấp hơn khối băng tần C2 (3700-3800 MHz) và khối băng tần C3 (3800 - 3900 MHz), nên có độ phủ rộng hơn. Nhà mạng khai thác băng tần này sẽ có được lợi thế về đầu tư trạm phát sóng và băng tần này có khả năng sử dụng cho cả mạng 4G, đáp ứng rất tốt

Ngược lại, các doanh nghiệp sở hữu 2 khối băng tần còn lại tuy có thể đấu thầu thành công với giá thấp hơn, nhưng bù lại, họ phải đầu tư hạ tầng. Vì vậy, giá khởi điểm để đấu giá băng tần này cũng cao hơn 2 băng tần 5G còn lại.

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel cho rằng: “Để có tăng trưởng thì phải có đầu tư”, vì thế, trong năm 2024, Viettel sẽ đầu tư rất nhiều trong lĩnh vực hạ tầng, như hạ tầng giao thông, hạ tầng số… Năm 2024 sẽ là năm chuyển đổi lớn khi mà tháng 9 này sẽ tắt sóng 2G, chỉ có sóng 4G và 5G. Năm nay tập đoàn sẽ triển khai 5G phủ sóng trên phạm vi toàn quốc.

“Trong năm 2024, tập đoàn phấn đấu triển khai đồng bộ hạ tầng mạng vô tuyến 4G, 5G phủ rộng vùng sâu vùng sâu. Việc này rất cần sự đồng hành của chính quyền các cấp, UBND tỉnh, huyện, xã. Như vậy mới có thể triển khai được đồng bộ, giúp cho Việt Nam trở thành thành một quốc gia có một hạ tầng số hiện đại trong tương lai không xa”, Chủ tịch Viettel nói.

Năm ngoái, doanh nghiệp này đã triển khai thử nghiệm dịch vụ 5G tại 63 tỉnh, thành phố với gần 500 trạm. Ngoài ra, Viettel cũng triển khai mạng di động 5G dùng riêng trong thực tế.

Hạ tầng đi trước để phát triển dịch vụ

Ít ngày sau khi Viettel công bố đấu giá thành công khối băng tần B1, Tập đoàn VNPT cũng trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần C2 (3.700MHz - 3.800MHz) để triển khai 5G trong 15 năm. Đại diện VNPT cho biết để tăng cường hiệu quả triển khai 5G, tập đoàn sẽ triển khai mô hình hợp tác, chia sẻ hạ tầng với nhà mạng trúng đấu giá băng tần 3.800-3.900 MHz trong lần đấu giá lại sắp tới. Việc hợp tác này không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực của các nhà mạng mà còn đem lại cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất với dịch vụ 5G.

Như vậy, đến nay, có 2 khối băng tần sẵn sàng đưa vào triển khai 5G là B1 (2.500-2.600 MHz) của Viettel và khối băng tần C2 (3.700-3.800 MHz) của VNPT. Còn khối băng tần C3 không đủ điều kiện mở phiên đấu giá (ngày 14/3 vừa qua), Bộ Thông tin và Truyền thông đang xem xét, quyết định việc tổ chức đấu giá lại vào thời điểm thích hợp. Giá khởi điểm sẽ được xác định phù hợp với thời điểm đấu giá.

Nhiều chuyên gia cho rằng các nhà mạng cần quyết tâm rất mạnh mẽ để thương mại hóa 5G, bởi doanh thu từ viễn thông truyền thống đang đi xuống và cũng không dễ tăng giá cước dịch vụ. Bài toán đầu tư lớn cho hệ thống mới là thách thức đối với doanh nghiệp ở cả góc độ nguồn đầu tư, cơ chế đầu tư và cơ chế hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước.

Ông Nguyễn Phong Nhã - Phó cục trưởng Cục Viễn thông - cũng cho rằng Việt Nam đã thử nghiệm mạng 5G nhiều năm qua và hiện các dịch vụ viễn thông truyền thống đang được dịch vụ OTT dần thay thế, phát triển rất nhanh. "Nhu cầu về tốc độ, chất lượng, dịch vụ mới chắc chắn cần được mở rộng. Quan điểm hạ tầng đi trước, dịch vụ mới đi kèm được", ông Nhã nói.

viettel-hight-tech-1-5261.jpg

Cũng theo lãnh đạo Cục Viễn thông, đến thời điểm hiện nay, mỗi nhà mạng đều đã có chiến lược phát triển và phương án thương mại hóa 5G của riêng mình phù hợp với tình hình phát triển chung của thị trường.

Việc triển khai thương mại hóa 5G phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài các yếu tố từ phía doanh nghiệp liên quan đến hiệu quả đầu tư, đầu ra của dịch vụ, hệ sinh thái thiết bị… thì điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp thương mại hóa 5G tại Việt Nam là được cấp phép sử dụng băng tần số quy hoạch cho phép triển khai 5G.

"Lượng tài nguyên tần số này là hữu hạn, nên việc sở hữu được băng tần triển khai 5G sẽ là yếu tố quyết định định hướng đầu tư và phát triển 5G khi thương mại hóa (được thực hiện thông qua đấu giá), doanh nghiệp sẽ phải cân đối giữa các khoản chi phí cấp phép băng tần và chi phí đầu tư phát triển hạ tầng mạng", lãnh đạo Cục Viễn thông cho hay.

Bà Vũ Thu Hiền, Trưởng Phòng chính sách và quy hoạch tần số, Cục Tần số vô tuyến điện, cho biết trong giai đoạn đầu triển khai 5G, băng tần tầm trung là băng tần quan trọng nhất, sẽ giúp bổ trợ, giảm tắc nghẽn cho 4G. Dẫn đánh giá của Hiệp hội Di động toàn cầu, bà Hiền cho biết hiện 71% các mạng 5G trên thế giới đã triển khai ở băng tần tầm trung.

Sau khi đấu giá xong băng tần tầm trung, Bộ Thông tin và Truyền thông, sẽ đánh giá nhu cầu của thị trường để thực hiện việc đấu giá tiếp các băng tần khác nhằm để Việt Nam sớm có được băng tần 5G, cho phép các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động băng rộng đến người dân, giúp cho việc phát triển hạ tầng số Việt Nam.

Tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu của 5G là 100 Mbps

Theo Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt ngày 11/1/2024, đến năm 2025, tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu là 100 Mbps cho mạng 5G, đến năm 2030 mạng 5G phủ sóng 99% dân số.

Năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng là năm phổ cập hạ tầng số. Hạ tầng số Việt Nam phải có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.