Việt Nam xếp thứ 8 thế giới về tiêu dùng dựa trên tiền mặt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một nghiên cứu vừa được Merchant Machine công bố cho thấy Na Uy, Phần Lan và New Zealand là 3 quốc gia gần như không dùng tiền mặt. Trái lại, Việt Nam xếp thứ 8 trong số quốc gia mua sắm bằng tiền mặt.
Tiền mặt vẫn được sử dụng khá phổ biến ở Việt Nam
Tiền mặt vẫn được sử dụng khá phổ biến ở Việt Nam

Nghiên cứu của Merchant Machine cho thấy Ma rốc là quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào tiền mặt, với 74% các khoản thanh toán dùng tiền mặt, 71% dân số không sử dụng ngân hàng. Điểm đánh giá của quốc gia này là 6,96 (điểm số càng cao, tỉ lệ phụ thuộc tiền mặt càng lớn). Tiếp theo là Ai Cập (6,71), Kenya ( 6,56), Nigeria (6,54), Philippines (6,42), Bulgaria (6,38), Peru (6,04).

Việt Nam xếp thứ 8 trong danh sách với điểm số là 6,03. Điểm số này phản ánh đa phần người dân ở vùng nông thôn vẫn ưa thích hình thức mua sắm bằng tiền mặt. Lưu ý rằng năm ngoái, Việt Nam đứng thứ 10 trong danh sách của Merchant Machine.

Đứng sau Việt Nam là Indonesia (5,88) và Kazakhstan (5,59).

Bảng xếp hạng các quốc gia tiêu dùng phụ thuộc vào tiền mặt

Bảng xếp hạng các quốc gia tiêu dùng phụ thuộc vào tiền mặt

Ở châu Âu, các quốc gia có điểm số phụ thuộc vào tiền mặt cao nhất sau Bulgaria là Romania (6,51), Hy Lạp (6,42), Ukraine (6,26), Bồ Đào Nha (5,80), Cộng hòa Séc (5,51), Hungary (5,16), Slovakia (4,85) ), Ba Lan (4,75) và Ý (4,74).

Các nhà nghiên cứu của Merchant Machine cho biết: “Bulgaria là quốc gia phụ thuộc vào tiền mặt nhiều nhất ở châu Âu khi 74% các khoản thanh toán là dùng tiền mặt. Quốc gia này chỉ có 91 máy ATM cho mỗi 100.000 người trưởng thành, mặc dù hơn 70% dân số có tài khoản ngân hàng.

"Mặc dù tỉ lệ sử dụng tiền mặt rất cao, nhưng điều đáng ngạc nhiên là chỉ có 28% dân số Bulgaria không sử dụng ngân hàng, có nghĩa là một số lượng lớn chủ tài khoản (72%) vẫn phải sử dụng tiền mặt để thực hiện thanh toán."

Những quốc gia hướng tới xã hội phi tiền mặt

Na Uy, Phần Lan và New Zealand là 3 quốc gia gần nhất với việc trở thành xã hội tiêu dùng phi tiền mặt; tiếp theo là Hồng Kông, Thụy Điển, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Anh, Singapore và Hà Lan.

Nghiên cứu kết luận rằng sự phổ biến ngày một nhiều của ví điện tử đã góp phần làm giảm nhu cầu sử dụng tiền mặt. Alipay hiện là ví điện tử phổ biến nhất trên toàn cầu với 1,3 tỉ người dùng. Tiếp theo là WeChat Pay (900 triệu), Apple Pay (507 triệu), Google Pay (421 triệu), PayPal (377 triệu), Paytm (333 triệu), PhonePe (300 triệu), Samsung Pay (140 triệu), Venmo (52 triệu) và Cash App (36 triệu).

Bảng xếp hạng các quốc gia tiêu dùng phi tiền mặt

Bảng xếp hạng các quốc gia tiêu dùng phi tiền mặt

Ở 10 quốc gia nói trên, tỷ lệ thanh toán dựa trên tiền mặt hiện chỉ còn dưới 5%. Thụy Điển, Đan Mạch, Anh và Singapore có tỷ lệ thấp nhất (1%), tiếp theo là Na Uy, Phần Lan, New Zealand và Thụy Sĩ (2%), Hồng Kông và Hà Lan (4%).

Tuy nhiên, nghiên cứu tính “điểm chỉ số tin cậy tiền mặt” theo các yếu tố: tỷ lệ phần trăm người có quyền truy cập Internet, số người có thẻ tín dụng, số người không có tài khoản ngân hàng và số lượng máy ATM trên mỗi 100.000 người trưởng thành.

Dựa trên sự kết hợp của các yếu tố này, Na Uy có điểm chỉ số phụ thuộc vào tiền mặt thấp nhất (1,54), tiếp theo là Phần Lan (1,87), New Zealand (2,06), Hồng Kông và Thụy Điển (2,10), Đan Mạch (2,15), Thụy Sĩ (2,21), Vương quốc Anh (2,22), Singapore (2,32) và Hà Lan (2,46).

Những tiến bộ trong thanh toán phi tiền mặt tại Việt Nam

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị. Giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.

Ngoài ra, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66% với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% trong giai đoạn từ 2015-2021. Đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC).

Còn theo ghi nhận từ hệ thống của Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đã tăng 94% về số lượng và 114,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện người tiêu dùng ở các đô thị lớn đã quen với việc thanh toán qua các ví điện tử như Momo, Zalo Pay, Shopee Pay, Viettel Pay. Với mức độ thâm nhập Internet cao và sự tăng tốc nhanh chóng của thương mại điện tử, Việt Nam có nhiều dư địa để cải thiện chỉ số thanh toán phi tiền mặt.