Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Oshima Tadamori và Phu nhân Oshima Setsu đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức nước ta từ ngày 04- 06/5/2017. Chiều 4/5, Lễ đón chính thức Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản đã diễn ra trọng thể tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ngay sau Lễ đón, hai bên đã tiến hành Hội đàm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Việt Nam và Nhật Bản đã có quan hệ ngoại giao hơn 40 năm nhưng thực tế mối quan hệ này bắt đầu từ khá sớm, ngay từ thế kỷ thứ 16, người Nhật Bản đã chọn Việt Nam là điểm đến trong giao thương. Với sự tương đồng về văn hóa, lịch sử, tình cảm hữu nghị chân thành và những lợi ích chung của hai dân tộc, quan hệ hai nước những năm qua đã phát triển vượt bậc, toàn diện và sâu sắc, đạt đến khuôn khổ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” từ tháng 3 năm 2014. Chính sự tin cậy cao về mặt chính trị giữa hai nước là nền tảng cho sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Việt Nam luôn coi việc tăng cường quan hệ với Nhật Bản là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội đàm
Về quan hệ kinh tế, đánh giá cao kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản năm 2016 đạt gần 30 tỷ USD và hai bên đang phấn đấu tăng gấp đôi vào năm 2020, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Nhật Bản hiện đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam với vị trí là nước cung cấp ODA lớn nhất, nhà đầu tư lớn thứ 2 với 3355 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực, tổng số vốn đăng ký 42,49 tỷ USD; là đối tác thương mại song phương lớn thứ 4 của Việt Nam.
Hiện nay, có hơn 1.600 doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có nhiều tập đoàn lớn, đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Hai bên đang cùng triển khai nhiều dự án quy mô lớn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng của Việt Nam. Dấu ấn của Nhật Bản được thể hiện trên nhiều công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu như cầu đường, cảng biển, sân bay đến các công trình phục vụ dân sinh như bệnh viện, trường học.... Các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch của Việt Nam, tiêu biểu như: Cầu Cần Thơ, Cầu Nhật Tân- Nhà ga hành khách T2- Đường nối Nhật Tân- Nội Bài. Do đó, thời gian tới đây, Việt Nam khuyến khích các tập đoàn lớn của Nhật Bản tham gia quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Việt Nam, đầu tư theo hình thức PPP...
Về hợp tác an ninh- quốc phòng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong bối cảnh an ninh khu vực thế giới nói chung và Châu Á- Thái Bình Dương nói riêng hiện nay ngày càng phức tạp, Quốc hội Việt Nam ủng hộ hai Chính phủ tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới; đánh giá cao những tiến triển trong hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này, thể hiện qua 07 Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng hai nước về cung cấp trang thiết bị, khí tài quốc phòng, đào tạo nhân lực...Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ cảm ơn và mong Nhật cung cấp vốn ODA không hoàn lại để thực hiện dự án hợp tác thử nghiệm công nghệ xử lý chất độc hóa học/đi-ô-xin tại Sân bay Biên Hòa của Tập đoàn Shimizu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Oshima Tadamori
Trong hợp tác một số lĩnh vực khác, Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác với Nhật Bản trong các lĩnh vực công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp; đặc biệt trong lĩnh vực ứng phó chống biến đổi khí hậu; đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực hợp tác lao động; Nhật Bản tăng số lượng và mở rộng lĩnh vực tiếp nhận thực tập sinh từ Việt Nam như nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng...trên cơ sở luật mới ban hành của Nhật Bản.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của hai Nhóm nghị sỹ hai nước đã phối hợp thực hiện và thúc đẩy hai Chính phủ thành lập trường Đại học Việt- Nhật tại Việt Nam, bước đầu đã đi vào hoạt động tốt đẹp; đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục hợp tác trong việc đầu tư phát triển một số trường chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Về lĩnh vực du lịch, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng hai nước thúc đẩy lượng du khách đến thăm nhau sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới; đồng thời đề nghị Hạ viện Nhật Bản và Chủ tịch Oshima Tadamori quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản sinh sống ổn định, học tập và làm việc hiệu quả, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội cũa mỗi nước và là cầu nối xây dựng tình hữu nghị Việt- Nhật.
Trong quan hệ ngoại giao nghị viện giữa hai nước, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cùng với sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt- Nhật, hợp tác giữa Quốc hội và các Nghị sĩ của hai nước không ngừng được tăng cường; qua đó gửi lời cảm ơn tình cảm và sự quan tâm của Chủ tịch Oshima Tadamori dành cho đất nước và nhân dân Việt Nam; đánh giá cao vai trò của Hạ viện Nhật Bản, Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật- Việt trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước.
Trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chủ tịch Oshima Tadamori và Hạ viện Nhật Bản tiếp tục quan tâm, ủng hộ việc triển khai, thực hiện các thỏa thuận cấp cao về kinh tế giữa hai nước; thúc đẩy Chính phủ Nhật Bản tiếp tục duy trì ODA ở mức cao giúp Việt Nam phát triển bền vững; đề nghị Quốc hội hai bên tăng cường giám sát hiệu quả thực hiện các chương trình, dự án hợp tác giữa Chính phủ và các Bộ ngành của hai nước; mong muốn Quốc hội hai nước tăng cường hợp tác và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực cũng như trong những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, nhất là tại các Diễn đàn IPU, AIPA, APPF...
Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Oshima Tadamori phát biểu tại Hội đàm
Nhất trí với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Oshima Tadamori cho rằng, mối quan hệ giữa hai nước đang ở trong giai đoạn tốt đẹp nhất, điều này được thể hiện trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế- thương mại, an ninh- quốc phòng, giáo dục- đào tạo, du lịch...Đặc biệt, chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Nhà vua Akihito và Hoàng hậu vào tháng 2/2017 vừa qua đã thể hiện tính lịch sử, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quan hệ hai nước Nhật- Việt.
Trong các lĩnh vực hợp tác cụ thể, về quan hệ kinh tế- thương mại, Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Oshima Tadamori cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp Nhật Bản đang rất chú trọng và mong muốn tiếp tục sang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, do đó, mong muốn Việt Nam tiếp tục có những biện pháp, chương trình nhằm cải cách các thủ tục hành chính, rút ngắn thủ tục đầu tư, thuế quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp; đề nghị hai bên tiếp tục trao đổi, thúc đẩy các hiệp định mang tính toàn cầu như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... Về hợp tác lao động, Chủ tịch Oshima Tadamori đề nghị hai bên cần sớm xây dựng Nghị định hợp tác trong lĩnh vực này, nhất là khi Nhật Bản chuẩn bị áp dụng quy định mới trong việc tiếp nhận các thực tập sinh trong thời gian tới.
Trong quan hệ ngoại giao nghị viện, Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Oshima Tadamori vui mừng nhận thấy cùng với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Nhật Bản cũng vô cùng tốt đẹp; hai bên thường xuyên trao đổi Đoàn các cấp, hoạt động giao lưu giữa hai Nhóm Nghị sĩ hữu nghị cũng được diễn ra một cách rất sôi nổi, hiệu quả. Đánh giá cao vai trò, vị thế của Quốc hội Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là việc tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132), Chủ tịch Oshima Tadamori tin tưởng Hội nghị chuyên đề IPU về Biến đổi khí hậu sắp tới do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức sẽ thành công tốt đẹp.
Tại cuộc Hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Oshima Tadamori tiếp tục thống nhất và khẳng định hai bên sẽ tăng cường hợp tác để cụ thể hóa tích cực nội hàm của mối quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” trên kênh ngoại giao nghị viện hai nước. Trong đó sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi Đoàn các cấp, giao lưu hợp tác giữa các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị và giữa Văn phòng Quốc hội hai nước; cùng nhau chia sẻ các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm...