Việt Nam và bài toán thương mại điện tử ASEAN

Chung số phận với khu vực ASEAN, tiềm năng thương mại điện tử VN đang bị kìm hãm bởi bất cập trong hạ tầng giao nhận, thanh toán và dịch vụ.
Thương mại điện tử VN nói riêng và ASEAN nói chung chưa phát triển tương xứng với tiềm năng- (ẢNH: TRUNG DUNG).
Thương mại điện tử VN nói riêng và ASEAN nói chung chưa phát triển tương xứng với tiềm năng- (ẢNH: TRUNG DUNG).

Sau nhiều dự báo về sự bùng nổ mạnh mẽ của thương mại điện tử ASEAN, các chuyên gia đã bắt đầu thận trọng hơn và tập trung phân tích những khía cạnh đang kìm hãm sự phát triển của thị trường đầy tiềm năng này. Trong đó, nổi cộm nhất là hệ thống giao nhận và hạ tầng thanh toán chưa phát triển kịp nhu cầu mua bán trên mạng, vốn đang tăng vọt thiết bị di động cũng như lượng người dùng internet.

Tại VN, doanh số bán lẻ qua mạng đạt khoảng 4,07 tỉ USD trong năm 2015 và được dự báo có thể tăng lên 10 tỉ USD trong 5 năm tới. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo muốn đạt được mục tiêu trên thì VN phải nỗ lực giải quyết những rào cản để vượt qua được sức ì chung của cả khu vực.

Hậu mãi và xây dựng lòng tin

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch Phụ trách an ninh mạng của Công ty BKAV, cho biết dù mua hàng trên mạng đã trở nên rất phổ biến nhưng khách hàng vẫn còn e dè sau hàng loạt sự cố về hàng nhận được không đúng như quảng cáo, trục trặc tài khoản và cách thức thanh toán trực tuyến. “Hiện nay vẫn còn những trang mua bán giả mạo và lừa đảo khiến nhiều người mất lòng tin. Các đơn vị cung cấp dịch vụ như ngân hàng, website thương mại điện tử nên có lộ trình chuyển sang biện pháp xác thực mạnh hơn như dùng chữ ký số”, ông nói. Theo ông Tuấn Anh, ở VN đa số giao dịch theo hình thức trả tiền mặt khi nhận hàng. Điều này giúp đảm bảo cho khách hàng nhưng phát sinh nhiều chi phí cho quản lý tài chính và thanh toán, khó thúc đẩy giao dịch thương mại điện tử.

Trong khi đó, Trưởng văn phòng phía nam Hiệp hội Thương mại điện tử VN Nguyễn Ngọc Dũng dự báo thương mại điện tử VN đang “cất cánh” và sẽ thu hút đầu tư nước ngoài, cùng các hoạt động mua bán sáp nhập với con số lên tới hàng tỉ USD trong giai đoạn 2016 - 2020. Theo ông, người tiêu dùng đang chấp nhận thương mại điện tử vì một số mặt hàng không có trên các kênh truyền thống, không có gần địa phương nơi họ sống, hoặc có khuyến mãi nhiều hơn khi mua trên mạng. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề về hậu mãi cần giải quyết. “Chúng ta mở website, chúng ta kinh doanh, làm marketing và xây dựng rất nhiều kế hoạch để làm sao có người mua hàng của chúng ta. Nhưng đến khi chúng ta hoàn tất đơn hàng, giao hàng và thu tiền, chúng ta đổi trả hàng, làm các hoạt động về hậu mãi thì còn cần phải làm tốt hơn, chuyên nghiệp hóa hơn”, ông nhận định.

Nguy cơ “xâm lược”

Tính chung cả khu vực ASEAN, thị trường thương mại điện tử cũng đang có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, chuyên trang Computer Weekly dẫn lời ông Sebastien Lamy, chuyên gia của Công ty tư vấn quản lý toàn cầu Bain&Co, cho rằng thương mại điện tử ASEAN đang vào “điểm lùi” để lấy đà cho một cuộc bùng nổ tác động đến nhiều lĩnh vực từ du lịch tới các dịch vụ tài chính và thanh toán. Vì thế, nếu các doanh nghiệp bản địa không giải quyết được những thách thức trước mắt để phát triển đúng tiềm năng thì nguy cơ lớn là thị trường khu vực sẽ lọt vào tay các “đại gia” bên ngoài, vốn đang ồ ạt đổ tiền đầu tư để đón đầu xu hướng.

Hồi tháng 4, tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc là Alibaba đã chi 1 tỉ USD mua cổ phiếu chi phối của Tập đoàn bán lẻ Lazada ở Đông Nam Á. Mới đây, đến lượt “gã khổng lồ” Amazon của Mỹ cũng đầu tư 600 triệu USD vào thương mại điện tử ở Indonesia. Ngân hàng SoftBank (Nhật Bản) và liên doanh Sequoia Capital của Mỹ thì bỏ ra 100 triệu USD mua cổ phiếu của Tokopedia, nhà đầu tư khởi nghiệp lớn nhất Indonesia trong khi eBay đã sở hữu sàn thương mại điện tử Qoo10 ở Singapore.

Chuyên gia Sandy Shen thuộc Công ty nghiên cứu Gartner cho rằng thách thức của thương mại điện tử ở Đông Nam Á khác nhau ở từng quốc gia bên cạnh khó khăn chung về hạ tầng giao nhận, thanh toán và dịch vụ khách hàng kém phát triển. “Thương mại điện tử ở Đông Nam Á vẫn còn ở giai đoạn mới phát triển dù một số thị trường như Singapore tỏ ra vượt trội hơn. Nhưng dần dần, các thị trường sẽ buộc phải cải thiện để đáp ứng nhu cầu khách hàng”, bà nói.

Theo Thanh Niên