Việt Nam lọt top các nước có chỉ số phát triển cao về Chính phủ điện tử

VietTimes -- Theo ghi nhận của Liên hợp quốc, Việt Nam đã có những tiến bộ về mức độ phát triển Chính phủ điện tử khi từ nhóm các nước có chỉ số phát triển trung bình sang nhóm các nước có chỉ số phát triển cao; thứ hạng chung tăng 10 bậc so với năm 2014, đứng thứ 89/193 quốc gia, vùng lãnh thổ 
Theo Nghị quyết 36A, phấn đấu đến hết năm 2016 các bộ, ngành Trung ương có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Theo Nghị quyết 36A, phấn đấu đến hết năm 2016 các bộ, ngành Trung ương có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

Đó là nhận định được đưa ra từ báo cáo khảo sát về Chính phủ điện tử năm 2016 với chủ đề “Chính phủ điện tử trong hỗ trợ phát triển bền vững” của Liên hợp quốc vừa phát hành cuối tháng 7/2016

Việc ứng dụng Chính phủ điện tử sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí và thời gian cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan hành chính, kiểm soát được những sai sót khi làm thủ tục, tiết kiệm giấy tờ hành chính. Ngoài ra, việc công khai, minh bạch trên mạng điện tử sẽ làm giảm bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ, trở thành quốc gia phát triển Chính phủ điện tử mức cao, tăng 10 hạng trong bảng xếp hạng chung, lên thứ 89/193 quốc gia, vùng lãnh thổ (báo cáo năm 2014 xếp hạng 99)

Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện đang xếp thứ 6, sau các nước: Singapore (thứ 4); Malaysia (thứ 60); Philippines (thứ 71); Thái Lan (thứ 77) và Brunei (thứ 83).

Báo cáo chỉ rõ đã có sự tăng trưởng trong nhóm các nước có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử rất cao (chỉ số lớn hơn 0,75) từ 25 nước (13%) năm 2014 lên 29 nước (15%); các nước mới gia nhập nhóm này là Slovenia; Lithuania; Thụy Sỹ và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE). 34% (65 nước) các nước có chỉ số Chính phủ điện tử phát triển cao (có chỉ số từ 0,5 đến 0,75), 35% (67 nước) các nước có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử trung bình (có chỉ số từ 0,25 đến 0,5); còn lại 32 nước (16%) có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử thấp (nhỏ hơn 0,25).

Theo các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết 36A về Chính phủ điện tử, trong ba năm 2015 - 2017 tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính.

Phấn đấu đến hết năm 2016 các bộ, ngành Trung ương có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ (dịch vụ công trực tuyến mức độ 3).

Phấn đấu đến hết năm 2016, một số dịch vụ công phổ biến, liên quan nhiều tới người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).

Đồng thời, cải cách toàn diện cả ba nhóm chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI), hạ tầng viễn thông (TII) và nguồn nhân lực (HCI); phấn đấu đến hết năm 2016, Việt Nam nằm trong Nhóm 4 và đến hết năm 2017 nằm trong Nhóm 3 các quốc gia đứng đầu ASEAN về chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI) và Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) của LHQ.