Việt Nam có trễ hẹn 5G?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Việc triển khai 5G của Việt Nam có đang trễ hẹn khi trên thế giới có nhiều nước như Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đã cung cấp 5G đến người dùng?

Việt Nam sẽ triển khai thương mại 5G diện rộng vào năm 2021
Việt Nam sẽ triển khai thương mại 5G diện rộng vào năm 2021

Theo dữ liệu của Tập đoàn Qualcomm, 5G sẽ tạo ra giá trị kinh tế 1.000 tỉ USD trong hai năm tới và đạt đến 13.200 tỉ USD vào năm 2035.

Hiện trên thế giới đã có hơn 60 nhà mạng triển khai thương mại công nghệ 5G, hơn 380 nhà mạng khác đang đầu tư vào 5G. Đã có hơn 375 thiết bị 5G được thương mại hóa và đang trong quá trình phát triển. Nhiều nhà sản xuất điện thoại thông minh cũng đã tung ra các dòng điện thoại hỗ trợ 5G.

Tại Việt Nam hiện nay một số người dùng cũng đã sở hữu những mẫu điện thoại 5G của Samsung, Oppo, Xiaomi, tuy nhiên các nhà mạng hiện nay mới chỉ cung cấp dữ liệu 4G.

Thắc mắc về quá trình triển khai 5G tại Việt Nam, tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 6/11, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu tỉnh An Giang đã hỏi Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng rằng: liệu Việt Nam có đang chậm trễ trong việc triển khai 5G, và nếu triển khai nhanh thì có tốn kém không?. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Việt Nam không chậm trễ.

00:00
/
Có lỗi xảy ra!.
Error code: 4

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội về triển khai 5G

Theo Bộ trưởng, năm 2019 một số nhà mạng Việt Nam đã tiến hành thử nghiệm kỹ thuật. Năm 2020 khi Liên minh Viễn thông Thế giới công bố chuẩn 5G thì Việt Nam cũng đã bắt đầu thử nghiệm thương mại (kinh doanh có thu phí). Dự kiến năm 2021 sẽ triển khai diện rộng.

Nhìn lại lịch sử phát triển các mạng viễn thông Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết chúng ta đã triển khai 2G song song với thế giới. Nhưng đến 3G, 4G thì chúng ta chậm chân hơn thế giới từ 7-8 năm. Xếp hạng triển khai 4G của Việt Nam là 108 thế giới vào năm 2017. Đến năm nay thì Việt Nam mới lên hạng 17.

Trước thắc mắc việc triển khai 5G có tốn kém, Bộ trưởng cho biết 5G sẽ được triển khai theo 3 pha. Pha 1 sẽ làm ở các thành phố lớn, trung tâm đông người, các khu công nghiệp, khu nghiên cứu và các trường đại học… thì chi phí không lớn. Chúng ta phát triển 5G trên hạ tầng đã có của 4G: nhà trạm, cột ăng ten, truyền dẫn, tức là 70% là dùng lại được. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đề nghị các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng xây dựng phương án chia sẻ, dùng chung hạ tầng 5G, kể cả dùng chung thiết bị. Khi mở mạng 5G, Việt Nam sẽ tắt sóng 2G, 3G để giảm chi phí duy trì hạ tầng cho nhà mạng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng khi chúng ta thương mại 5G sẽ sử dụng thiết bị mạng 5G do Việt Nam sản xuất, tránh các nghi ngại về việc mua thiết bị 5G của nước ngoài dẫn đến nguy cơ về bảo mật, an ninh.

Tại sự kiện Tech Summit 2020 được tổ chức ngày 16/7 vừa qua, ông Denis Brunetti - Tổng Giám đốc Ericsson khu vực Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào - nhận định 5G sẽ làm thay đổi tất cả các ngành nghề. Các ngành sản xuất, nông nghiệp, y tế sẽ thay đổi mạnh mẽ với sự xuất hiện của các robot và hệ thống 5G truyền tải thông tin. Ông Brunetti tin rằng Việt Nam đang sở hữu những yếu tố cần để phát triển khoa học công nghệ, trong đó bao gồm nền kinh tế và chính trị ổn định.

Ông Brunetti cũng cho rằng Việt Nam đang là một trong những quốc gia thu hút được vốn đầu tư nước ngoài, ký nhiều hiệp định tự do thương mại hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Những yếu tố trên, cộng với mật độ phủ sóng điện thoại và mạng viễn thông ngày một nhiều, chính là nền tảng để các công nghệ đổi mới sáng tạo trong đó có 5G phát triển. "Chúng tôi tin vào viễn cảnh năm 2045, Việt Nam trở thành một nền kinh tế phát triển. Ericsson đang bắt tay cùng những doanh nghiệp viễn thông hàng đầu Việt Nam để hiện thực hóa tầm nhìn này", ông Brunetti nói.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 17-1-2020, cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Viettel tự nghiên cứu và sản xuất, được thực hiện thành công.

Còn theo Vụ Công nghệ thông tin của Bộ, phát triển mạng 5G là một trong những định hướng trọng tâm về nâng cao năng lực hạ tầng số, phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Để triển khai định hướng này, một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng là Việt Nam cần nghiên cứu làm chủ việc thiết kế, sản xuất chip và thiết bị mạng 5G.