Video đồ hoạ cho thấy châu Á đã phát triển như thế nào trong 50 năm qua?

Châu Á đã có những sự thay đổi lớn kể từ khi Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập, tạo thành một khối chính trị vào tháng 8/1967. Nhưng làm thế nào để chúng ta có thể nhìn thấy được tốc độ và phương hướng của những thay đổi đó?

Khi nền kinh tế phát triển, tuổi thọ của người dân trong khu vực cũng vì thế mà được kéo dài thêm.

Châu Á đã có những sự thay đổi lớn kể từ khi Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập, tạo thành một khối chính trị vào tháng 8/1967. Nhưng làm thế nào để chúng ta có thể nhìn thấy được tốc độ và phương hướng của những thay đổi đó?

Video được lấy cảm hứng từ Gapminder Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 2006 bởi giáo sư Hans Rosling. Gapminder thu thập và lưu trữ các dữ liệu (từ tận những năm đầu của thế kỉ 19) cho phép chúng ta có thể so sánh những tiến bộ kinh tế và xã hội của các quốc gia trên toàn thế giới. Giáo sư Rosling nổi tiếng trong việc sử dụng những biểu đồ hoạt ảnh trong những buổi "TED talk" (những bài diễn thuyết mang tính truyền cảm hứng được ghi lại tại các sự kiện của tổ chức phi lợi nhuận TED) để biến những dữ liệu khô khan trở nên sống động hơn. Trang Nikkei đã áp dụng những kĩ thuật tương tự để mang lại cho chúng ta cái nhìn đa chiều về sự phát triển của các quốc gia châu Á. Biểu đồ trông có vẻ phức tạp, nhưng chúng ta chỉ cần biết một số điều cơ bản:

  • Mỗi hình tròn đại diện cho một quốc gia, và kích cỡ của nó tượng trưng cho dân số của quốc gia đó.
  • Vị trí của mỗi hình tròn theo chiều ngang thể hiện GDP bình quân đầu người, quốc gia ở bên trái sẽ nghèo hơn quốc gia ở bên phải.
  • Vị trí của mỗi hình tròn theo chiều dọc là tuổi thọ trung bình của quốc gia đó. Quốc gia có vị trí ở trên cao thì người dân của quốc gia đó sẽ có tuổi thọ cao hơn.
  • Biểu đồ này sẽ bao gồm cả những nhân tố ảnh hưởng đến mỗi quốc gia kể từ năm 1967 đến năm 2015.

Chúng ta có thể thấy rằng các quốc gia đều có mô hình phát triển giống nhau. Các vòng tròn đều dần trở lên lớn hơn, cho thấy sự gia tăng dân số ở mỗi quốc gia. Các hình tròn cũng di chuyển theo hướng ngày càng đi lên cao và tiến về phía bên phải. Đây là những tín hiệu rất tích cực – hầu hết các quốc gia đều ngày càng giàu có hơn trước và người dân cũng sống lâu hơn. Nhưng nếu nhìn kĩ, bạn sẽ thấy sự thay đổi này là không nhất quán ở mọi quốc gia. Ví dụ, GDP của Trung Quốc xếp cuối cùng vào năm 1967 – nhưng quốc gia này nhanh chóng vượt qua những nước láng giềng, đặc biệt là từ năm 1990 trở đi. Tương tự, những thành tựu mà Hàn Quốc đạt được kể từ những năm 70 cũng rất đáng chú ý.

Không phải mọi câu chuyện diễn ra trong thời gian qua đều là có hậu. Theo biểu đồ, tuổi thọ trung bình của Campuchia đã giảm mạnh xuống chỉ còn 18 tuổi trong thảm họa diệt chủng Pol Pot. Cách mà đường tròn của Campuchia tụt xuống dưới cùng của biểu đồ vào những năm 70 phản ánh cái chết của hàng triệu người xảy ra ở một trong những thời kì đen tối nhất của châu Á. Ngoài ra, ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng kinh tế cũng được thể hiện một cách rất chân thực, khi những hình tròn của các quốc gia bị lung lay và đẩy ngược về, trước khi có dấu hiệu phục hồi.

Qua hành trình vô cùng đặc biệt của châu Á 50 năm qua, có một điều mà chúng ta có thể thấy rất rõ ràng – nhìn lại quá khứ chắc chắn sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tương lai và những điều đang chờ đợi châu Á ở phía trước.

Theo Tạp chí Diễn đàn đầu tư

http://vnreview.vn/tin-tuc-xa-hoi-so/-/view_content/content/2186111/video-do-hoa-cho-thay-chau-a-da-phat-trien-nhu-the-nao-trong-50-nam-qua